Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Đăng ký tên nhãn hiệu của công ty đã tuyên bố phá sản

14:15 CH
Thứ Ba 26/04/2022
 1274

Hiện nay, đối với bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cụ thể là tên nhãn hiệu thì có nhiều công ty sau khi đăng ký tên nhãn hiệu cho các sản phẩm của mình thì công ty tuyên bố phá sản. Vậy câu hỏi được đặt ra tên nhãn hiệu mà công ty đó đã đăng ký có được tiếp tục được bảo hộ, và nếu sau đó có một tổ chức, cá nhân khác muốn đăng ký tên nhãn hiệu đó thì liệu có được hay không? Mời độc giả theo dõi dưới bài viết sau đây của luật Sao Sáng để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Tên nhãn hiệu là gì?

Theo khoản 16 Điều 4 VBHN luật SHTT 2019 quy định:

“Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”

Theo đó, nhãn hiệu có thể là từ ngữ, hình ảnh hoặc sự kết hợp các yếu tố đó được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc…Nhãn hiệu giúp các doanh nghiệp tiếp cận với khách hàng hay đối tác của mình.

Bên cạnh những nhãn hiệu thông thường thì trong luật SHTT còn quy định thêm các  loại nhãn hiệu sau:

Nhãn hiệu tập thể

Nhãn hiệu tập thể là nhãn hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các thành viên của tổ chức là chủ sở hữu nhãn hiệu đó với hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân không phải là thành viên của tổ chức đó

Nhãn hiệu chứng nhận

Nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu

Nhãn hiệu liên kết

Nhãn hiệu liên kết là các nhãn hiệu do cùng một chủ thể đăng ký, trùng hoặc tương tự nhau dùng cho sản phẩm, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự nhau hoặc có liên quan với nhau.

Nhãn hiệu nổi tiếng

Nhãn hiệu nổi tiếng là nhãn hiệu được người tiêu dùng biết đến rộng rãi trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Có được đăng ký tên nhãn hiệu của công ty đã tuyên bố phá sản hay không?

Thứ nhất: căn cứ vào khoản 1 Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền đăng ký nhãn hiệu : “Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp”.  Theo tinh thần của điều luật thì đăng ký nhãn hiệu là quyền của cá nhân, tổ chức. Như vậy, nếu cá nhân hoặc tổ chức là pháp nhân tiến hành hoạt động sản xuất, dịch vụ hợp pháp có quyền nộp đơn yêu cầu cấp Văn bằng bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm của mình.

Thứ hai: để nhãn hiệu của được bảo hộ thì cần phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ quy định tại Điều 72 LSHTT, theo đó:

+ Nhãn hiệu là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc.

+ Nhãn hiệu đó phải có khả năng phân biệt hàng hoá, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hoá, dịch vụ của chủ thể khác. Căn cứ vào khoản 2 Điều 136 LSHTT thì: “Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ năm năm trở lên thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Điều 95 của Luật này. Dẫn chiếu tới điểm c khoản 1 Điều 95 về chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ khi: “Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người thừa kế hợp pháp

Như vậy, trong trường hợp công ty đã tuyên bố phá sản thì có nghĩa công ty đó đã không còn tồn tại tại thời điểm đó và văn bằng bảo hộ nhãn hiệu của công ty đó sẽ chấm dứt hiệu lực kể từ thời điểm công ty tuyên bố phá sản.  Do vậy, cá nhân, tổ chức khác hoàn toàn có khả năng đăng ký nhãn hiệu của công ty đã tuyên bố phá sản cho sản phẩm của mình.

Những Phương án để đăng ký nhãn hiệu trong trường hợp này?

Giả sử: Tháng 8 năm 2015, Công ty Trường Sơn muốn nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Phật Linh cho sản phẩm thức ăn cho động vật. Qua tra cứu, công ty này được biết Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Phật Linh dùng cho các sản phẩm hạt giống, phân bón cho cây, thức ăn động vật cho Công ty Hoa Tiêu tại tỉnh Bắc Ninh ngày 10/8/2010. Công ty Hoa Tiêu đã tuyên bố giải thể và chấm dứt hoạt động từ tháng 10/2012.

Phương án thứ nhất: Công ty Trường Sơn phải nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu Phật Linh của công ty Hoa Tiêu

Để đăng ký được nhãn hiệu Phật Linh cho sản phẩm thức ăn cho động vật do mình sản xuất ra thì trước tiên, Công ty Trường Sơn  phải nộp đơn yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu Phật Linh của công ty Hoa Tiêu với lý do công ty Hoa Tiêu không còn sử dụng nhãn hiệu này nữa và đã chấm dứt hoạt động từ tháng 10/2012. Do đó công ty Trường Sơn (là tổ chức) để chứng minh công ty Hoa Tiêu chủ giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu Phật Linh không còn hoạt động nữa thì công ty Trường Sơn phải đưa ra những tài liệu, dẫn chứng cho Cục Sở hữu trí tuệ về việc công ty Hoa Tiêu đã tuyên bố phá sản,chấm dứt hoạt động từ 10/2012 và yêu cầu cục sở hữu trí tuệ chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ nhãn hiệu Phật Linh của công ty Hoa Tiêu. Theo đó, công ty Trường Sơn phải nộp phí và lệ phí đầy đủ theo quy định của pháp luật cho yêu cầu trên.

Phương án thứ 2: Công ty Trường Sơn chứng minh rằng nhãn hiệu “Phật Linh” của mình đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho sản phẩm thức ăn cho động vật trước ngày công ty Hoa Tiêu nộp đơn yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ (trước 10/8/2010)

Công ty Trường Sơn phải chứng minh nhãn hiệu của công ty Hoa Tiêu không đáp ứng được điều kiện bảo hộ (không có khả năng phân biệt) theo quy định tại điểm g khoản 2 Điều 74 vbhn LSHTT 2019 :

“Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi cho hàng hoá, dịch vụ trùng hoặc tương tự từ trước ngày nộp đơn hoặc ngày ưu tiên trong trường hợp đơn được hưởng quyền ưu tiên”.

Như vậy, công ty Trường Sơn phải đưa ra những tài liệu, chứng cứ như : thời gian sử dụng, doanh số bán hàng, thị hiếu của người tiêu dùng và uy tín, danh tiếng của nhãn hiệu đối với hàng hóa của mình trước ngày công ty Hoa Tiêu nộp đơn để chứng minh nhãn hiệu “ Phật Linh” của mình đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi từ trước đó. 

Tiếp theo, công ty Trường Sơn phải yêu cầu Cục sở hữu trí tuệ để hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ của công ty Hoa Tiêu do nhãn hiệu của công ty Hoa Tiêu không đáp ứng các điều kiện bảo hộ tại thời điểm cấp văn bằng bảo hộ (căn cứ vào điểm b, khoản 1 và khoản 3 Điều 96 vbhn LSHTT 2019) và công ty Trường Sơn phải nộp phí và lệ phí theo quy định.

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .