Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong tố tụng hình sự Việt Nam
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng là cơ quan có thẩm quyền tiến hành các hoạt động giải quyết thông tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi tội phạm, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội.
Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng gồm: Cơ quan tiến hành tố tụng và cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Cơ quan tiến hành tố tụng có chức năng chính là tiến hành các hoạt động tố tụng để giải quyết vụ án hình sự. Cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.
Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là cơ quan không có chức năng chính tiến hành tố tụng để giải quyết vụ án hình sự, nhưng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự, gồm: Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Công an nhân dân, các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thuộc Quân đội nhân dân.
1/ Cơ quan điều tra
Cơ quan điều tra là cơ quan có chức năng chính là tiếp nhận, giải quyết thông tin về tội phạm, tiến hành điều tra các tội phạm để phát hiện, xác định tội phạm, người thực hiện hành vi phạm tội và đề nghị truy tố.
Theo Điều 4 Luật tổ chức Cơ quan điều tra hình sự năm 2015, hệ thống Cơ quan điều tra gồm:
+ Cơ quan điều tra của Công an nhân dân,
+ Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân,
+ Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo quy định tại Điều 5 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra của Công an nhân dân bao gồm:
+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an;
+ Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh);
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh);
+ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).
Theo quy định tại Điều 6 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra trong Quân đội nhân dân bao gồm:
+ Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng;
+ Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương;
+ Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng;
+ Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương;
+ Cơ quan điều tra hình sự khu vực.
Theo quy định tại Điều 7 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm:
+ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
+ Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự Trung ương.
Theo quy định tại Điều 8 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, Cơ quan điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao; tiến hành điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố; tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.
2/ Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra là các cơ quan quản lý nhà nước, được tiến hành một số hoạt động điều tra trong một thời gian nhất định đối với tội phạm xảy ra trong lĩnh vực mình quản lý, sau đó chuyển cho cơ quan tiến hành tố tụng để giải quyết tiếp vụ án.
Các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: các cơ quan của Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Cảnh sát biển, Kiểm ngư và các cơ quan khác trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.
Điều 9 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015 quy định:
-
Các cơ quan của Bộ đội biên phòng được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra gồm: Cục trinh sát biên phòng; Cục Phòng, chống ma túy và tội phạm; Đoàn đặc nhiệm phòng chống ma túy và tội phạm; Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng cấp tỉnh; Ban Chỉ huy Biên phòng Cửa khẩu cảng, Đồn biên phòng.
-
Các cơ quan của Hải quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Cục Điều tra chống buôn lậu; Cục Kiểm tra sau thông quan; Cục Hải quan tỉnh, liên tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Chi cục Hải quan cửa khẩu.
-
Các cơ quan của Kiểm lâm được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Cục Kiểm lâm; Chi cục Kiểm lâm vùng, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Hạt Kiểm lâm.
-
Các cơ quan của lực lượng Cảnh sát biển được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển; Bộ Tư lệnh vùng Cảnh sát biển; Cục Nghiệp vụ và pháp luật; Đoàn đặc nhiệm phòng, chống tội phạm ma túy; Hải đoàn; Hải đội; Đội nghiệp vụ.
-
Các cơ quan của Kiểm ngư được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Cục Kiểm ngư, Chi cục Kiểm ngư vùng.
-
Các cơ quan của Công an nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Cục Cảnh sát giao thông, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát giao thông; Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường; Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Trại giam; Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Phòng Quản lý xuất nhập cảnh; các cục nghiệp vụ an ninh ở Bộ Công an; các phòng nghiệp vụ an ninh ở Công an cấp tỉnh và Đội An ninh ở Công an cấp huyện.
-
Các cơ quan khác trong Quân đội nhân dân được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra bao gồm: Trại giam; đơn vị độc lập cấp trung đoàn và tương đương.
Theo quy định tại Điều 10 Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự năm 2015, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có nhiệm vụ, quyền hạn: Khi thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực quản lý của mình mà tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm hoặc phát hiện hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì tiến hành các hoạt động kiểm tra, xác minh và điều tra theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
3/ Viện kiểm sát
Viện kiểm sát là cơ quan có chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp. Hệ thống Viện kiểm sát gồm có: Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là VIện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh), Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện), Viện kiểm sát quân sự các cấp.
Viện kiểm sát thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự.
Quyền công tố là quyền xem xét quyết định việc truy tố người phạm tội ra trước Tòa án để xét xử. Thực hành quyền công tố là thực hiện các hoạt động tố tụng hình sự để đưa người phạm tội ra truy tố trước Tòa án.
Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn: Yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định; quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội; trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội; điều tra các tội xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật; quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố; quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên tòa; kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội đối với người phạm tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.
Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự là kiểm sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết thông tin về tội phạm, khởi tố, điều tra, truy tố, xét ử, một số hoạt động về thi hành án và kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan nhằm bảo đảm pháp luật được tuân thủ nghiêm chỉnh.
Khi thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong tố tụng hình sự, Viện kiểm sát có nhiệm vụ, quyền hạn: Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng hình sự theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tố tụng thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong tố tụng hình sự; trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong tố tụng hình sự; xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cán nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm; kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tố tụng; kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tố tụng hình sự; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền.
4/ Tòa án
Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tổ chức bộ máy của Tòa án bao gồm: Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Tòa án quân sự.
Khi thực hiện nhiệm vụ xét xử vụ án hình sự, Tòa án có nhiệm vụ, quyền hạn: Xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định tố tụng của Điều tra viên, Kiểm sát viên, Luật sư trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử; xem xét việc áp dụng, thay đổi hoặc hủy bỏ biện pháp ngăn chặn; đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án; xem xét, kết luận về tính hợp pháp của các chứng cứ, tài liệu do Cơ quan điều tra, Điều tra viên, Viện kiểm sát, Kiểm sát viên thu thập và do Luật sư, bị can, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác cung cấp; khi xét thấy cần thiết, trả hồ sơ yêu cầu Viện kiểm sát điều tra bổ sung; yêu cầu Viện kiểm sát bổ sung tài liệu, chứng cứ hoặc Tòa án kiểm tra, xác minh, thu thập, bổ sung chứng cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự; xét xử vụ án hình sự; yêu cầu Điều tra viên, Kiểm sát viên và những người khác trình bày về các vấn đề có liên quan đến vụ án tại phiên tòa; phúc thẩm những vụ án hình sự mà bản án, quyết định sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng cáo, kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án mà bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp dưới bị kháng nghị theo quy định của pháp luật tố tụng; ra quyết định thi hành bản án hình sự….
Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả. Trân trọng Kính chào!