QUY ĐỊNH VỀ TỘI MUA BÁN TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG
1. Mua bán tài khoản ngân hàng là gì?
Pháp luật hiện hành không có quy định về khái niệm “tài khoản ngân hàng”. Theo cách hiểu thông thường, tài khoản ngân hàng là tài sản của ngân hàng cấp cho khách hàng để họ gửi tiền vào tài khoản đó nhằm thực hiện 2 mục đích chính là thanh toán và tiết kiệm.
Dù không có khái niệm về tài khoản ngân hàng nhưng Khoản 22 Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 đưa ra khái niệm về tài khoản thanh toán. Theo đó, tài khoản thanh toán là tài khoản tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng mở tại ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán do ngân hàng cung ứng.
Từ những căn cứ trên, có thể hiểu, tài khoản ngân hàng là một dạng tài sản của ngân hàng cung cấp cho khách hàng để thực hiện các giao dịch như chuyển tiền, nhận tiền, rút tiền, gửi tiết kiệm, thanh toán,…
(Nguồn Internet)
2. Tài khoản ngân hàng thường gồm 02 loại:
Tài khoản thanh toán: Với tài khoản này, khách hàng sẽ gửi tiền vào, sau đó dùng để thanh toán các hóa đơn dịch vụ, chuyển rút tiền… Tiền gửi trong tài khoản thanh toán nếu chưa sử dụng đều được ngân hàng trả lãi suất, thường là lãi suất của loại tiền gửi không kỳ hạn nên rất thấp và không đáng kể.
Tài khoản tiết kiệm: Với tài khoản tiết kiệm, khách hàng gửi tiền vào để lấy lãi.
Vì thế, thông thường, việc mua bán tài khoản ngân hàng diễn ra với tài khoản thanh toán bởi tài khoản này có thể dễ dàng thực hiện các giao dịch chuyển – nhận tiền để thực hiện những hoạt động phi pháp.
Tuy nhiên, hiện nay tài khoản ngân hàng cá nhân không thể sang tên đổi chủ, nghĩa là việc mua bán diễn ra hoàn toàn phi pháp.
Trên thực tế, hành vi mua, bán, cho thuê, cho mượn tài khoản ngân hàng hiện nay diễn ra rất phổ biến. Đây là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng tội phạm liên quan đến lừa đảo, gian lận, đánh bạc… ngày càng phát triển, nhất là thông qua không gian mạng.
Các đối tượng mua - thuê tài khoản sẽ trả cho chủ tài khoản tiền, và sẽ trả thêm tiền nếu có người chuyển tiền vào và chủ tài khoản rút tiền cho bọn chúng.
3. Tội mua bán tài khoản ngân hàng bị phạt thế nào?
Tùy theo mức độ, tính chất của hành vi vi phạm và hậu quả để lại, mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị xử lý hình sự.
Xử phạt vi phạm hành chính
Theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 26 Nghị định 88/2019/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP, mức phạt hành chính đối với hành vi mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng như sau:
Phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 01 – dưới 10 tài khoản thanh toán mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự;
Phạt tiền từ 50 – 100 triệu đồng với hành vi mua, bán thông tin tài khoản thanh toán với số lượng từ 10 tài khoản thanh toán trở lên mà chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời, buộc người vi phạm nộp vào ngân sách nhà nước số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Xử lý hình sự
Trường hợp mua, bán trái phép tài khoản ngân hàng từ 20 tài khoản trở lên hoặc thu lợi bất chính từ 20 triệu đồng trở lên có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng quy định tại Điều 291 Bộ luật Hình sự 2015.
“1. Người nào thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 20 tài khoản đến dưới 50 tài khoản hoặc thu lợi bất chính từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng, thì bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng từ 50 tài khoản đến dưới 200 tài khoản;
b) Có tổ chức;
c) Có tính chất chuyên nghiệp;
d) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
đ) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong những trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng của người khác với số lượng 200 tài khoản trở lên;
b) Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.”
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc quy định về hành vi mua bán tài khoản ngân hàng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 - 0222.223.98.88 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.
Bài viết cùng chuyên mục
Ví dụ: đơn ly hôn, ly hôn đơn phương, tư vấn luật, tư vấn pháp luật, ...