Nữ nhân viên kế toán bị giám đốc Trung Quốc sát hại: Quy định pháp luật về người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam
Sáng 31/3, Công an tỉnh Bình Dương làm thủ tục để di lý đối tượng Y (Sinh năm 1976, quốc tịch Trung Quốc, nghi phạm trong vụ sát hại nữ kế toán đang mang bầu) từ TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai về tỉnh Bình Dương để phục vụ công tác điều tra.
Được biết, Y là Giám đốc Công ty X và nạn nhân là chị L.T.M. (sinh năm 1993, ngụ tại thị xã Tân Uyên, Bình Dương), Kế toán của Công ty X.
Vậy, đối với việc người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, hoặc sau khi phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài thì việc xử lý được thực hiện như thế nào? Mời các bạn theo dõi bài viết sau để hiểu rõ về cách xử lý trong trường hợp này.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017
- Luật Tương trợ tư pháp Việt Nam
- Hiệp định tương trợ tư pháp
- Hiệp định dẫn độ được Việt Nam ký kết với Trung Quốc
2. Quy định pháp luật
Trong trường hợp một đối tượng có hành vi phạm tội tại Việt Nam có thể bị dẫn độ về nước mà đối tượng đó có quốc tịch, theo quy định của luật Tương trợ tư pháp Việt Nam, theo Hiệp định tương trợ tư pháp, Hiệp định dẫn độ được Việt Nam ký kết với quốc gia đối tượng phạm tội có quốc tịch.
Căn cứ theo Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 quy định về trường hợp bị dẫn độ
“- Người có thể bị dẫn độ theo quy định của Luật này là người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.
- Hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu.
- Trường hợp hành vi phạm tội của người quy định tại khoản 1 Điều này xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội."
Về điều kiện dẫn độ, phải có yêu cầu dẫn độ từ quốc gia ký kết. Đồng thời, đối với hành vi phạm tội được quy định tại Bộ luật Hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu dẫn độ, phải có hình phạt tù thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân, tử hình hoặc đã bị tòa án Việt Nam yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành án còn lại ít nhất 6 tháng.
Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì mọi hành vi phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam đều áp dụng theo Bộ luật Hình sự năm 2015, ngoại trừ những người nước ngoài định cư tại Việt Nam thuộc diện “đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam”.
Như vậy, trong vụ án trên, chúng ta có thể nhận định, đối tượng Y là một doanh nhân, là công dân bình thường, nên sẽ bị xử lý theo luật pháp Việt Nam. Với tình tiết này, Y có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 123 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017.
3. Hình thức xử phạt
Khi đã có đầy đủ bằng chứng, chứng cứ xác định rõ tội danh của đối tượng Y thì sẽ xử phạt theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 như sau:
Điều 123. Tội giết người
“1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:
…
c) Giết phụ nữ mà biết là có thai;
…
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.”
Mặt khác, với người nước ngoài phạm tội, Bộ luật Hình sự còn có quy định một hình phạt riêng là trục xuất. Đây có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, buộc người phạm tội phải rời khỏi Việt Nam trong thời hạn nhất định.
Điều 37. Trục xuất
“Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trục xuất được Tòa án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể.”
Hiện cơ quan công an của 2 tỉnh Bình Dương và Gia Lai đang phối hợp di lý đối tượng về Bình Dương để tiếp tục điều tra.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về vụ việc nữ kế toán bị sát hại ở Bình Dương . Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.