Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

GIẾT NGƯỜI DO VƯỢT QUÁ GIỚI HẠN PHÒNG VỆ CHÍNH ĐÁNG

15:08 CH
Thứ Sáu 21/07/2023
 386

Phòng vệ chính đáng là bản năng cơ bản của con người khi bị ai đó, xâm phạm đến quyền và lợi ích của bản thân. Hiện nay, có nhiều vụ án giết người mà nguyên nhân xuất phát là từ hành vi tự vệ của cá nhân trước sự tấn công của người khác. Vậy trong trường hợp làm chết người khi phòng vệ chính đáng thì có phạm tội hay không? Có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không?

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật Hình Sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
  • Bộ luật tố tụng hình sự 2015

1 . Vượt quá phòng vệ chính đáng là gì?

Tại khoản 1 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định “Phòng vệ chính đáng là hành vi của người vì bảo vệ quyền hoặc lợi ích chính đáng của mình, của người khác hoặc lợi ích của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức mà chống trả lại một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nói trên”. Phòng vệ chính đáng không phải là tội phạm.

Vượt qua giới hạn phòng vệ chính đáng: Khoản 2 Điều 22 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định: Hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại. Đồng thời, người có hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, điểm c khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự năm 2015 cũng quy định người phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng sẽ được xem xét đó là tình tiết giảm nhẹ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

 2. Tội giết người do vượt quá phòng vệ chính đáng:

Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm thực hiện với lỗi cố ý xâm hại đến quyền sống của con người bằng hành vi tước đoạt tính mạng người khác trái pháp luật trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Hành vi xâm phạm tính mạng hoặc sức khỏe của người khác được coi là phòng vệ chính đáng khi có đầy đủ các dấu hiệu sau đây:

  • Hành vi xâm hại các lợi ích cần phải bảo vệ phải là hành vi tội phạm hoặc rõ ràng là có tính chất nguy hiểm đáng kể cho xã hội;
  • Hành vi nguy hiểm cho xã hội đang gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích cần phải bảo vệ;
  • Phòng vệ chính đáng không chỉ gạt bỏ sự đe dọa, đẩy lùi sự tấn công mà còn có thể tích cực chống lại sự xâm hại, gây thiệt hại cho chính người xâm hại;
  • Hành vi phòng vệ phải cần thiết với hành vi xâm hại, tức là không có sự chênh lệch quá đáng giữa hành vi phòng vệ với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi xâm hại.   

Cần thiết không có nghĩa là thiệt hại do người phòng vệ gây ra cho người xâm hại phải ngang bằng hoặc nhỏ hơn thiệt hại do người xâm hại đe dọa gây ra hoặc đã gây ra cho người phòng vệ. Để xem xét hành vi chống trả có cần thiết hay không, có rõ ràng là quá đáng hay không, thì phải xem xét toàn diện những tình tiết có liên quan đến hành vi xâm hại và hành vi phòng vệ như: khách thể cần bảo vệ; mức độ thiệt hại do hành vi xâm phạm có thể gây ra hoặc đã gây ra và do hành vi phòng vệ gây ra; vũ khí, phương tiện, phương pháp mà hai bên đã sử dụng; nhân thân của người xâm hại; cường độ của sự tấn công và của sự phòng vệ; hoàn cảnh và nơi xảy ra sự việc… Đồng thời cũng phải chú ý yếu tố tâm lý của người phải phòng vệ có khi không thể có điều kiện để bình tĩnh lựa chọn được chính xác phương pháp chống trả thích hợp; nhất là trong trường hợp họ bị tấn công bất ngờ.

Căn cứ theo quy định tại Điều 126 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 126. Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào giết người trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội đối với 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm.

Trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng làm chết người có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội danh trên thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm; phạm tội đối với 2 người trở lên, thì bị phạt tù từ 2 đến 5 năm.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

Căn cứ theo quy định tại Điều 136 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:

Điều 136. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội

1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Đối với 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người từ 31% đến 60%;

b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên.

3. Phạm tội dẫn đến chết người hoặc gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho 02 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng dẫn đến hậu quả chết người theo quy định trên thì bị phạt tù từ 1 năm đến 3 năm.

3. Dấu hiệu pháp lý của Tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng

  • Khách thể của tội phạm:

Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng hoặc do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ tội phạm là hành vi của người vì bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của tập thể, bảo vệ lợi ích chính đáng của mình hoặc của người khác mà đã chống trả lại một cách rõ ràng là quá mức hoặc vượt quá mức cần thiết làm cho người đang có hành vi xâm phạm các lợi ích nêu trên bị chết hoặc hành vi của người khi bắt giữ người phạm tội áp dụng các biện pháp vượt quá mức cần thiết làm cho người bị bắt giữ chết.

Tội phạm này xâm phạm quyền sống của người khác. Đồng thời nó cũng xâm phạm quyền phòng vệ chính đáng được quy định tại Điều 22 và quyền gây thiệt hại khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự.

  • Mặt khách quan của tội phạm:

Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng thể hiện ở hành vi tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng.

Để coi hành vi nào đó là hành vi phạm tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phải xác định được người phạm tội có quyền phòng vệ chính đáng và trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng đã thực hiện hành vi quá mức cần thiết, giết chết người có hành vi xâm hại. Cụ thể như sau:

+ Nạn nhân đã có hành vi nguy hiểm đáng kể cho xã hội xâm phạm lợi ích của Nhà nước, tổ chức, quyền và lợi ích chính đáng của người khác.

+ Vào thời điểm xảy ra sự việc, sự xâm hại các lợi ích hợp pháp của nạn nhân đang gây thiệt hại hoặc đang đe dọa gây thiệt hại thực sự và ngay tức khắc cho những lợi ích hợp pháp cần bảo vệ.

+ Hành vi của người phạm tội xuất phát từ việc thực hiện quyền phòng vệ chính đáng  gây thiệt hại cho chính người có hành vi xâm hại.

+ Trong quá trình thực hiện quyền phòng vệ chính đáng, người phạm tội đã chống trả một cách quá mức cần thiết, không phù hợp với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi xâm hại, gây ra cái chết cho nạn nhân.

Hậu quả của tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng phạm là gây chết người. Tội phạm hoàn thành khi hậu quả chết người xảy ra.

– Mặt khách quan của tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thể hiện ở là hành vi của người để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội đã gây thiệt hại đến tính mạng của người đó do sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết.

Để coi hành vi nào đó là hành vi phạm tội giết người do vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội thì phải xác định được người phạm tội có quyền gây thiệt hại trong khi bắt giữ người phạm tội được quy định tại Điều 24 BLHS, nghĩa là để bắt giữ người thực hiện hành vi phạm tội, người bắt giữ không còn cách nào khác là buộc phải sử dụng vũ lực cần thiết để gây thiệt hại cho người bị bắt giữ nhưng trong quá trình thực hiện hành vi bắt giữ, người đó đã sử dụng vũ lực rõ ràng vượt quá mức cần thiết, gây thiệt hại đến tính mạng của người định bắt giữ. Đây là điểm mới bổ sung trong Điều 126 Bộ luật hình sự năm 2015 nhằm phù hợp với quy định bổ sung về trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự “Gây thiệt hại do bắt giữ người phạm tội” quy định tại Điều 24 Bộ luật hình sự 2015.

  • Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm này có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự.

  • Mặt chủ quan của tội phạm:

Tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý. Động cơ phạm tội là nhằm bảo vệ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác hoặc động cơ bắt giữ người phạm tội. Đây là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .