Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Săn bắn, vận chuyển động vật quý hiếm bị xử lý thế nào?

22:47 CH
Thứ Ba 06/07/2021
 719

Tình trạng tiêu thụ, buôn bán trái phép động vật hoang dã ở Việt Nam đã trở thành một mối quan ngại lớn đối với công tác bảo tồn đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay.

Việt Nam được xếp là một trong những quốc gia đa dạng sinh học cao trên thế giới, với hơn 49.200 loài động vật, trong đó có 10.500 loài thú trên cạn. Tuy nhiên, thời gian qua vấn nạn khai thác, tiêu thụ động vật quý hiểm bất hợp pháp, đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng, gây ra mối đe dọa lớn đối với đa dạng sinh học, nhiều loài động vật quý hiếm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng hoặc tới bến bờ của sự tuyệt chủng. Theo đó số lượng vụ vận chuyển trái phép động vật quý hiếm ngày càng tăng.

Quy định tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm

Vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là hành vi săn bắn, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB; Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp hoặc hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật đó.

Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm được pháp luật hình sự Việt Nam được quy định tại Điều 244 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017.

Dấu hiệu pháp lý của tội phạm:

Khách thể của tội phạm:

  • Tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm là tội xâm phạm đến chế độ quản lý của nhà nước về bảo vệ động vật nguy cấp, quý, hiếm, xâm phạm nghiêm trọng đến môi trường sinh thái, gây ra những hậu quả nghiêm trọng khác cho đời sống xã hội.
  • Đối tượng tác động: các loại động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ; động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc quy định về bảo vệ động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ hoặc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.

Mặt khách quan của tội phạm:

  1. Hành vi khách quan: Một hoặc một số hành vi sau được coi là dấu hiệu định tội của tội vi phạm các quy định về quản lý, bảo vệ động vật nguy cấp, quý hiếm:
  • Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ;
  • Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật quy định tại điểm a khoản này;
  • Ngà voi có khối lượng từ 02 kilôgam đến dưới 20 kilôgam; sừng tê giác có khối lượng từ 50 gam đến dưới 01 kilôgam;
  • Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm IB hoặc Phụ lục I Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp mà không thuộc loài quy định tại điểm a khoản này với số lượng từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác;
  • Tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống của từ 03 cá thể đến 07 cá thể lớp thú, từ 07 cá thể đến 10 cá thể lớp chim, bò sát hoặc từ 10 cá thể đến 15 cá thể động vật lớp khác quy định tại điểm d khoản này;
  • Săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, buôn bán trái phép động vật hoặc tàng trữ, vận chuyển, buôn bán trái phép cá thể, bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống hoặc sản phẩm của động vật có số lượng dưới mức quy định tại các điểm c, d và đ khoản này nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Chủ thể của tội phạm: Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự, pháp nhân thương mại.

Hậu quả: Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc.

Hình phạt tội vận chuyển động vật quý hiếm

Từ những phân tích ở trên, có thể khẳng định hành vi vận chuyển động vật quý hiếm là hành vi vi phạm pháp luật hình sự. Người thực hiện hành vi phạm tội này có thể bị phạt tiền hoặc chấp hành phạt tù tùy từng mức độ nghiêm trọng của tội phạm. Cụ thể:

- Đối với cá nhân: Người nào thực hiện hành vi vận chuyển động vật quý hiếm có thể bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm (khoản 1 Điều 244).

- Đối với pháp nhân: Pháp nhân thương mại phạm tội có thể bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 5.000.000.000 đồng (điểm a khoản 5 Điều 244).

Tình tiết định khung tăng nặng hình phạt

Trong trường hợp có tình tiết định khung tăng nặng, tội phạm có thể bị tăng mức hình phạt so với mức phạt cơ bản:

Đối với cá nhân:

Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tù từ 05 năm đến 10 năm (khoản 2 Điều 244)

Phạm tội với số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống lớn; phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; vận chuyển động vật quý hiếm qua biên giới; tái phạm nguy hiểm.

Khung tăng nặng thứ hai: phạt tù từ 10 năm đến 15 năm (khoản 3 Điều 244)

Số lượng động vật hoặc bộ phận cơ thể không thể tách rời sự sống lớn hơn so với khung thứ nhất.

Hình phạt bổ sung: người phạm tội bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Đối với pháp nhân:

Khung tăng nặng thứ nhất: phạt tiền từ 5.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng.

Khung tăng nặng thứ hai: phạt tiền từ 10.000.000.000 đồng đến 15.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm.

Khung tăng nặng thứ ba: đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Hình phạt bổ sung: bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 600.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.

Như vậy, cá nhân hoặc pháp nhân thương mại thực hiện hành vi vận chuyển động vật quý hiếm sẽ bị áp dụng chế tài theo quy định của Bộ luật hình sự tùy thuộc vào mức độ phạm tội của đối tượng.

Trên đây là quy định của pháp luật về xử phạt đối với hành vi săn bắt, vận chuyển động vật quý hiếm của chúng tôi cung cấp đến độc giả. Đồng thời, Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc quy định của pháp luật về lĩnh vực Hình sự nói chung cũng như hành vi săn bắt, vận chuyển động vật quý hiếm nói riêng. Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .