Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Người bị kết án tử hình có phải bồi thường thiệt hại dân sự không?

13:29 CH
Thứ Năm 22/06/2023
 566

Trong Luật Hình sự Việt Nam, tử hình là loại hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt, tước đi quyền sống của người bị kết án và chỉ được áp dụng đối với người phạm tội có tính chất nguy hiểm đặc biệt cao cho xã hội. Dù vậy không ít các bản án, người phạm tội còn phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường dân sự. Vậy ai sẽ thay người bị tử hình thực hiện bồi thường thiệt hại?

1. Tử hình là gì?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 40 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định về tử hình như sau:

“1. Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định.”

Theo quy định tại Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), có 18 tội danh áp dụng hình phạt tử hình ở Việt Nam bao gồm những tội danh sau:

- Tội phản bội Tổ quốc (Điều 108)

- Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109)

- Tội gián điệp (Điều 110)

- Tội bạo loạn (Điều 112)

- Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân (Điều 113)

- Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (Điều 114)

- Tội giết người (Điều 123)

- Tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi (Điều 142)

- Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194)

- Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 248)

- Tội vận chuyển trái phép chất ma túy (Điều 250)

- Tội mua bán trái phép chất ma túy (Điều 251)

- Tội khủng bố (Điều 299)

- Tội tham ô tài sản (Điều 353)

- Tội nhận hối lộ (Điều 354)

- Tội phá hoại hòa bình, gây chiến tranh xâm lược (Điều 421)

- Tội chống loài người (Điều 422)

- Tội phạm chiến tranh (Điều 423)

2. Người bị kết án tử hình có phải bồi thường thiệt hại dân sự không?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 584 Bộ Luật Dân sự 2015 quy định người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.

Nghĩa vụ bồi thường là trách nhiệm dân sự của người phạm tội, không phụ thuộc hình phạt mà tòa án áp dụng đối với họ. Nói các khác, dù người phạm tội bị tuyên phạt tù chung thân và tử hình thì họ vẫn phải chấp hành nghĩa vụ bồi thường đối với những thiệt hại mà họ đã gây ra. Trong một số trường hợp, nếu người phạm tội được Chủ tịch nước ân xá từ tử hình xuống còn chung thân thì việc họ chấp hành xong phần bồi thường dân sự sẽ là một trong những điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho họ. Do đó, trường hợp người phạm tội có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của bị hại mà gây thiệt hại thì có nghĩa vụ phải bồi thường. Đây là vấn đề dân sự trong vụ án hình sự và là trách nhiệm của chính người gây ra thiệt hại (người phạm tội).

3. Thân nhân của người bị kết án tử hình có nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không?

Trong trường hợp người phạm tội không tự nguyện bồi thường hoặc không có điều kiện để bồi thường thì người thân của người phạm tội không có nghĩa vụ bồi thường thay cho người phạm tội.

Tuy nhiên, việc người thân tự nguyện bồi thường thay một phần hoặc toàn bộ thiệt hại cho bị hại để bị cáo được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định điểm a, b khoản 1 Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) với tình tiết sau:

 - Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm.

 - Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu qủa.

 Trường hợp phải đối mặt án tử hình mà người thân hoặc phạm nhân tự nguyện hối lỗi, thành khẩn khai báo và khắc phục hậu quả, bồi thường thỏa đáng cho người bị hại thì có thể nhận được sự khoan hồng của Nhà nước.

4. Trường hợp người bị kết án tử mà không tự nguyện khắc phục hậu quả?

Trong trường hợp mà người phạm tội không tự nguyện bồi thường, cũng không có thân nhân thực hiện thay thì theo đó, người phải thi hành án có thời hạn 10 ngày (kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án) để tự nguyện thi hành án theo khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án Dân sự 2008 (sửa đổi bởi Luật Thi hành án Dân sự 2014).

Trường hợp hết thời hạn này, người phải thi hành án có điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành án thì bị cưỡng chế quy định tại khoản 1 Điều 46 Luật Thi hành án Dân sự 2008.

Cơ quan Thi hành án có thể áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 Luật Thi hành án Dân sự 2008 để thực hiện việc bồi thường dân sự bao gồm: 

- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án. 

- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án. 

- Kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ. 

- Khai thác tài sản của người phải thi hành án. 

- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ. 

- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc đối với nội dung “Người bị kết án tử hình có phải bồi thường thiệt hại dân sự không?”. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

 

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .