Quy định về Liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong thi hành án dân sự
Liên đới chịu trách trách nhiệm bồi thường xuất phát từ nguyên nhân do nhiều người cùng gây ra thiệt hại và phải cùng chịu trách nhiệm bồi thường. Trong thực tế nhiều sự kiện gây thiệt hại như ẩu đả, trộm cướp … tồn tại nhiều chủ thể gây thiệt hại cho cùng một bên bị gây thiệt hại và trong đó hành vi gây thiệt hại của các chủ thể ấy ít nhiều có liên hệ với nhau và cùng là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại. Chính trong các trường hợp này mà liên đới chịu trách nhiệm bồi thường phát sinh.
1. Nghĩa vụ liên đới là gì?
Căn cứ theo quy định tại Điều 288 Bộ luật Dân sự 2015 về Nghĩa vụ liên đới:
- Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.
- Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.
- Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.
- Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ.
Theo đó, người có quyền liên đới có quyền yêu cầu bất cứ ai có nghĩa vụ liên đới thực hiện các nghĩa vụ liên đới đối với họ. Khi người có quyền liên đới được miễn thực hiện nghĩa vụ thì những người có nghĩa vụ liên đới cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ trên.
2. Căn cứ phát sinh nghĩa vụ liên đới:
Theo thỏa thuận giữa các bên: một nghĩa vụ được coi là nghĩa vụ liên đới khi các bên thỏa thuận nghĩa vụ phát sinh là nghĩa vụ liên đới.
Theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, các nghĩa vụ được coi là nghĩa vụ liên đới như sau:
Tại khoản 4 Điều 142 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp người không có quyền đại diện và người đã giao dịch cố ý xác lập, thực hiện giao dịch dân sự mà gây thiệt hại cho người được đại diện thì phải chịu trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại.
Tại Điều 338 Bộ luật Dân sự 2015, thì khi nhiều người cùng bảo lãnh một nghĩa vụ thì phải liên đới thực hiện việc bảo lãnh, trừ trường hợp có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định bảo lãnh theo các phần độc lập.
Tại Điều 450 Bộ luật Dân sự 2015, trường hợp quyền tài sản là quyền đòi nợ và bên bán cam kết bảo đảm khả năng thanh toán của người mắc nợ thì bên bán phải liên đới chịu trách nhiệm thanh toán, nếu khi đến hạn mà người mắc nợ không trả.
3. Tổ chức thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới:
Theo Điều 11 Thông tư liên tịch 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC thì việc tổ chức thi hành án đối với nghĩa vụ liên đới được quy định như sau:
- Trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên nghĩa vụ liên đới nhưng không xác định hoặc xác định rõ phần nghĩa vụ của từng người, thì trong quá trình tổ chức thi hành án, cơ quan thi hành án dân sự có quyền yêu cầu một hoặc một số người bất kỳ có điều kiện thi hành án trong số những người phải thi hành án thực hiện toàn bộ nghĩa vụ liên đới.
- Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự.
- Người đã thực hiện thay phần nghĩa vụ thi hành án có quyền yêu cầu người có nghĩa vụ liên đới khác thanh toán lại phần nghĩa vụ mà người đó đã thực hiện thay cho họ theo quy định của pháp luật dân sự.
Thời gian tự nguyện thi hành án là 10 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án. Nếu hết thời hạn trên người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế theo Điều 46 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi 2014.
4. Trường hợp ủy thác thi hành án nghĩa vụ liên đới:
Theo Điều 55 Luật Thi hành án dân sự 2008 sửa đổi 2014 về Ủy thác thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải ủy thác thi hành án cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở.
- Trường hợp người phải thi hành án có tài sản, làm việc, cư trú hoặc có trụ sở ở nhiều địa phương thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác thi hành án từng phần cho cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án để thi hành phần nghĩa vụ của họ.
- Trường hợp ủy thác thi hành nghĩa vụ liên quan đến tài sản thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác đến cơ quan thi hành án dân sự nơi người phải thi hành án có tài sản; nếu không xác định được nơi có tài sản hoặc nơi có tài sản trùng với nơi làm việc, cư trú, có trụ sở của người phải thi hành án thì ủy thác đến nơi làm việc, cư trú hoặc nơi có trụ sở của người đó.
- Trường hợp thi hành nghĩa vụ liên đới mà người phải thi hành án cư trú hoặc có tài sản ở các địa phương khác nhau thì Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ủy thác toàn bộ nghĩa vụ thi hành án đến cơ quan thi hành án dân sự thuộc một trong các địa phương nơi người phải thi hành án có điều kiện thi hành án.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc vấn đề xoay quanh quy định về liên đới chịu trách nhiệm bồi thường trong thi hành án dân sự. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.