NHẬN QUÀ TẶNG TRONG CÁC NGÀY LỄ CÓ PHẢI LÀ THAM NHŨNG?
Tặng quà là một nét đẹp văn hóa trong quan hệ giữa người với người. Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề gây ra nhiều tranhh cãi về những biến tướng của việc mượn danh nghĩa quà tặng để trục lợi nhân dịp lễ, Tết… Đối với những người có chức vụ, quyền hạn làm viêc trong cơ quan nhà nước, vấn đề này rất tết nhị và cũng rất dễ trở thành hành vi tham nhũng. Do đó, Luật phòng, chống tham nhũng năm 2018 và Nghị định 59/2019/NĐ-CP ngày 30/10/2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 134/2021/NĐ-CP) đã có những quy định cụ thể liên quan đến vấn đề tặng quà, nhận quà đối với người có chức vụ, quyền hạn
1. Nội dung quy định tặng quà và nhận quà tặng
Việc tặng quà và nhận quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, người có chức vụ quyền hạn được thực hiện theo Nghị định số 59/2019/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng, có nội dung cụ thể sau:
- Không được sử dụng tài chính công, tài sản công làm quà tặng, trừ trường hợp tặng quà vì mục đích từ thiện, đối ngoại và trong trường hợp cần thiết khác theo quy định của pháp luật; việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định của pháp luật; cơ quan, đơn vị tặng quà phải hạch toán kế toán và thực hiện công khai trong cơ quan, đơn vị mình theo đúng quy định của pháp luật.
- Không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan đến công việc do mình giải quyết hoặc thuộc phạm vi quản lý của mình. Trường hợp không từ chối được thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị cấp trên trực tiếp và nộp lại quà tặng để xử lý theo quy định pháp luật trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quà tặng.
Việc báo cáo phải được thể hiện bằng văn bản và có đầy đủ các nội dung: Họ, tên, chức vụ, cơ quan, địa chỉ của người tặng quà; loại và giá trị của quà tặng; thời gian, địa điểm và hoàn cảnh cụ thể khi nhận quà tặng; mối quan hệ với người tặng quà.
( Quy định tại Điều 24, Điều 25, Điều 26 Nghị định 59/2019/NĐ-CP )
2. Khái niệm về tham nhũng
Tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 quy định tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi.
Vụ lợi là việc người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn nhằm đạt được lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất không chính đáng được quy định cụ thể tại khoản 7 Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018.
Như vậy, người có chức vụ, quyền hạn, nếu vì lợi dụng chức vụ, quyền hạn mà nhận hối lộ của người khác có thể được xem là hành vi tham nhũng.
3. Xử lý về quà tặng
Việc xử lý quà tặng được quy định tại Điều 27 Nghị Định 59/2019/NĐ-CP như sau:
“1. Đối với quà tặng bằng tiền, giấy tờ có giá thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tổ chức tiếp nhận, bảo quản và làm thủ tục nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
2. Đối với quà tặng bằng hiện vật, Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị tiếp nhận, bảo quản và xử lý như sau:
a) Xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá của quà tặng do cơ quan, đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp (nếu có) hoặc giá trị của quà tặng tương tự được bán trên thị trường. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng xác định giá;
b) Quyết định bán quà tặng và tổ chức công khai bán quà tặng theo quy định của pháp luật;
c) Nộp vào ngân sách nhà nước số tiền thu được sau khi trừ đi chi phí liên quan đến việc xử lý quà tặng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày bán quà tặng.
3. Đối với quà tặng là dịch vụ thăm quan, du lịch, y tế, giáo dục - đào tạo, thực tập, bồi dưỡng trong nước hoặc ngoài nước, dịch vụ khác thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thông báo đến cơ quan, tổ chức, đơn vị cung cấp dịch vụ về việc không sử dụng dịch vụ đó.
4. Đối với quà tặng là động vật, thực vật, thực phẩm tươi, sống và hiện vật khác khó bảo quản thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị căn cứ tình hình cụ thể và quy định của pháp luật về xử lý tang vật trong các vụ việc vi phạm hành chính để quyết định xử lý theo thẩm quyền hoặc báo cáo Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định xử lý.
5. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày xử lý quà tặng, cơ quan, tổ chức, đơn vị xử lý quà tặng có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý người tặng quà hoặc Cấp trên trực tiếp của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã tặng quà để xem xét, xử lý theo thẩm quyền.”
4. Xử lý vi phạm quy định về tặng quà và nhận quà tặng
Việc nhận quà tặng sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 28 Nghị định 59/2019/NĐ-CP như sau:
- Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng cho Nhà nước. Cá nhân sử dụng tài chính công, tài sản công tặng quà không đúng thẩm quyền, không đúng quy định thì phải bồi hoàn giá trị quà tặng và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
- Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị vi phạm quy định về nhận quà tặng, xử lý quà tặng, người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhận quà tặng, báo cáo, nộp lại quà tặng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài nhà nước.
Ngoài ra, việc nhận quà từ người khác có thể bị coi là hành vi nhận hối lộ Theo Điều 354 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về “tội nhận hối lộ” :
“1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
.......
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.”
Theo đó, để cấu thành “tội nhận hối lộ” phải đáp ứng hai yếu tố đó là giá trị tài sản hối lộ phải từ 2.000.000 đồng trở lên và người nhận hối lộ có hành vi nhận lợi ích để làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ hoặc tài sản mà người nhận có giá trị thấp hơn 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì người nhận hối lộ vẫn sẽ bị buộc tội nhận hối lộ khi nhận quà từ người khác.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!