Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Mạnh thường quân tố nghệ sĩ “ăn chặn” tiền ủng hộ, tố giác tội phạm sao cho đúng?

10:20 SA
Thứ Sáu 18/06/2021
 647

Dư luận đang xôn xao vụ ca sĩ Thủy Tiên bị một cá nhân nào đó gửi đơn tố giác tội phạm về hành vi trốn thuế, vi phạm nguyên tắc kế toán, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản liên quan các hoạt động hoạt động từ thiện mùa lũ năm ngoái. Đọc tin tức với nhiều bình luận trên các trang mạng xã hội, tôi thấy nhiều vấn đề liên quan đến vụ việc được đề cập tới nhưng chính người nêu ra vấn đề lại hiểu chưa đúng bản chất vụ việc. Điển hình là vấn đề tố giác tội phạm đối với hành vi chiếm đoạt tài sản liên quan đến các hoạt động từ thiện phải tố giác như nào mới đúng quy định pháp luật?. Hôm nay chúng ta cùng làm rõ quy định về việc tố giác tội phạm như thế nào, quy trình ra sao, trách nhiệm của người tố giác như thế nào?

Hiện nay chưa có quy định nào về việc người tố giác tội phạm có nghĩa vụ cung cấp bằng chứng để chứng minh nội dung đã tố giác thì cơ quan điều tra mới xử lý vụ việc. Tuy nhiên để đảm bảo nội dung tố giác có sơ sở, không phải tạo dựng nhằm bôi nhọ hình ảnh người khác và là căn cứ để đơn tố giác được giải quyết nhanh chóng, chính xác tránh mất thời gian cho các bên. Theo hướng dẫn của Bộ công an, cá nhân cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu (nếu có) và trình bày rõ những hiểu biết của mình có liên quan đến tội phạm mà mình tố giác.

 

Đã đi tố giác thì phải tố giác cho đúng

Tố giác sai sự thật là một hành vi bị cấm. Vì sai sự thật khi tố giác cần bóc tách ra làm 02 trường hợp đó là: cố ý tố giác sai sự thật và vô ý tố giác sai sự thật. Đương nhiên, dù là cố ý hay là vô tình thì đều là hành vi bị cấm.

Tuy nhiên, cần tách ra 02 trường hợp như vậy để xem xét về trách nhiệm của người tố giác trong từng trường hợp là như thế nào.

- Trường hợp cố ý tố giác sai sự thật với mục đích, động cơ là vu khống người bị tố giác thì có nguy cơ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vu khống” theo Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 (BLHS 2015). Mức hình phạt cao nhất của tội này là 07 năm tù giam.

- Trường hợp vô ý tố giác sai sự thật vì chưa nắm rõ thông tin về vấn đề tố giác thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nếu như người tố giác sai sự thật không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì có thể bị xử phạt hành chính vì lời nói bịa đặt, sai sự thật, cụ thể là phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với người có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác (theo khoản điểm a, khoản 1 Điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP). Ngoài ra người tố giác sai sự thật có thể phải chịu trách nhiệm dân sự, nếu cá nhân, tổ chức bị tố giác cho rằng bản thân họ bị bôi nhọ, làm nhục nên khởi kiện bạn bồi thường thiệt hại.

Tóm lại, trước khi quyết định tố giác về tội phạm, người tố giác cần tìm hiểu kỹ thông tin. Vì nếu chưa rõ thông tin mà đã đi tố giác tội phạm rất dễ dẫn đến rủi ro khác phía sau cho chính bản thân mình.

 

Người tố giác có trách nhiệm như thế nào về tin tố giác của mình ?

Theo Điều 144 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 (BLTTHS 2015) quy định: “Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền”. Thực hiện tố giác tội phạm vừa là quyền vừa là trách nhiệm của công dân. Trách nhiệm này được thể hiện thông qua nghĩa vụ của người tố giác như sau:

- Phải cung cấp thông tin cá nhân theo quy định;

- Trình bày trung thực về nội dung tố giác; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố giác mà mình có được.

