VU KHỐNG CHO NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?
Hiến pháp 2013 của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quy định: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, nhục hình hay bất cứ hình thức nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự nhân phẩm”. Tuy nhiên do mặt trái của xã hội, nên tình hình tội vu khống, xúc phạm danh dự nhân phẩm của người khác đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội, được dư luận rất quan tâm. Vậy hành vi vu oan, vu khống cho người khác bị xử lý như thế nào? Mời quý vị đón xem bài viết sau đây!
1. Căn cứ pháp lý
Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017).
2. Khái niệm tội vu khống
Tội vu khống là hành vi bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
3. Các yếu tố cấu thành tội vu khống
- Mặt khách quan: Căn cứ khoản 1 Điều 156 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về Tội vu khống thì một người chỉ bị coi là phạm tội vu khống khi và chỉ khi có một trong các hành vi sau đây:
+ Có hành vi bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.Hành vi này thể hiện qua việc người nào đó tự đặt ra và loan truyền những điều không đúng sự thật và có nội dung xuyên tạc để xúc phạm danh dự của người khác hoặc gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Hành vi bịa đặt có thể thực hiện trực tiếp hoặc thông qua các phương tiện thông tin đại chúng,....
+ Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
+ Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền. Hành vi này thể hiện thông qua việc tự mình bịa ra người khác có hành vi thực hiện một tội phạm nào đó và tố cáo họ với cơ quan nhà nước như Công an, Viện kiểm sát,... mặc dù thực tế người đó không thực hiện hành vi phạm tội đó.
Cả ba dạng hành vi nêu trên lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Mục đích nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền lợi của người bị hại là là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.
- Khách thể của tội phạm: Hành vi nêu trên xâm phạm đến danh dự, nhân phẩm và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. Đối tượng bị vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người mà là con người cụ thể.
- Mặt chủ quan của tội phạm: Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiêu cấu thành cơ bản của tội này. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.
- Chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội phạm này là bất kì người nào có đầy đủ năng lực trách nhiệm hình sự. Người phạm tội thực hiện tội phạm với lỗi cố ý. Mục đích xúc phạm danh dự của người khác là dấu hiệu cấu thành tội này. Lưu ý đối tượng bị vu khống của tội này không phải là pháp nhân hay một nhóm người mà là con người cụ thể.
4. Hình phạt đối với tội vu khống
Tội vu khống được Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:
“1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác;
b) Bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Có tổ chức;
b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Đối với 02 người trở lên;
d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;
đ) Đối với người đang thi hành công vụ;
e) Sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội;
g) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 11% đến 45%;
h) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:
a) Vì động cơ đê hèn;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
c) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ Email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!