Con phạm tội cướp tài sản, cha làm luật sư được quyền bào chữa cho con không?
Quyền bào chữa là một quyền đặc biệt quan trọng trong quá trình tố tụng nhằm đảm bảo quyền con người...
Hỏi: giả sử trường hợp A bị khởi tố về tội cướp tài sản. B hiện là luật sư (là cha của A) yêu cầu bào chữa cho A thì có được không? Pháp luật có cấm người thân thích là người bào chữa hay không? (phunguyen…@gmail.com)
Quyền bào chữa là một quyền đặc biệt quan trọng trong quá trình tố tụng nhằm đảm bảo quyền con người. Trong Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 ghi nhận quyền bào chữa nhằm không để bất kì người nào có thể bị hạn chế hay tước quyền cơ bản mà pháp luật đã dành cho họ.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS 2015)
- Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015)
- Luật luật sư 2006
- Luật trợ giúp pháp lý 2017
- Thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTB&XH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ ngày 05/02/2019)
Trả lời:
Cảm ơn bạn phunguyen…@gmail.com đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới hòm thư điện tử của Công ty Luật Sao Sáng. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Căn cứ theo Điều 16 BLTTHS 2015 cũng có quy định “Người bị buộc tội có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa”.
Như vậy, để bảo về quyền và lợi ích hợp pháp của mình không bị xâm hại, đương sự có thể tự mình bảo chữa hoặc nhờ người khác bào chữa nếu có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
Những ai có quyền bào chữa cho đương sự, người bị buộc tội?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 72 BLTTHS 2015 người bào chữa được quy định như sau:
Người bào chữa là người được người bị buộc tội nhờ bào chữa hoặc cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ định và được cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận việc đăng ký bào chữa.
Theo đó, tại khoản 2 Điều 72 BLTTHS 2015 có quy định những người sau đây có thể trở thành người bào chữa:
-
Luật sư;
-
Người đại diện của người bị buộc tội;
-
Bào chữa viên nhân dân;
-
Trợ giúp viên pháp lý hoặc người tham gia trợ giúp pháp lý trong trường hợp người bị buộc tội thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Các cá nhân nêu trên muốn trở thành người bào chữa phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
*** Tiêu chuẩn của Luật sư:
- Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc;
- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật;
- Có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng cử nhân luật;
- Đã được đào tạo nghề luật sư, đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư, có sức khoẻ bảo đảm để hành nghề luật sư;
- Có Chứng chỉ hành nghề luật sư và gia nhập một Đoàn luật sư.
(Căn cứ Điều 10, Điều 11 Luật luật sư 2006)
*** Tiêu chuẩn của Người đại diện:
Theo khoản 1 Điều 3 thông tư liên tịch số 06/2018/TTLT-VKSNDTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTB&XH ngày 21/12/2018 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động – Thương binh và xã hội về phối hợp thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự về thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi (có hiệu lực từ ngày 05/02/2019), theo đó:
Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi là người từ đủ 18 tuổi trở lên, có đủ năng lực pháp luật, năng lực hành vi dân sự và có đủ điều kiện làm người đại diện theo quy định tại các điều 134, 135 và 136 Bộ luật Dân sự.
Theo đó, Điều 134 BLDS 2015 quy định:
1. Đại diện là việc cá nhân, pháp nhân (sau đây gọi chung là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của cá nhân hoặc pháp nhân khác (sau đây gọi chung là người được đại diện) xác lập, thực hiện giao dịch dân sự.
2. Cá nhân, pháp nhân có thể xác lập, thực hiện giao dịch dân sự thông qua người đại diện. Cá nhân không được để người khác đại diện cho mình nếu pháp luật quy định họ phải tự mình xác lập, thực hiện giao dịch đó.
3. Trường hợp pháp luật quy định thì người đại diện phải có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập, thực hiện.
Điều 135 BLDS 2015 quy định:
Quyền đại diện được xác lập theo ủy quyền giữa người được đại diện và người đại diện (sau đây gọi là đại diện theo ủy quyền); theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, theo điều lệ của pháp nhân hoặc theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là đại diện theo pháp luật).
Điều 136 BLDS 2015 quy định:
1. Cha, mẹ đối với con chưa thành niên.
2. Người giám hộ đối với người được giám hộ. Người giám hộ của người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đại diện theo pháp luật nếu được Tòa án chỉ định.
3. Người do Tòa án chỉ định trong trường hợp không xác định được người đại diện quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.
4. Người do Tòa án chỉ định đối với người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Người đại diện của người tham gia tố tụng là người dưới 18 tuổi được xác định theo thứ tự sau đây:
a) Cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi;
b) Người giám hộ;
c) Người do Tòa án chỉ định.
*** Tiêu chuẩn của Bào chữa viên nhân dân
- Là công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên;
- Trung thành với Tổ quốc, có phẩm chất đạo đức tốt, có kiến thức pháp lý, đủ sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao;
- Được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc tổ chức thành viên của Mặt trận cử tham gia bào chữa cho người bị buộc tội là thành viên của tổ chức mình.
(Căn cứ vào khoản 3 Điều 72 BLTTHS 2015)
*** Tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý
- Công dân Việt Nam là viên chức của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có đủ tiêu chuẩn sau đây có thể trở thành trợ giúp viên pháp lý:
- Có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có trình độ cử nhân luật trở lên;
- Đã được đào tạo nghề luật sư hoặc được miễn đào tạo nghề luật sư; đã qua thời gian tập sự hành nghề luật sư hoặc tập sự trợ giúp pháp lý;
- Có sức khỏe bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý;
- Không đang trong thời gian bị xử lý kỷ luật.
(Căn cứ Điều 19 Luật trợ giúp pháp lý 2017)
Lưu ý: Những người sau đây không được bào chữa
- Người đã tiến hành tố tụng vụ án đó; người thân thích của người đã hoặc đang tiến hành tố tụng vụ án đó;
- Người tham gia vụ án đó với tư cách là người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật;
- Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị kết án mà chưa được xoá án tích, người đang bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc.
(Căn cứ khoản 4 Điều 72 BLTTHS 2015)
Như vậy, nếu B hiện là luật sư (là cha của A) yêu cầu bào chữa cho A mà không thuộc các trường hợp người không được bào chữa thì được bào chữa cho A. Trường hợp mà A chưa thành niên thì cha của A có thể bào chữa dưới tư cách người đại diện, không nhất thiết là luật sư. Pháp luật cũng không cấm người bào chữa là người thân thích nếu người bào chữa không thuộc trường hợp không được bào chữa nêu trên.
Liên quan đến vấn đề trên, Quý khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 0936653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!