Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Sử dụng bằng giả, chứng chỉ giả sẽ bị xử lý như thế nào?

14:44 CH
Thứ Bảy 16/11/2024
 25

Sử dụng bằng cấp giả đang ngày càng trở thành vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, không chỉ ảnh hưởng đến uy tín của các tổ chức, doanh nghiệp mà còn gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với cá nhân và cộng đồng. Trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt và yêu cầu ngày càng cao về trình độ chuyên môn, một số người đã lựa chọn con đường gian lận để đạt được mục tiêu nghề nghiệp của mình. Tuy nhiên, việc sử dụng bằng cấp giả không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với bản thân và xã hội. Vấn đề này không chỉ phản ánh sự thiếu đạo đức trong công việc mà còn tạo ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với chất lượng nguồn nhân lực và sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

1. Thế nào là bằng cấp giả?

Bằng cấp giả có thể bao gồm các loại bằng tốt nghiệp, chứng chỉ, bằng cấp chuyên môn hoặc các giấy tờ xác nhận khác, được tạo ra với mục đích gian lận, nhằm lừa dối nhà tuyển dụng hoặc các tổ chức, cá nhân có liên quan để đạt được lợi ích cá nhân như tìm việc làm, thăng tiến, tăng thu nhập hoặc chiếm đoạt các quyền lợi không hợp pháp.

Các hình thức bằng cấp giả có thể rất tinh vi, giống hệt với bằng cấp thật, khó nhận biết bằng mắt thường, nhưng thực tế không có giá trị pháp lý. Việc sử dụng bằng cấp giả có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, từ việc mất uy tín cá nhân cho đến những rủi ro cho cả tổ chức và xã hội.

Như vậy chúng ta có định nghĩa như sau: Bằng giả sẽ là văn bằng, tín chỉ, chứng chỉ được các tổ chức, cá nhân sử dụng những công nghệ, kỹ thuật để tạo ra sao cho mô phỏng như bằng thật do những tổ chức, cơ quan có thẩm quyền theo quy định cấp, chứng nhận.

2. Người sử dụng bằng giả bị phạt hành chính như thế nào?

Nghị định 04/2021/NĐ-CP không có quy định xử phạt cụ thể về hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Nghị định 04/2021 quy định xử phạt hành chính đối với một số vi phạm về sử dụng văn bằng, chứng chỉ như sau:

“Điều 22 quy định vi phạm về in phôi và quản lý phôi văn bằng, chứng chỉ:

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

...

b) Không lập hoặc lập hồ sơ quản lý việc in, cấp, sử dụng, thu hồi, hủy bỏ phôi văn bằng, chứng chỉ không đầy đủ, không chính xác thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành

Điều 23 quy định vi phạm quy định về sử dụng và công khai thông tin cấp văn bằng, chứng chỉ:

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác;

b) Cho người khác sử dụng văn bằng, chứng chỉ của mình;

c) Sử dụng văn bằng, chứng chỉ bị tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung.”

Như vậy quy định này chỉ áp dụng đối với những người sử dụng bằng cấp chứng chỉ của người khác, sửa đổi tẩy xóa làm sai lệch thông tin thì sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 5 – 20 triệu đồng.

3. Người sử dụng bằng giả có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Người sử dụng bằng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm về Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức quy định tại Điều 341 Bộ luật Hình sự số 100/2015/QH13, sửa đổi bởi Luật số 12/2017/QH14. Mức phạt cụ thể như sau:

“Điều 341. Tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức

1. Người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Làm từ 02 đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác;

d) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng;

đ) Thu lợi bất chính từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên;

b) Sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;

c) Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”

Theo như quy định trên thì cá nhân sẽ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự khi mua bằng giả và sử dụng bằng giả thực hiện hành vi trái pháp luật.

Trong trường hợp, cá nhân đã mua bằng giả nhưng chưa sử dụng bằng giả đó vào mục đích trái quy định pháp luật thì sẽ không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự.

4. Phân tích yếu tố cấu thành tội phạm

4.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện của tội phạm diễn ra hoặc tồn tại bên ngoài thế giới khách quan. Những dấu hiệu thuộc về khách quan của tội phạm gồm những hành vi nguy hiểm cho xã hội: tính trái pháp luật của hành vi; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả của tội phạm; ngoài ra còn có các dấu hiệu khác nhau như: phương tiện, công cụ, phương pháp thủ đoạn, thời gian, địa điểm, thực hiện tội phạm.

- Có hành vi làm giả con dấu của cơ quan, tổ chức: Là hành vi đúc, khắc… để tạo ra con dấu giả giống như con dấu của cơ quan, tổ chức đang sử dụng (tức dấu thật) vào những việc trái pháp luật (như sử dụng để làm các loại giấy từ giả mao,..).

- Có hành vi sử dụng con dấu giả, tài liệu giả hoặc giấy tờ giả khác của cơ quan, tổ chức nhằm để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân.

4.2. Mặt chủ quan

Mặt chủ quan của tội phạm là những diễn biến tâm lý bên trong của tội phạm bao gồm: lỗi, mục đích, và động cơ phạm tội. Bất cứ tội phạm cụ thể nào cũng đều phải được thực hiện bởi hành vi có lỗi. Theo quy định của pháp luật, có hai loại lỗi: lỗi cố ý và lỗi vô ý phạm tội.

a. Cố ý phạm tội là tội phạm được thực hiện một trong các trường hợp sau:

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra (lỗi cố ý trực tiếp);

Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra (lỗi cố ý gián tiếp).

b. Vô ý phạm tội là phạm tội một trong các trường hợp sau:

Người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được (vô ý do quá tự tin);

Người phạm tội không thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội, mặc dù phải thấy trước và có thể thấy trước hậu quả đó (vô ý do cẩu thả).

Động cơ phạm tội là cái thôi thúc tội phạm thực hiện hành vi phạm tội để đạt được mục đích của mình.

Trong trường hợp này:

- Lỗi: Người phạm tội này thực hiện hành vi của mình là do cố ý, tức là người phạm tội biết hành vi làm con dấu của cơ quan, tổ chức là hành vi làm giả và sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả đó để lừa dối cơ quan, tổ chức hoặc công dân nhưng vẫn thực hiện.

4.3 Khách thể của tội phạm:

Khách thể của tội phạm là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại. Theo hệ thống pháp luật hình sự Việt Nam những quan hệ đó là: quan hệ về độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, chế độ chính trị, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, quyền con người các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân. . .những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

4.4 Chủ thể của tội phạm:

Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội được luật hình sự quy định là tội phạm, có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi.

 

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .