Vứt bỏ con mới đẻ có bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
“Con đi làm công nhân, không đủ tiền trang trải cuộc sống nên việc nuôi con sẽ thật vất vả, xin nhà chùa nuôi dạy đứa trẻ giúp con.”
Vậy người đó có phải chịu trách nhiệm hình sự hay là nhận được sự cảm thông từ xã hội?
“Con đi làm công nhân, không đủ tiền trang trải cuộc sống nên việc nuôi con sẽ thật vất vả, xin nhà chùa nuôi dạy đứa trẻ giúp con.”
Tình hình dịch bệnh Covid hiện vẫn đang rất phức tạp, việc đi lại hạn chế, không ít lĩnh vực bị tác động và trong đó bao gồm lĩnh vực Kinh tế. Phải chăng kinh tế giảm sút, khả năng nuôi dưỡng con cũng bị ảnh hưởng chăng? Trong 01 tuần của tháng 9 vừa qua, địa phương tôi có 02 trường hợp trẻ sơ sinh bị mẹ bỏ rơi tại ngôi chùa M, kèm theo đứa trẻ có mẩu giấy ghi “Con đi làm công nhân, không đủ tiền trang trải cuộc sống nên việc nuôi con sẽ thật vất vả, xin nhà chùa nuôi dạy đứa trẻ giúp con”.
Vậy liệu hành vi sai trái khiến biết bao người dân đã và đang gây bức xúc này sẽ bị xử lý ra sao? Những người cha mẹ bỏ rơi con có là tội phạm hay không?
Theo pháp luật Việt Nam tại Điều 6 Luật Trẻ em 2016 quy định các hành vi "Tước đoạt quyền sống của trẻ em" và "Bỏ rơi, bỏ mặc, mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt trẻ em" là các hành vi bị nghiêm cấm. Do đó, người mẹ nào bỏ rơi con mới sinh sẽ bị pháp luật nghiêm trị.
1. Xử phạt hành chính cho hành vi bỏ rơi con mới sinh
Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với người có một trong các hành vi sau đây:
- Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh;
- Cha, mẹ, người giám hộ không thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng, cắt đứt quan hệ tình cảm và vật chất với trẻ em, trừ trường hợp cho trẻ em làm con nuôi hoặc bị buộc phải cách ly trẻ em theo quy định của pháp luật;
- Cha, mẹ; người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Như vậy, người mẹ nếu bỏ rơi con mới sinh thì sẽ bị phạt hành chính số tiền lên đến 15.000.000 đồng. Bên cạnh đó, người mẹ bắt buộc phải nhận con về và thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng con mình khôn lớn. Trong trường hợp hành vi bỏ rơi con mới sinh dẫn đến hậu quả là đứa trẻ đó bị chết thì người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Người mẹ bỏ rơi con mới sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự
Theo quy định tại Điều 124 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 về "Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ" thì:
- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà giết con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm;
- Người mẹ nào do ảnh hưởng nặng nề của tư tưởng lạc hậu hoặc trong hoàn cảnh khách quan đặc biệt mà vứt bỏ con do mình đẻ ra trong 07 ngày tuổi dẫn đến hậu quả đứa trẻ chết, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Như vậy, để truy cứu người mẹ về tội danh trên thì phải thỏa mãn các điều kiện thuộc về mặt khách quan như sau:
- Đứa trẻ đó không lớn hơn 07 ngày tuổi;
- Người mẹ có tư tưởng lạc hậu hoặc do hoàn cảnh khách quan;
- Hậu quả của việc vứt bỏ dẫn đến đứa trẻ bị chết.
Nếu không thỏa mãn một trong hai điều kiện đầu (đứa trẻ đã vượt qua 07 ngày tuổi hoặc người mẹ bỏ rơi trẻ sơ sinh do mâu thuẫn với cha đứa bé) thì người mẹ sẽ bị truy tố trách nhiệm hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
3. Trường hợp không tìm thấy cha mẹ của trẻ bị bỏ rơi?
- Về đăng ký khai sinh cho trẻ bị bỏ rơi:
+ Người phát hiện trẻ bị bỏ rơi có trách nhiệm bảo vệ trẻ và thông báo ngay cho UBND hoặc công an cấp xã nơi trẻ bị bỏ rơi. Trường hợp trẻ bị bỏ rơi tại cơ sở y tế thì Thủ trưởng cơ sở y tế có trách nhiệm thông báo. Ngay sau khi nhận được thông báo, Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Trưởng công an cấp xã có trách nhiệm tổ chức lập biên bản về việc trẻ bị bỏ rơi; UBND cấp xã có trách nhiệm giao trẻ cho cá nhân hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật.+ Sau khi lập biên bản, UBND cấp xã tiến hành niêm yết tại trụ sở UBND trong 7 ngày liên tục về việc trẻ bị bỏ rơi. Hết thời hạn niêm yết, nếu không có thông tin về cha, mẹ đẻ của trẻ, UBND cấp xã thông báo cho cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ để tiến hành đăng ký khai sinh cho trẻ. Cá nhân hoặc tổ chức đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ có trách nhiệm khai sinh cho trẻ em. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch.
+ Họ, chữ đệm, tên của trẻ được xác định theo quy định của pháp luật dân sự. Nếu không có cơ sở để xác định ngày, tháng, năm sinh và nơi sinh của trẻ thì lấy ngày, tháng phát hiện trẻ bị bỏ rơi là ngày, tháng sinh; căn cứ thể trạng của trẻ để xác định năm sinh; nơi sinh là nơi phát hiện trẻ bị bỏ rơi; quê quán được xác định theo nơi sinh; quốc tịch của trẻ là quốc tịch Việt Nam. Phần khai về cha, mẹ và dân tộc của trẻ trong Giấy khai sinh và Sổ hộ tịch để trống; trong Sổ hộ tịch ghi rõ "Trẻ bị bỏ rơi".
Nghị định cũng quy định về đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. Cụ thể, UBND cấp xã nơi trẻ đang cư trú có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ.
+ Trường hợp chưa xác định được cha thì khi đăng ký khai sinh họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của con được xác định theo họ, dân tộc, quê quán, quốc tịch của mẹ; phần ghi về cha trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ để trống.
Nếu vào thời điểm đăng ký khai sinh người cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì UBND kết hợp giải quyết việc nhận con và đăng ký khai sinh.
Trường hợp trẻ chưa xác định được mẹ mà khi đăng ký khai sinh cha yêu cầu làm thủ tục nhận con thì giải quyết theo quyết theo quy định nêu trên; phần khai về mẹ trong Sổ hộ tịch và Giấy khai sinh của trẻ em để trống.
- Về đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ:
+ Người yêu cầu đăng ký khai sinh nộp giấy tờ theo quy định và văn bản xác nhận của cơ sở y tế đã thực hiện kỹ thuật hỗ trợ sinh sản cho việc mang thai hộ.
+ Phần khai về cha, mẹ của trẻ được xác định theo cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ. Thủ tục đăng ký khai sinh được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 của Luật Hộ tịch 2014.
Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 144/2013/NĐ-CP;
- Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017;
- Luật Hộ tịch 2014;
- Luật trẻ em 2016.