Trách nhiệm bồi thường khi cháy quán karaoke? Chủ quán có bị truy tố hình sự không?
Theo thống kê, cả nước có khoảng 37.000 cơ sở kinh doanh karaoke, quán bar, vũ trường, chủ yếu tập trung ở các thành phố như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng… Trong 37.000 cơ sở kinh doanh ấy, có bao nhiêu phần trăm đạt an toàn phòng cháy chữa cháy đúng tiêu chuẩn, có bao nhiêu phần trăm “chạy chọt” tiêu chuẩn phòng cháy chữa cháy để được hoạt động, có bao nhiêu phần trăm không đủ tiêu chuẩn mà vẫn hoạt động chui?
Không rõ con số chính xác là bao nhiêu. Chỉ biết cứ sau một vụ cháy quán karaoke gây rúng động, các tỉnh, thành lại tổng kiểm tra toàn bộ các quán karaoke, quán bar, rồi rút giấy phép, rồi đình chỉ hoạt động hàng chục, hàng trăm cơ sở kinh doanh vi phạm quy định phòng cháy chữa cháy.
1. Điều kiện để quán Karaoke được hoạt động
Thông tư 147/2020/TT-BCA thay thế Thông tư 47/2015/TT-BCA của Bộ Công an nêu rõ biện pháp đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy với cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường.
Theo Điều 5 Thông tư này, với cơ sở cao từ 3 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 1.000 m3 trở lên phải bảo đảm điều kiện an toàn về PCCC, bao gồm:
- Giấy phép kinh doanh;
- Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy chữa cháy (PCCC);
- Văn bản xác nhận nghiệm thu hệ thống PCCC;
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về ANTT;
- Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
- Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn; Có lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ PCCC;
- Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC.
2. Về trách nhiệm bồi thường dân sự
Căn cứ theo điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định về việc bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra:
"Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật".
Dù vụ cháy xảy ra do nguyên nhân khách quan, cơ sở kinh doanh karaoke vẫn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân.
Bên cạnh đó, những cá nhân liên quan đến vụ hỏa hoạn (nếu có) sẽ phải chịu một phần trách nhiệm tương ứng với sai phạm của mình. Nếu vụ cháy xảy ra do một phần lỗi của nhân viên thì chủ cơ sở karaoke phải bồi thường cho nạn nhân. Vì nhân viên không thực hiện đúng quy định về an toàn lao động, để xảy ra sự việc thì một phần cũng do lỗi của chủ hộ kinh doanh trong việc quản lý người lao động.
Về mức bồi thường, chúng tôi cho rằng sẽ phải áp dụng linh hoạt dựa vào tình trạng và yêu cầu cụ thể của từng nạn nhân. Tuy nhiên, mức độ bồi thường sẽ được xác định chủ yếu dựa vào kết quả giám định thương tật và định giá tài sản bị xâm phạm (nếu có).
Chúng tôi cho rằng công thức xác định tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể (tỷ lệ thương tật) được áp dụng theo Điều 4 Thông tư 22/2019/TT-BYT quy định về tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể sử dụng trong giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần do bộ trưởng bộ y tế ban hành (Thông tư 22/2019/TT-BYT). Dựa vào kết quả này, cơ quan chức năng sẽ ước tính số tài sản bị hao hụt do sức khỏe bị ảnh hưởng của nạn nhân. Các khoản bồi thường có thể được phân loại dựa vào Điều 590 và Điều 591 Bộ luật dân sự 2015 quy định về Thiệt hại do sức khỏe và tính mạng bị xâm phạm, như sau:
+ Bồi thường về thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm: Chi phí ở đây bao gồm việc cứu chữa, phục hồi sau điều trị cũng như bồi thường thiệt hại về chức năng cơ thể bị ảnh hưởng, sức khỏe giảm sút của người bị thương.
+ Bồi thường khoảng thu nhập thực tế hoặc bị giảm sút của người bị thiệt hại.
+ Bồi thường chi phí và phần thu nhập bị mất của người phải chăm sóc người bị thương trong thời gian điều trị. Nếu người bị thương mất khả năng lao động thì phải có trách nhiệm bồi thường luôn chi phí cho việc chăm sóc người bị thương đó.
+ Chi phí cho việc mai táng cho người bị thiệt mạng
Ngoài ra, chủ hộ kinh doanh karaoke còn phải chịu khoản chi phí bồi thường để bù đắp thiệt hại tinh thần cho cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại. Nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này.
3 Về trách nhiệm hình sự
Căn cứ theo Điều 313 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về tội vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy:
"1. Người nào vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Làm chết người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 01 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 08 năm:
a) Làm chết 02 người;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
c) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:
a) Làm chết 03 người trở lên;
b) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
c) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
4. Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy trong trường hợp có khả năng thực tế dẫn đến hậu quả quy định tại một trong các điểm a, b và c khoản 3 Điều này nếu không được ngăn chặn kịp thời, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Việc các vụ cháy quán karaoke gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng xảy ra gần đây cho thấy sự bất ổn trong công tác quản lý và việc tuân thủ thiếu nghiêm túc quy định về PCCC của các cơ sở kinh doanh dịch vụ.Để tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tiếp theo, cơ quan chức năng cần siết chặt điều kiện hoạt động của các cơ sở này, đồng thời xử phạt nặng, thậm chí đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với địa điểm cố tình vi phạm.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về việc phòng cháy chữa cháy tại các quán Karaoke, Vũ trường . Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 - 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.