Án lệ là gì? Án lệ được công bố bãi bỏ trong trường hợp nào?
Án lệ là gì? Án lệ được bãi bỏ trong trường hợp nào? Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, mời quý vị hãy theo dõi bài viết dưới đây
Căn cứ pháp lý: Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ.
I. Án lệ là gì? Hiện nay Việt Nam có bao nhiêu án lệ được công bố?
Tại Việt Nam, việc hình thành, công nhận và áp dụng án lệ được đánh dấu bởi sự ra đời của Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 2/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.
Nhằm thể chế hoá tinh thần của Nghị quyết 49 nêu trên, Hội đồng tư pháp đã ban hành Nghị quyết số 03/2015/NQ-HĐTP và sau đó được thay thế bởi Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP để quy định về quy trình lựa chọn, công bố và áp dụng án lệ, đồng thời đưa ra khái niệm chính thức về án lệ.
Cụ thể, Điều 1 Nghị quyết số 04/2019/NQ-HĐTP định nghĩa về án lệ như sau:
“Án lệ là những lập luận, phán quyết trong bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Toà án về một vụ việc cụ thể được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn và được Chánh án Toà án nhân dân tối cao công bố là án lệ để các Toà án nghiên cứu, áp dụng trong xét xử.”
Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện nay đã xây dựng khái niệm đầy đủ về thuật ngữ án lệ. Trong đó, án lệ được xác định không phải là toàn bộ bản án, quyết định của Toà án mà chỉ là các nội dung chứa đựng lập luận để giải thích những vấn đề, sự kiện pháp lý, chỉ đưa ra nguyên tắc hoặc quy phạm pháp luật cần áp dụng hoặc là lý do để Toà án đưa ra phán quyết.
Không phải bất kỳ phán quyết có hiệu lực pháp luật nào của Toà án cũng có thể trở thành án lệ. Để được xem là án lệ thì bản án, quyết định của Toà án cần phải thoả mãn một số điều kiện nhất định.
Cho đến thời điểm hiện tại, Việt Nam có 63 án lệ được Toà án nhân dân tối cao công bố.
II. Án lệ đã công bố bãi bỏ khi nào?
Theo Điều 9 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, việc bãi bỏ án lệ được quy định như sau:
- Án lệ đương nhiên bị bãi bỏ trong trường hợp án lệ không còn phù hợp do có sự thay đổi của pháp luật.
- Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao xem xét, quyết định, việc bãi bỏ án lệ thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Án lệ không còn phù hợp do chuyển biến tình hình;
+ Bản án, quyết định có nội dung được lựa chọn phát triển thành án lệ đã bị huỷ, sửa toàn bộ hoặc phần liên quan đến án lệ.
III. Thủ tục bãi bỏ án lệ
Căn cứ quy định tại Điều 10 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, thủ tục bãi bỏ án lệ tiến hành như sau:
- Cá nhân, cơ quan, tổ chức, Toà án kiến nghị với Toà án nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ khi phát hiện án lệ thuộc trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 9 Nghị quyết 04/2019/NQHĐTP.
- Toà án đã huỷ, sửa bản án, quyết định thuộc trường hợp hướng dẫn tại điểm b khoản 2 Điều 9 Nghị quyết 04/2019/NQHĐTP phải gửi báo cáo kèm theo quyết định đã huỷ, sửa về Toà án nhân dân tối cao để xem xét việc bãi bỏ án lệ trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định.
- Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được kiến nghị, báo cáo theo hướng dẫn nêu trên, Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toá nhân nhân dân tối cao xem xét việc bãi bỏ án lệ.
Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao họp biểu quyết thông qua việc bãi bỏ án lệ theo nguyên tắc hướng dẫn tại khoản 3 Điều 6 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP.
Trên cơ sở kết quả biểu quyết của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao, Chánh án Toà án nhân dân tối cao ban hành thống báo bãi bỏ án lệ, trong đó xác định rõ thời điểm án lệ bị bãi bỏ.
Thông báo bãi bỏ án lệ được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Toà án nhân dân tối cao; được gửi cho các Toà án, các đơn vị thuộc Toà án nhân dân tối cao.
IV. Khi nào án lệ được thông qua?
Việc thông qua án lệ thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP, cụ thể:
- Chánh án Toà án nhân dân tối cao tổ chức phiên họp toàn thể Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao để thảo luận, biểu quyết thông qua án lệ.
- Án lệ được xem xét thông qua khi thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Được phát triển từ bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Toà án và đã được lấy ý kiến theo hướng dẫn tại Điều 4 và Điều 5 Nghị quyết 04/2019/NQ-HĐTP
+ Được Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao đề xuất;
+ Được Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân cấp cao đề xuất;
+ Được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao lựa chọn khi xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm.
- Phiên họp Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham gia; quyết định của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao phải được quá nửa tổng số thành viên Hội đồng Thẩm phán biểu quyết tán thành.
- Kết quả biểu quyết phải được ghi vào biên bản phiên họp lựa chọn, thông qua án lệ của Hội đồng Thẩm phán và là căn cứ để Chánh án Toà án nhân tối cao công bố án lệ.
Trên đây là tư vấn của của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!