Người có nghĩa vụ phải thi hành án dân sự nhưng không chấp hành thì xử lý như thế nào?
Những khó khăn khi người phải thi hành án không tự nguyện thi hành án xuất hiện rất thường xuyên trong các vụ án dân sự, đặc biệt là những vụ án có liên quan đến việc trả tiền, bồi thường thiệt hại. Vậy, khi người phải thi hành không tự nguyện thi hành án thì người được thi hành án phải làm gì để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình?
1. Quy định của pháp luật về thi hành án dân sự
Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật Thi hành án dân sự quy định về Thời hạn tự nguyện thi hành án:
“1. Thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án.
2. Trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc hành vi khác nhằm trốn tránh việc thi hành án thì Chấp hành viên áp dụng ngay biện pháp quy định tại Chương IV của Luật này.”
Như vậy, theo quy định tại Luật thi hành án dân sự thì thời hạn tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc nhận được thông báo hợp lệ Quyết định thi hành án.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật thi hành án dân sự quy định về Cưỡng chế thi hành án:
“1. Hết thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 45 của Luật này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế.”
Theo đó, việc cưõng chế thi hành án chỉ xảy ra khi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án.
2. Nguyên tắc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự
Cưỡng chế thi hành án dân sự là hoạt động của cơ quan Thi hành án dân sự, bằng chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình để đảm bảo việc thi hành trên thực tế quyền và nghĩa vụ của các chủ thể liên quan trong quyết định, bản án được thi hành theo thủ tục thi hành án.
Khi các chủ thể phải thi hành án không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ được nêu trong quyết định, bản án. Cơ quan Thi hành án dân sự có thẩm quyền sẽ áp dụng các Biện pháp cưỡng chế thi hành đối với người phải thi hành án. Chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án phải tuân thủ những nguyên tắc nhất định như:
*Chỉ được áp dụng các biện pháp cưỡng chế được pháp luật quy định. Căn cứ theo quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án dân sự về biện pháp cưỡng chế thi hành án bao gồm:
- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
* Chỉ được áp dụng biện pháp cưỡng chế sau khi đã hết thời hạn tự nguyện thi hành án trừ trường hợp cần ngăn chặn người phải thi hành án có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản hoặc trốn tránh nghĩa vụ thi hành án. Ngoài ra, cơ quan thi hành án dân sự không không tổ chức cưỡng chế thi hành án có huy động lực lượng trong thời gian 15 ngày trước và sau tết Nguyên đán; các ngày truyền thống đối với các đối tượng chính sách, nếu họ là người phải thi hành án.
* Việc tổ chức cưỡng chế phải tương ứng với nghĩa vụ của người phải thi hành án và các chi phí cần thiết khác. Chấp hành viên phải ước tính giá trị tài sản để làm cơ sở cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án. Trường hợp người phải thi hành án chỉ có một tài sản duy nhất lớn hơn nhiều so với nghĩa vụ phải thi hành án mà tài sản đó không thể phân chia được hoặc việc phân chia sẽ làm giảm đáng kể giá trị của tài sản thì Chấp hành viên vẫn có quyền áp dụng biện pháp bảo đảm, cưỡng chế thi hành án
* Việc áp dụng biện pháp cưỡng chế phải căn cứ vào bản án, quyết định và từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nguyên tắc này đòi hỏi rất cao về mặt chuyên môn nghiệp vụ của Chấp hành viên, bản lĩnh nghề nghiệp và đạo đức Chấp hành viên. Vì việc tổ chức cưỡng chế thi hành án có thuận lợi hay không, an toàn hay không và có ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa bản xảy ra việc cưỡng chế hay không tùy thuộc vào việc có áp dụng thống nhất nguyên tắc này trên thực tế của Chấp hành viên.
3. Trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành án
Bước 1: Ra quyết định cưỡng chế thi hành án
Căn cứ Điều 45, Điều 46 Luật Thi hành án dân sự sau 10 ngày kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án, người phải thi hành án không chấp hành sẽ bị cưỡng chế.
Bước 2: Lập kế hoạch cưỡng chế
Trước khi tiến hành cưỡng chế để thi hành án, chấp hành viên phải lập kế hoạch cưỡng chế căn cứ theo quy định tại Điều 72 Luật Thi hành án dân sự, kế hoạch cưỡng chế bao gồm các nội dung: Tên người bị áp dụng biện pháp cưỡng chế; Biện pháp cưỡng chế cần áp dụng; Thời gian, địa điểm cưỡng chế; Phương án tiến hành cưỡng chế; Yêu cầu về lực lượng tham gia bảo vệ cưỡng chế; Dự trù chi phí cưỡng chế.
Bước 3: Tiến hành cưỡng chế
Tiến hành cưỡng chế được thực hiện tại nơi có tài sản hoặc đối tượng cần cưỡng chế áp dụng các biện pháp cưỡng chế nói trên tùy thuộc vào đối tượng cưỡng chế.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc đối với nội dung người có nghĩa vụ phải thi hành án dân sự nhưng không chấp hành thì xử lý như thế nào? Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.