Nhận hối lộ là gì? Nguời có hành vi “nhận hối lộ” sẽ bị xử lý như thế nào?
Gần đây, vụ việc một Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện bị bắt để điều tra về hành vi "nhận hối lộ" đang được xã hội rất quan tâm. Vậy Nhận hối lộ là gì? Và người có hành vi “nhận hối lộ” sẽ bị xử lý như thế nào? Sau đây là bài viết của chúng tôi gửi tới quý bạn đọc nhằm giúp các bạn có thể hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Nhận hối lộ là gì?
Nhận hối lộ là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất dưới bất kỳ hình thức nào cho chính bản thân mình hoặc cho người hoặc cho tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ,
2. Dấu hiệu pháp lý của tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015
2.1. Chủ thể của tội phạm
Tội nhận hối lộ là một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015. Do đó, cũng như các tội phạm khác, chủ thể của tội nhận hối lộ phải đảm bảo các dấu hiệu chung về chủ thể của tội phạm là:
Thứ nhất, chủ thể của tội nhận hối lộ phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, cụ thể là người đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự năm 2015 và không thuộc trường hợp ở trong tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự được quy định tại Điều 21 Bộ luật hình sự năm 2015.
Thứ hai, người đó phải đạt độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự khi thực hiện hành vi phạm tội. Căn cứ quy định tại Điều 12 và Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 thì người nào từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội nhận hối lộ.
Ngoài ra, theo Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015, tội nhận hối lộ đòi hỏi chủ thể phải là chủ thể đặc biệt, là người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức.
2.2. Khách thể của tội phạm
Khách thể trực tiếp của tội nhận hối lộ là những quan hệ xã hội liên quan đến hoạt động bình thường, đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức trong và ngoài Nhà nước.
2.3. Mặt khách quan của tội phạm
Mặt khách quan của tội nhận hối lộ được biểu hiện qua những dấu hiệu sau:
- Về dấu hiệu hành vi: Hành vi đặc trưng trong tội phạm này là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận tiền, tài sản, lợi ích vật chất hoặc lợi ích phi vật chất của người đưa hối lộ. Hành vi nhận hối lộ được thực hiện thông qua sự thỏa thuận, thống nhất giữa người nhận hối lộ và người đưa hối lộ. Sự thỏa thuận giữa người đưa và người nhận hối lộ là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này, đòi hỏi giữa họ phải có sự trao đổi, thống nhất, đạt đến nhận thức chung và có sự cam kết, khẳng định, thỏa thuận bằng miệng, bằng văn bản hoặc thỏa thuận ngầm... Kết quả của sự thỏa thuận đó là đạt đến nhận thức chung là người nhận hối lộ sẽ làm hoặc không làm một việc nhất định theo yêu cầu hoặc vì lợi ích của người đưa hối lộ.
- Về dấu hiệu hậu quả: Hậu quả của tội nhận hối lộ là những thiệt hại vật chất hoặc phi vật chất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, dấu hiệu hậu quả không phải là dấu hiệu định tội mà được xác định là dấu hiệu định khung tăng nặng cho tội phạm này.
- Về thời điểm tội phạm hoàn thành: Tội phạm hoàn thành khi đạt được “sự thỏa thuận” giữa người nhận và người đưa hối lộ, trên cơ sở căn cứ vào giá trị hối lộ.
2.4. Mặt chủ quan của tội phạm
Tội phạm được thực hiện bằng hình thức lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức được hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao của mình để làm hay không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước những hậu quả do hành vi của mình gây ra và mong muốn làm hoặc không làm việc đó theo sự thoả thuận với người đưa hối lộ.
3. Hình phạt đối với tội nhận hối lộ theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015
Tội nhận hối lộ là tội nguy hiểm, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn, uy tín của cơ quan, tổ chức, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy, chính sách hình sự của Nhà nước ta đối với tội phạm này rất nghiêm khắc. Thái độ nghiêm khắc đó được thể hiện thông qua các quy định về hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ. Cụ thể, Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định 06 khung hình phạt đối với người phạm tội nhận hối lộ là:
- Khung 1 quy định phạt tù từ 02 năm đến 07 năm tù. Đây là khung hình phạt cơ bản với tội phạm này.
- Khung 2 quy định hình phạt tù từ 07 năm đến 15 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Phạm tội có tổ chức.
+ Lạm dụng chức vụ, quyền hạn.
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng.
+ Phạm tội 02 lần trở lên.
+ Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước.
+ Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.
- Khung 3 quy định hình phạt tù từ 15 năm đến 20 năm áp dụng đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng.
+ Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.
- Khung 4 quy định hình phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình đối với người phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên.
+ Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.
- Hình phạt bổ sung được quy định tại khoản 5 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 là người phạm tội nhận hối lộ còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
- Khoản 6 Điều 354 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về trường hợp xử lý người có chức vụ, quyền hạn trong khu vực tư - đó là trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước thực hiện hành vi nhận hối lộ cũng bị xử lý tương tự như người có chức vụ quyền hạn trong cơ quan, tổ chức của Nhà nước thực hiện hành vi này.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về khái niệm nhận hối lộ và quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 về tội nhận hối lộ . Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.