Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân theo Bộ luật dân sự Việt Nam (phần 2)

16:23 CH
Thứ Ba 22/06/2021
 1525

2/ Bắt đầu và chấm dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân:

Theo khoản 3 Điều 16 BLDS 2015 quy định: “Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết”. Như vậy, tương ứng với thời điểm sinh ra và thời điểm chết của cá nhân là thời điểm bắt đầu và thời điểm chất dứt năng lực pháp luật dân sự của cá nhân.

3/ Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân

 Nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là tổng hợp các quyền dân sự mà pháp luật quy định cho cá nhân. Điều 17 BLDS 2015 quy định về nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân. Trên cơ sở các quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự, Bộ luật dân sự và các văn bản pháp luật có liên quan quy định cụ thể về nội dung năng lực pháp luật dân sự của cá nhân trong từng trường hợp cụ thể. Theo quy định tại Điều 17 BLDS 2015 thì cá nhân có các quyền, nghĩa vụ dân sự sau đây:

  • Quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản:

Quyền nhân thân không gắn với tài sản của cá nhân được quy định từ Điều 25 đến Điều 39 BLDS 2015. Các quyền nhân thân được ghi nhận trong BLDS là cơ sở pháp lý cho cá nhân thực hiện quyền của mình đồng thời là căn cứ để cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân khi các quyền đó bị xâm phạm. Trên cơ sở quy định về quyền nhân thân của cá nhân, BLDS 2015 và các văn bản pháp luật khác đưa ra các quy định về bảo vệ quyền nhân thân trong một số trường hợp cụ thể.

Ví dụ: Điều 584, Điều 592 BLDS 2015 quy định người có hành vi xâm phạm tới danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân phải bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm của mình gây ra.

Quyền nhân thân gắn với tài sản được hiểu trên cơ sở quyền nhân thân của mình, cá nhân có được lợi ích vật chất (tài sản) thông qua việc khai thác các giá trị tinh thần đó. Chẳng hạn, tác giả, chủ sở hữu các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ và các chủ thể khác có quyền nhân thân và quyền tài sản đối với các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ.

  • Quyền sở hữu, quyền thừa kế và các quyền khác đối với tài sản:

Cá nhân có quyền sở hữu đối với tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình và pháp luật tôn trọng, bảo vệ quyền sở hữu tài sản đối với cá nhân. Tài sản thuộc sở hữu của cá nhân không bị hạn chế về số lượng, giá trị, miễn là các tài sản đó được xác lập quyền sở hữu dựa trên các căn cứ pháp lý do pháp luật quy định. Mặc dù quyền sở hữu tài sản là năng lực pháp luật của cá nhân trong việc hưởng quyền dân sự, tuy nhiên: “Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản thuộc sở hữu riêng không được gây thiệt hại hoặc làm ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác” (khoản 2 Điều 206 BLDS 2015). Nội dung này cũng được ghi nhận là một nguyên tắc của pháp luật dân sự, theo đó khi cá nhân thực hiện quyền của chủ sở hữu đối với tài sản thì một trong những nguyên tắc chung là: “Việc xác lập, thực hiện, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự không được xâm phạm đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”. (khoản 4 Điều 3 BLDS 2015).

Cá nhân có quyền để lại tài sản thuộc sở hữu hợp pháp của mình cho những người thừa kế sau khi mình qua đời. Đồng thời với việc để lại di sản thừa kế, cá nhân có quyền hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật. Khi hưởng di sản thừa kế do người chết để lại, cá nhân có nghĩa vụ thực hiện nghĩa vụ về tài sản do người chết để lại tương ứng với phần di sản mà mình được hưởng.

  • Quyền tham gia quan hệ dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ quan hệ đó:

Cá nhân có quyền tham gia các quan hệ nghĩa vụ, các hợp đồng dân sự và có nghĩa vụ phát sinh từ các quan hệ dân sự đó. Có những quan hệ nghĩa vụ mà khi cá nhân tham gia thì cá nhân chỉ có quyền mà không có bất cứ nghĩa vụ nào (trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, người bị thiệt hại có quyền yêu cầu người gây thiệt hại phải bồi thường), nhưng có những quan hệ nghĩa vụ thì đồng thời với việc hưởng quyền cá nhân cũng phải thực hiện các nghĩa vụ phát sinh (bên bán vừa có quyền yêu cầu bên mua trả tiền, vừa có nghĩa vụ phải giao vật cho bên mua…).

Hết. xem thêm phần 1

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .