Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ

9:22 SA
Thứ Bảy 17/07/2021
 1570

Trách nhiệm dân sự nói chung là một chế tài của ngành luật dân sự và trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là một chế tài trong nghĩa vụ. Đối với các chủ thể tham gia một quan hệ nghĩa vụ, bên cạnh việc để cho các bên tự giác thực hiện, pháp luật còn đặt ra các biện pháp cưỡng chế nhằm tác động đến ý thức tự giác của các chủ thể, đồng thời để áp dụng khi có sự vi phạm nghĩa vụ.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 351 Bộ luật dân sự (BLDS) 2015 quy định: Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ mà vi phạm nghĩa vụ thì phải trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền. Trong đó, vi phạm nghĩa vụ là việc bên có nghĩa vụ không thực hiện nghĩa vụ đúng thời hạn, thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ hoặc thực hiện không đúng nội dung của nghĩa vụ.

Tuy nhiên, nếu sự vi phạm này chưa gây ra thiệt hại thì người vi phạm chỉ có trách nhiệm thực hiện đúng nghĩa vụ. Mặt khác, nếu sự vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hại cho người bị vi phạm thì người vi phạm phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Vì vậy, tùy thuộc vào tính chất, hậu quả của sự vi phạm nghĩa vụ mà trách nhiệm dân sự này được phân thành 02 loại sau:

  1. Trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ:

Với trách nhiệm này, người vi phạm nghĩa vụ phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ theo yêu cầu của bên kia. Nếu bên có quyền đã yêu cầu mà bên có nghĩa vụ vẫn không thực hiện thì có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền áp dụng những biện pháp cưỡng chế buộc bên kia phải thực hiện nghĩa vụ.

Loại trách nhiệm này bao gồm:

  • Trách nhiệm do không thực hiện nghĩa vụ giao vật (Điều 356 BLDS 2015)

  • Trách nhiệm do không thực hiện hoặc không được thực hiện một công việc (Điều 358 BLDS 2015)

  • Trách nhiệm do chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền (Điều 357 BLDS 2015)

  • Trách nhiệm do chậm tiếp nhận việc thực hiện nghĩa vụ (Điều 359 BLDS 2015).

  1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra khi hành vi vi phạm nghĩa vụ đã gây ra một thiệt hại (Điều 360 BLDS 2015). Mặt khác, một người chỉ phải chịu trách nhiệm dân sự khi họ có lỗi. Vì vậy, việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ phải dựa trên các cơ sở sau đây:

Thứ nhất, có hành vi trái pháp luật:

Về nguyên tắc, một người có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó thì bị coi là vi phạm pháp luật về nghĩa vụ. Vì chính nghĩa vụ đó là do pháp luật xác định hoặc do các bên thỏa thuận, cam kết nhưng đã được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Tuy nhiên, trong một số trường hợp không thực hiện nghĩa vụ không bị coi là trái pháp luật. Vì vậy, người không thực hiện nghĩa vụ không phải bồi thường thiệt hại:

  • Nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của người có quyền (khoản 3 Điều 351 BLDS 2015)

  • Trường hợp bên có nghĩa vụ không thực hiện đúng nghĩa vụ do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác (khoản 2 Điều 351 BLDS 2015).

Thứ hai, có thiệt hại xảy ra trong thực tế:

Trong thực tế, thiệt hại xảy ra do vi phạm nghĩa vụ bao gồm: những tài sản bị mất mát hoặc bị hủy hoại hoàn toàn, những hư hỏng, giảm sút giá trị về tài sản, những chi phí mà người bị vi phạm phải bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế và khắc phục những hậu quả do người vi phạm nghĩa vụ gây ra, những tổn thất do thu nhập thực tế bị mất, bị giảm sút.

Về mặt lý luận, người ta chia những thiệt hại nói trên thành hai loại:

  • Những thiệt hại trực tiếp: là những thiệt hại đã xảy ra một cách khách quan trong thực tế mà mức thiệt hại dễ dàng xác định được như:

  • Chi phí thực tế và hợp lý: là những khoản tiền hoặc những lợi ích vật chất khác mà người bị thiệt hại phải bỏ ra ngoài dự định của mình để khắc phục những tình trạng xấu do hành vi vi phạm nghĩa vụ của bên kia gây ra;

  • Tài sản bị hư hỏng, mất mát, hủy hoại: là sự giảm sút giá trị của một tài sản hoặc sự thiếu hụt về tài sản do người có nghĩa vụ gây ra.

  • Những thiệt hại gián tiếp: là những thiệt hại mà phải dựa trên sự suy đoán khoa học mới xác định được mức độ thiệt hại. Thiệt hại này còn được gọi là thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút.

Thứ ba, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại xảy ra:

Mối quan hệ này được hiểu là giữa chúng có mối liên hệ nội tại, tất yếu. Trong đó, hành vi vi phạm là nguyên nhân, thiệt hại xảy ra là kết quả. Chỉ khi nào thiệt hại xảy ra là hậu quả tất yếu của hành vi vi phạm pháp luật thì người vi phạm mới phải bồi thường thiệt hại.

Thứ tư, lỗi của người vi phạm nghĩa vụ:

Điều 360 BLDS 2015 quy định: “Trường hợp có thiệt hại do vi phạm nghĩa vụ gây ra thì bên có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác”. 

Như vậy, lỗi trong trách nhiệm dân sự là lỗi suy đoán. Về nguyên tắc, người đã được xác định là có nghĩa vụ mà không thực hiện, thực hiện không đúng, không đầy đủ nghĩa vụ đó đương nhiên bị coi là có lỗi. Lỗi là trạng thái tâm lý và mức độ nhận thức của một người đối với hành vi của họ và hậu quả của hành vi đó.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .