Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

ĐIỀU KIỆN TRỞ THÀNH NGƯỜI ĐẠI DIỆN CỦA ĐƯƠNG SỰ TRONG TỐ TỤNG DÂN SỰ

10:50 SA
Thứ Hai 10/07/2023
 297

Trong tố tụng dân sự, để giải quyết một vụ việc dân sự cần có sự tham gia của rất nhiều chủ thể với các quyền và nghĩa vụ khác nhau. Trong thực tiễn xét xử các vụ việc dân sự, sự tham của người đại diện của đương sự có ý nghĩa rất lớn đối với việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự cũng như việc làm rõ sự thật của vụ việc dân sự. Vậy điều kiện nào để trở thành người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự? Mời quý vị theo dõi bài viết sau đây.

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật dân sự 2015

Bộ luật tố tụng dân sự 2015.

2. Khái niệm người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

     Trong tố tụng dân sự, để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình các đương sự thường tự mình thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của họ. Tuy vậy, trong một số trường hợp người khác có thể tham gia tố tụng thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng của đương sự để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự. Đó là người đại diện của đương sự.

Người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự là người tham gia tố tụng dân sự thay mặt đương sự thực hiện các quyền, nghĩa vụ tố tụng để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho đương sự trước toà án.

3. Phân loại người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự

     Các quan hệ pháp luật tố tụng dân sự có tính chất đa dạng nên người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự cũng rất đa dạng. Dựa vào ý chí của đương sự, pháp luật tố tụng dân sự hiện hành chia người đại diện thành hai loại: Người đại diện theo pháp luật và người đại diện theo ủy quyền. Tuy nhiên, nếu dựa vào cơ sở tham gia tố tụng của người đại diện thì có thể chia người đại diện thành ba loại: người đại diện theo pháp luật, người đại diện do tòa án chỉ định và người đại diện theo ủy quyền.

4. Một số vấn đề về điều kiện trở thành người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự.

    Người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân (Khoản 1 Điều 85 Bộ luật tố tụng dân sự 2015): Quy định này của Bộ luật tố tụng dân sự nhằm thống nhất với sự sửa đổi về quy định về người giám hộ trong Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể những tổ chức được thực hiện chức năng giám hộ trong Bộ luật dân sự 2015 là những tổ chức có tư cách pháp nhân và đi kèm với những điều kiện mà pháp nhân phải đáp ứng khi tham gia hoạt động giám hộ. Việc quy định về người đại diện của đương sự có thể là cá nhân hoặc pháp nhân làm rõ hơn khả năng làm người đại diện của pháp nhân, chủ thể pháp nhân nhận thức rõ hơn về khả năng của mình và chủ động trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ đứng ra bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. 

     Người đại diện của đương sự là cá nhân có năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc là pháp nhân có năng lực chủ thể: Theo quy định của pháp luật thì người có năng lực hành vi tố tụng dân sự là người từ đủ 18 tuổi trở lên không bị hạn chế năng lực hành vi tố tụng dân sự hoặc mất năng lực hành vi dân sự. Với trường hợp người đại diện là pháp nhân theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì pháp nhân cũng phải đảm bảo năng lực chủ thể. Năng lực chủ thể của pháp nhân bao gồm hai yếu tố là năng lực pháp luật tố tụng dân sự và năng lực hành vi tố tụng dân sự. Năng lực hành vi tố tụng dân sự của pháp nhân xuất hiện đồng thời với năng lực pháp luật tố tụng dân sự khi pháp nhân được thành lập.

     Người đại diện phải không thuộc các trường hợp không được làm người đại diện cho đương sự được quy định tại Điều 87 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, bao gồm:

     Thứ nhất, nếu họ cũng là đương sự trong cùng một vụ việc với người được đại diện mà quyền và lợi ích hợp pháp của họ đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện hoặc họ đang là người đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự cho một đương sự khác mà quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự đó đối lập với quyền và lợi ích hợp pháp của người được đại diện trong cùng một vụ việc.

    Thứ hai, trong trường hợp họ là cán bộ, công chức trong các cơ quan Tòa án, Kiểm sát, Công an không được làm người đại diện trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp họ tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện cho cơ quan của họ hoặc với tư cách là người đại diện theo pháp luật. Pháp luật quy định như vậy vì họ là những cán bộ, công chức nhà nước trong hệ thống tư pháp, nếu họ tham gia tố tụng với tư cách người đại diện cho đương sự thì họ có thể làm ảnh hưởng tiêu cực đến cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng,...gây tác động đến công tác xét xử và đưa ra phán quyết của Tóa án.

 

Trên đây là bài viết của chúng tôi về chủ đề “ Điều kiện trở thành người đại diện của đương sự trong tố tụng dân sự”. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .