Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

NGƯỜI MẤT TÍCH CÓ ĐƯỢC HƯỞNG DI SẢN THỪA KẾ KHÔNG?

16:29 CH
Thứ Ba 20/08/2024
 39

Phân chia di sản thừa kế khi một trong những người thừa kế mất tích là thắc mắc chung của nhiều người có quyền hưởng di sản thừa kế. Khi gặp phải trường hợp này, đa phần những người được hưởng di sản thừa kế không biết phải giải quyết như thế nào để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình và tránh xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp. Vậy trường hợp này được giải quyết như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.

1. Trường hợp nào được coi là người mất tích

Theo khoản 1 Điều 68 Bộ luật Dân sự 2015 quy định như sau:

“Điều 68. Tuyên bố mất tích

1. Khi một người biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự nhưng vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích.

Thời hạn 02 năm được tính từ ngày biết được tin tức cuối cùng về người đó; nếu không xác định được ngày có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của tháng tiếp theo tháng có tin tức cuối cùng; nếu không xác định được ngày, tháng có tin tức cuối cùng thì thời hạn này được tính từ ngày đầu tiên của năm tiếp theo năm có tin tức cuối cùng.”

Căn cứ quy định trên, Tòa án sẽ ra tuyên bố một người mất tích khi người đó biệt tích 02 năm liền trở lên, mặc dù đã áp dụng đầy đủ các biện pháp thông báo, tìm kiếm theo quy định pháp luật những vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống hay đã chết.

Bên cạnh đó, điểm a khoản 1 Điều 71 Bộ luật Dân sự 2015 quy định rằng người có quyền và lợi ích liên quan có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định tuyên bố một người là đã chết trong trường hợp sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích của Tòa án có hiệu lực pháp luật mà vẫn không có tin tức xác thực về việc người đó còn sống.

Theo quy định này, người bị Tòa án tuyên bố mất tích vẫn được xác định là còn sống cho đến khi Tòa án ra quyết định tuyên bố người đó đã chết sau 03 năm kể từ ngày quyết định tuyên bố mất tích có hiệu lực. Điều này đồng nghĩa với việc người bị tuyên bố mất tích vẫn được coi là còn sống và có quyền hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật cho đến khi có quyết định tuyên bố họ đã chết.

Người nhận thừa kế mất tích nhiều năm phân chia thừa kế như thế nào?

2. Người mất tích có được hưởng di sản thừa kế không

Theo quy định tại Điều 613 Bộ luật Dân sự năm 2015 có quy định về người thừa kế như sau: “Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế.”

Theo quy định của Bộ luật Dân sự hiện nay, một người hưởng di sản thừa kế do cha mẹ để lại theo một trong hai cách: Theo di chúc cha mẹ để lại hoặc được chia thừa kế theo pháp luật.

* Hưởng di sản theo di chúc:

Tại Điều 643 Bộ luật Dân sự, di chúc có hiệu lực từ thời điểm mở thừa kế và không có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần nếu:

- Người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc;

- Trường hợp có nhiều người thừa kế theo di chúc mà có người chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc, một trong nhiều cơ quan, tổ chức được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế thì chỉ phần di chúc có liên quan đến cá nhân, cơ quan, tổ chức này không có hiệu lực;

- Di chúc không có hiệu lực, nếu di sản để lại cho người thừa kế không còn vào thời điểm mở thừa kế; nếu di sản để lại cho người thừa kế chỉ còn một phần thì phần di chúc về phần di sản còn lại vẫn có hiệu lực...

Như vậy, việc người được chỉ định hưởng thừa kế theo di chúc mất tích không phải điều kiện để di chúc không có hiệu lực. Nên nếu trong di chúc, cha mẹ vẫn để lại tài sản cho người con đã mất tích thì người này vẫn được hưởng phần di sản này.

* Hưởng di sản theo pháp luật:

Nếu thừa kế được chia theo pháp luật thì tại Điều 651 Bộ luật Dân sự, những người thừa kế được hưởng di sản theo thứ tự

- Hàng thừa kế thứ nhất: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

- Hàng thừa kế thứ 2: Ông bà nội, ông bà ngoại, anh chị em ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại

- Hàng thừa kế thứ 3: Cụ nội, cụ ngoại của người chết; Bác, chú, cậu, cô, dì ruột của người chết; Cháu ruột của người chết mà người chết là bác, chú, cậu, cô, dì ruột; Chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Trong đó, những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau và chỉ khi hàng thừa kế trước không còn ai do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

Như vậy, việc mất tích của một người không phải điều kiện để người thuộc hàng thừa kế trước không được hưởng di sản. Do đó, khi di sản thừa kế của cha mẹ được chia theo pháp luật thì người mất tích vẫn được hưởng.

3. Tài sản của người mất tích được hưởng thừa kế của cha mẹ thì do ai quản lý?

Căn cứ tại Điều 69 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích như sau:

“Điều 69. Quản lý tài sản của người bị tuyên bố mất tích

Người đang quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú quy định tại Điều 65 của Bộ luật này tiếp tục quản lý tài sản của người đó khi người đó bị Tòa án tuyên bố mất tích và có các quyền, nghĩa vụ quy định tại Điều 66 và Điều 67 của Bộ luật này.

Trường hợp Tòa án giải quyết cho vợ hoặc chồng của người bị tuyên bố mất tích ly hôn thì tài sản của người mất tích được giao cho con thành niên hoặc cha, mẹ của người mất tích quản lý; nếu không có những người này thì giao cho người thân thích của người mất tích quản lý; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”

Theo quy định tại Điều 65 của Bộ luật Dân sự 2015, việc quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cũng được quy định rõ ràng như sau:

“Điều 65. Quản lý tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú

1. Theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án giao tài sản của người vắng mặt tại nơi cư trú cho người sau đây quản lý

a) Đối với tài sản đã được người vắng mặt ủy quyền quản lý thì người được ủy quyền tiếp tục quản lý;

b) Đối với tài sản chung thì do chủ sở hữu chung còn lại quản lý;

c) Đối với tài sản do vợ hoặc chồng đang quản lý thì vợ hoặc chồng tiếp tục quản lý; nếu vợ hoặc chồng chết hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì con thành niên hoặc cha, mẹ của người vắng mặt quản lý.

2. Trường hợp không có những người được quy định tại khoản 1 Điều này thì Tòa án chỉ định một người trong số những người thân thích của người vắng mặt tại nơi cư trú quản lý tài sản; nếu không có người thân thích thì Tòa án chỉ định người khác quản lý tài sản.”

Như vậy, theo quy định trên thì tài sản của người mất tích được hưởng thừa kế của cha mẹ thì phần tài sản đó sẽ được giao cho người thân thích hoặc người quản lý tài sản do Tòa án chỉ định.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2 Điều 70 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích như sau: “Người bị tuyên bố mất tích trở về được nhận lại tài sản do người quản lý tài sản chuyển giao sau khi đã thanh toán chi phí quản lý”. Vì thế, người mất tích trở về sẽ được nhận lại tài sản (bao gồm cả phần di sản được hưởng thừa kế) sau khi đã thanh toán chi phí quản lý cho người quản lý tài sản.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .