Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Bị đơn có quyền kiện ngược lại nguyên đơn?

17:37 CH
Thứ Năm 24/06/2021
 2038

Để bảo hộ cho các quyền dân sự của các chủ thể, Nhà nước quy định nhiều biện pháp, cách thức bảo vệ khác trong việc bảo vệ quyền dân sự, một trong những quyền đó có quyền phản tố của bị đơn. Quy định về yêu cầu phản tố của bị đơn tạo cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền tố tụng của bị đơn, bảo đảm quyền tự định đoạt của đương sự, tạo điều kiện cho việc giải quyết nhanh, toàn diện các yêu cầu của đương sự trong quá trình giải quyết các tranh chấp dân sự.

Các trường hợp phản tố được chấp nhận

Theo quy định tại khoản 2 Điều 200 BLTTDS 2015, yêu cầu phản tố của bị đơn đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập được chấp nhận khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, yêu cầu phản tố để bù trừ nghĩa vụ với yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Trường hợp này xảy ra khi bị đơn có nghĩa vụ đối với nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và ngược lại nguyên đơn, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng có nghĩa vụ với bị đơn.

Ví dụ: A khởi kiện yêu cầu B trả lại tiền thuê nhà còn nợ; B lại có yêu cầu đòi A thanh toán cho mình tiền sửa chữa nhà mà B đã trả thay cho A. Nghĩa vụ bù trừ ở đây là nghĩa vụ trả tiền bên B nợ thuê nhà A có thể bù trừ với số tiền mà B bỏ ra để sửa nhà. Khi đó, yêu cầu của bị đơn B được coi là yêu cầu phản tố đối với nguyên đơn A.

Thứ hai, yêu cầu phản tố được chấp nhận dẫn đến loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập. Đây là trường hợp bị đơn có yêu cầu phản tố lại đối với nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập và nếu yêu cầu đó được chấp nhận, thì loại trừ việc chấp nhận một phần hoặc toàn bộ yêu cầu của nguyên đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập vì không có căn cứ.

Ví dụ: A bán chiếc xe ô tô thuộc sở hữu của mình cho C, nhưng A lại nói với B – con của A là cho C thuê mỗi tháng 5 triệu đồng. Sau đó A chết, B khởi kiện yêu cầu C phải thanh toán tiền thuê xe trong 1 năm qua là 60 triệu đồng. C có yêu cầu phản tố yêu cầu Tòa án công nhận quyền sở hữu ô tô và có tranh chấp. Trường hợp này, nếu Tòa án công nhận yêu cầu phản tố của C thì dẫn đến không chấp nhận toàn bộ yêu cầu của B.

Thứ ba, yêu cầu phản tố có liên quan đến yêu cầu của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan và nếu được giải quyết trong cùng 1 vụ án thì sẽ được giải quyết nhanh chóng và chính xác hơn.

Ví dụ: Chị X có yêu cầu khởi kiện anh Y trợ cấp nuôi con Z. Anh Y có yêu cầu phản tố xác định Z không phải là con của anh. Như vậy, yêu cầu này không phải yêu cầu bù trừ hay loại trừ. Tuy nhiên, việc giải quyết được yêu cầu này mới dẫn đến được kết luận cuối cùng về việc giải quyết yêu cầu của nguyên đơn.

Thời điểm phản tố của bị đơn

Theo quy định tại khoản 3 Điều 200 BLTTDS 2015, bị đơn có quyền đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Việc quy định khoảng thời gian được yêu cầu phản tố của bị đơn theo BLTTDS 2015 được đánh giá là phù hợp và rút ngắn được thời gian giải quyết vụ án. Tuy nhiên, có thể thấy, việc quy định thời điểm được đưa ra yêu cầu phản tố của bị đơn vẫn còn tồn tại một số bất cập như việc quy định bị đơn có thể đưa ra hoặc không đưa ra yêu cầu phản tố trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Vì quy định là “quyền” nên trên thực tế Tòa án có thể trả lại đơn, không tiếp nhận hoặc có thể nhận đơn yêu cầu phản tố của bị đơn nếu bị đơn nộp yêu cầu phản tố sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

Điều kiện và thủ tục phản tố của bị đơn

Theo quy định tại Điều 202 BLTTDS 2015: “Thủ tục yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập được thực hiện theo quy định của Bộ luật này về thủ tục khởi kiện của nguyên đơn.” Như vậy, yêu cầu phản tố của bị đơn phải đáp ứng các điều kiện như điều kiện khởi kiện của nguyên đơn như sau:

· Người phản tố phải có quyền phản tố và đầy đủ năng lực hành vi dân sự;

· Yêu cầu phản tố đó phải chưa được Tòa án, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết bằng bản án hoặc quyết định đã có hiệu lực, trừ các trường hợp Tòa án bác đơn yêu cầu ly hôn, yêu cầu thay đổi người nuôi con, thay đổi mức cấp dưỡng, đòi tài sản cho thuê, đòi quyền sử dụng đất cho thuê mà Tòa án chưa chấp nhận yêu cầu và theo quy định của pháp luật được quyền khởi kiện lại;

· Yêu cầu phản tố thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo loại việc dân sự, theo cấp và lãnh thổ của Tòa án.

Ngoài ra, bị đơn muốn thực hiện phản tố đối với nguyên đơn trong vụ án thì trình tự, thủ tục được thực hiện theo Điều 202 giống như thủ tục khởi kiện:

· Đơn phải xác định rõ phạm vi yêu cầu phản tố;

· Nội dung và hình thức đơn phải đáp ứng yêu cầu tại Điều 189 BLTTDS 2015 như: ngày tháng năm làm đơn; tên Tòa án nhận đơn; quyền, lợi ích của người làm đơn bị xâm phạm kèm theo đơn phải có tài liệu, chứng cứ,...

· Bị đơn phải gửi đơn đến Tòa án, đến Thẩm phán đang thụ lý giải quyết vụ việc để thẩm phán thụ lý và thực hiện thụ lý đối với yêu cầu phản tố của bị đơn.

· Thời hạn chuẩn bị xét xử cũng được tính từ ngày bị đơn nộp tạm ứng án phí hoặc trong trường hợp bị đơn được miễn án phí thì tính từ ngày Tòa án nhận được đơn phản tố.

Giải quyết đơn yêu cầu phản tố của bị đơn

(i) Trường hợp yêu cầu phản tố không được chấp nhận:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 72 BLTTDS: “Trường hợp yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập không được Tòa án chấp nhận để giải quyết trong cùng vụ án thì bị đơn có quyền khởi kiện vụ án khác”. Như vậy, trong trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn không đáp ứng đủ các điều kiện quy định, không được Tòa án chấp nhận thì bị đơn có quyền khởi kiện một vụ án khác đối với yêu cầu phản tố của mình.

(ii) Trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận:

Trường hợp yêu cầu phản tố của bị đơn được chấp nhận, Tòa án sẽ xem xét giải quyết yêu cầu này giống như việc xem xét giải quyết với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu độc lập của người có quyền, nghĩa vụ liên quan:

* Trong phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải, bị đơn được trình bày yêu cầu phản tố, những căn cứ để bảo vệ yêu cầu phản tố của mình và đề xuất quan điểm về những vấn đề cần hòa giải cũng như hướng giải quyết vụ án.

* Trong giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm sẽ có một số trường hợp xảy ra như sau:

Nếu nguyên đơn rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện hoặc đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt mà không có lý do chính đáng, không có đề nghị xét xử vắng mặt mà bị đơn có yêu cầu phản tố:

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền, nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án;

- Bị đơn không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu phản tố thì Tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bị đơn sẽ trở thành nguyên đơn và nguyên đơn sẽ trở thành bị đơn;

- Bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố nhưng người có quyền và nghĩa vụ liên quan không rút hoặc chỉ rút một phần yêu cầu độc lập thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc giải quyết yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu phản tố của bị đơn. Khi đó, người có quyền, nghĩa vụ liên quan trở thành nguyên đơn, người nào bị kiện theo yêu cầu độc lập thì trở thành bị đơn.

- Nếu bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt 2 lần mà không có người đại diện tham gia phiên tòa sơ thẩm thì bị coi là từ bỏ yêu cầu phản tố và Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đề nghị xét xử vắng mặt. Bị đơn có quyền khởi kiện lại với yêu cầu phản tố theo quy định của pháp luật.

* Trong phiên tòa sơ thẩm:

Người bảo vệ quyền và lợi ích của bị đơn sẽ trình bày ý kiến của bị đơn đối với yêu cầu phản tố và chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu, đề nghị đó là có căn cứ. Bị đơn khi đó cũng có quyền bổ sung ý kiến. Khi đó trong bản án sơ thẩm, nội dung và nhận định của Tòa án phải ghi yêu cầu phản tố của bị đơn.

(Đội ngũ Luật sư Công ty Luật TNHH Sao Sáng tham gia phiên Toà)

Phản tố của bị đơn trong Tố tụng dân sự được coi là một quyền cơ bản, đảm bảo nguyên tắc quyền tự định đoạt của đương sự trong việc quyết định quyền và lợi ích hợp pháp của mình tại Tòa án. Tuy nhiên, việc đảm bảo cho việc thực hiện quyền phản tố của bị đơn vẫn còn nhiều hạn chế, do vậy, các nhà làm luật cũng như các cơ quan tư pháp cần có những sửa đổi, bổ sung về mặt lập pháp và thi hành để đảm bảo quyền và lợi ích cho các đương sự.

Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng!

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .