NGƯỜI ĐANG CHẤP HÀNH ÁN TREO CÓ ĐƯỢC RA NƯỚC NGOÀI KHÔNG?
Trong khoảng thời gian gần đây, công ty Luật TNHH Sao Sáng nhận được nhiều câu hỏi từ phía khách hàng về hình phạt án treo, trong đó có chủ đề về việc người đang trong thời gian chấp hành án treo có được phép ra nước ngoài không? Để trả lời cho câu hỏi này mời quý độc giả hãy cùng theo dõi bài viết dưới đây!
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
Luật Cư trú năm 2020
Luật Thi hành án hình sự năm 2019
Luật Xuất nhập cảnh năm 2019
Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP
2. Án treo là gì?
Căn cứ theo Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và Điều 1 Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP, án treo được quy định như sau:
“Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được Tòa án áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ phải chấp hành hình phạt tù.”
Như vậy, có thể hiểu, án treo là một biện pháp miễn chấp hành hình phạt có điều kiện, áp dụng đối với người phạm tội bị phạt tù không quá 03 năm, được căn cứ dựa trên nhân thân và tình tiết giảm nhẹ, xét thấy không cần bắt họ chấp hành hình phạt tù.
3. Người đang chấp hành án treo có được đi nơi khác ngoài nơi mình cư trú không?
Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định như sau:
“Điều 92. Giải quyết việc vắng mặt tại nơi cư trú, thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc của người được hưởng án treo
1. Người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép theo quy định tại khoản 2 Điều này, phải thực hiện khai báo tạm vắng theo quy định của pháp luật về cư trú. Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
2. Người được hưởng án treo khi vắng mặt tại nơi cư trú phải có đơn xin phép và được sự đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục; trường hợp không đồng ý thì Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú. Trường hợp người được hưởng án treo vi phạm pháp luật, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó đến tạm trú, lưu trú phải thông báo cho Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát, giáo dục kèm theo tài liệu có liên quan.”
Và điểm a khoản 1 Điều 31 Luật Cư trú năm 2020 quy định:
“Điều 31. Khai báo tạm vắng
1. Công dân có trách nhiệm khai báo tạm vắng trong các trường hợp sau đây:
a) Đi khỏi phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi đang cư trú từ 01 ngày trở lên đối với bị can, bị cáo đang tại ngoại; người bị kết án phạt tù nhưng chưa có quyết định thi hành án hoặc đã có quyết định thi hành án nhưng đang tại ngoại hoặc được hoãn chấp hành án, tạm đình chỉ chấp hành án; người bị kết án phạt tù được hưởng án treo đang trong thời gian thử thách; người đang chấp hành án phạt quản chế, cải tạo không giam giữ; người được tha tù trước thời hạn có điều kiện đang trong thời gian thử thách;”
Từ các quy định trên, người được hưởng án treo có thể vắng mặt tại nơi cư trú nếu có lý do chính đáng và phải xin phép và Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị quân đội được giao giám sát đồng ý. Bên cạnh đó, còn phải thực hiện khai báo tạm vắng, tạm trú, lưu trú theo quy định pháp luật. Lưu ý về thời gian vắng mặt: Thời gian vắng mặt tại nơi cư trú mỗi lần không quá 60 ngày và tổng số thời gian vắng mặt tại nơi cư trú không được vượt quá một phần ba thời gian thử thách, trừ trường hợp bị bệnh phải điều trị tại cơ sở y tế theo chỉ định của bác sỹ và phải có xác nhận điều trị của cơ sở y tế đó.
Người được hưởng án treo khi đến nơi cư trú mới phải trình báo với Công an cấp xã nơi mình đến tạm trú, lưu trú; hết thời hạn tạm trú, lưu trú phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Công an cấp xã nơi tạm trú, lưu trú.
Như vậy, người đang chấp hành án treo được phép đi nơi khác ngoài nơi mình cư trú.
4. Người đang chấp hành án treo có được đi ra nước ngoài không?
Căn cứ theo khoản 2 Điều 36 Luật xuất nhập cảnh 2019 quy định về các trường hợp tạm hoãn xuất cảnh:
“2. Người được hoãn chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được tha tù trước thời hạn có điều kiện trong thời gian thử thách, người được hưởng án treo trong thời gian thử thách, người chấp hành án phạt cải tạo không giam giữ trong thời gian chấp hành án theo quy định của Luật Thi hành án hình sự.”
Khoản 4 Điều 92 Luật Thi hành án hình sự 2019 cũng quy định:
“4. Người được hưởng án treo không được xuất cảnh trong thời gian thử thách.”
Từ các quy định trên, có thể thấy người đang trong thời gian thử thách án treo thì sẽ không được đi ra nước ngoài.
Như vậy, người đang hưởng án treo có thể đi tới các địa phương khác trong nước nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị được giao giám sát, giáo dục đồng ý nhưng không được xuất cảnh ra nước ngoài khi vẫn đang trong thời gian thử thách án treo.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về chủ đề người đang chấp hành án treo có được ra nước ngoài không? Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.