Điều này được hiểu rằng, người tố giác tội phạm không có nghĩa vụ bắt buộc phải đi tìm đủ bằng chứng rồi mới đi tố giác mà chỉ cần cung cấp hết thông tin, tài liệu mà mình có là được rồi. Nhiều người trên mạng đồn rằng đi tố giác tội phạm mà không có bằng chứng thì sẽ không được tiếp nhận là không đúng.

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố giác. Trách nhiệm ở đây bao gồm tất cả trách nhiệm hình sự, dân sự, hành chính (nếu có).

- Hợp tác với người giải quyết tố giác khi có yêu cầu;

 

Các bước tố giác tội phạm

Bước 1: Xác định cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Trước khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố với cơ quan Công an, đề nghị xác định sơ bộ về tính chất, mức độ vụ việc, trách nhiệm tiếp nhận, giải quyết của cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền để từ đó cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố đến đúng cơ quan có thẩm quyền, tránh mất thời gian, gây khó khăn cho công tác tiếp nhận, điều tra, khám phá tội phạm.

Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin  báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 5, 6, 7, 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 và Điều 268 BLTTHS 2015. Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án. Ví dụ: Tội phạm đó nếu đưa ra xét xử ở tòa án tỉnh Bắc Ninh thì công an tỉnh Bắc Ninh có thẩm quyền điều tra.

Tuy nhiên, điều này không phải cá nhân nào cũng làm được. Bởi lẽ, không phải ai cũng đủ hiểu biết về pháp luật để nhận định được một hành vi mà họ tố giác thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án cấp nào để từ đó mới đem tin tố giác đi tới đúng cơ quan có thẩm quyền. Nếu như, công dân có thể xác định được cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm rồi sau đó mới đi tố giác thì đúng là tốt, nếu không thì cũng chẳng sao cả bởi vì luật đã có quy định riêng biệt về cơ quan tiếp nhận tố giác tội phạm và cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác tội phạm. Công dân khi phát hiện hành vi có dấu hiệu tội phạm thì cứ tố giác ra một trong những cơ quan được quy định tại Điều 146 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, cụ thể:

- Cơ quan điều tra:

+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp quận, huyện, thị xã;

+ Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

+ Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an

- Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra

(cụ thể các cơ quan này được quy định tại Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

- Viện kiểm sát các cấp

- Công an xã, phường, thị trấn; đồn Công an, trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác

==> Do đó, cơ quan nào thuận tiện nhất cho công dân thì công dân cũng có thể tố giác. Các cơ quan, tổ chức khác sau khi nhận được tố giác, tin báo về tội phạm thì chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền. Trường hợp khẩn cấp thì có thể báo tin trực tiếp qua điện thoại hoặc hình thức khác cho Cơ quan điều tra nhưng sau đó phải thể hiện bằng văn bản.

Bước 2: Lựa chọn hình thức và tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố

Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:

- Bằng miệng (trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1);

- Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền được xác định tại bước 1).

Khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.

Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

- Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Nếu đúng cơ quan có thẩm quyền thì cơ quan đó sẽ giải quyết tố giác, nếu không đúng thẩm quyền thì cơ quan sẽ tiếp nhận tin báo, tố giác và chuyển tới cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp không đúng thẩm quyền thì thời hạn chỉ được tính sau khi cơ quan có thẩm quyền giải quyết tiếp nhận được hồ sơ, tin tố giác.

- Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 BLTTHS 2015 (tối đa là 04 tháng) mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

Từ văn bản này thì bạn sẽ biết được tin tố giác của mình được giải quyết như thế nào; đối tượng, hành vi tố giác có bị cấu thành tội phạm không?; có bị truy cứu trách nhiệm hình sự không?...

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến tất cả lĩnh vực nói chung và vấn đề tố giác tội phạm nói riêng để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .