Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

NHỮNG ĐIỂM MỚI VỀ CHỨNG MINH, CHỨNG CỨ TRONG BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ HIỆN HÀNH

13:39 CH
Thứ Sáu 22/07/2022
 1796

Chứng minh và chứng cứ là một trong các chế định quan trọng nhất của Bộ luật tố tụng dân sự (BLTTDS). Thực tế trong thời gian vừa qua, chế định này đã bộc lộ nhiều những bất cập dù cho BLTTDS năm 2015 đã có những điểm mới tích cực so với BLTTDS năm 2004 như quy định nghĩa vụ giao nộp chứng cứ của đương sự, chứng cứ đương sự giao nộp đến đâu tòa án xét xử đến đấy.

Xuất phát từ mô hình tố tụng của nước ta là xét hỏi kết hợp với tranh tụng, trong đó phạm vi tranh tụng bắt đầu từ khi nộp đơn khởi kiện đến khi giải quyết xong vụ án. Nguyên tắc tranh tụng đòi hỏi trách nhiệm của đương sự trong việc đưa ra tài liệu chứng cứ và ở mức độ nào đó Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải có trách nhiệm thu thập tài liệu chứng cứ, để đảm bảo cho việc tranh tụng. Cho nên, so với BLTTDS 2004, BLTTDS 2015 đã có những sửa đổi bổ sung căn bản về chế định này.

Thứ nhất: Về nghĩa vụ chứng minh. Trước đây BLTTDS 2004 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về người yêu cầu. Nguyên đơn khởi kiện thì phải chứng minh yêu cầu đó có căn cứ và hợp pháp; bị đơn phản đối yêu cầu thì phải chứng minh phản đối của mình có căn cứ; người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập thì phải chứng minh yêu cầu của mình. Nếu không chứng minh được thì họ phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên trên thực tế có những người yếu thế, họ không thể chứng minh được yêu cầu của mình. Vì vậy, để bảo vệ người yếu thế, BLTTSD 2015 đã có đổi mới khi thêm quy định một số trường hợp đặc thù thì nghĩa vụ chứng minh thuộc về người bị yêu cầu, cụ thể:

Nguyên đơn khởi kiện trong trường hợp bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng, thì nguyên đơn không phải chứng minh phần lỗi đối với người tiêu dùng mà trường hợp này được quy định ở Điều 42 Luật bảo vệ người tiêu dùng, Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại.

Đối với người lao động khi tranh chấp những vụ án lao động mà những tài liệu để giải quyết tranh chấp lao động lại nằm ở tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, không phải do người lao động nắm giữ. Trường hợp này người lao động có quyền yêu cầu tòa án, yêu cầu người sử dụng lao động phải chứng minh việc đó. Đặc biệt đối với trường hợp mà việc sa thải, đơn phương đình chỉ hợp đồng thì BLTTDS 2015 quy định nghĩa vụ chứng minh thuộc về trách nhiệm của người sử dụng lao động, không phải trách nhiệm của người lao động.

Điều 91 BLTTDS năm 2015 cũng quy định trong trường hợp để đảm bảo cho việc tố tụng là tranh tụng thì trách nhiệm chứng minh là của đương sự, nếu đương sự không chứng minh được, không cung cấp đủ tài liệu chứng cứ chứng minh, thì Tòa án thu thập tài liệu chứng cứ chứng minh đến đâu, sẽ giải quyết đến đó. Nếu đương sự không chứng minh được sẽ không bảo vệ được quyền của mình.

Thứ hai: Về nguồn chứng cứ xác định chứng cứ: Trên cơ sở kế thừa BLTTDS 2004, Điều 94 BLTTDS năm 2015 quy định 10 nguồn của chứng cứ, trong đó bổ sung thêm các nguồn: Dữ liệu điện tử; văn bản ghi nhận sự kiện pháp lý do người có chức năng lập; văn bản công chứng, chứng thực. Tương ứng Điều 95 BLTTDS 2015 quy định cách xác định tài liệu trên là chứng cứ. Thứ nhất: Thông điệp dữ liệu điện tử được thể hiện dưới hình thức trao đổi dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử, điện tín, điện báo, fax và các hình thức tương tự khác theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Thứ 2: Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập tại chỗ được tiến hành theo đúng thủ tục do pháp luật quy định. Ví dụ như vi bằng của Thừa phát lại, được xem là chứng cứ vì Quốc hội cho thành lập tổ chức Thừa phát lại, cho nên khi Thừa phát lại lập vi bằng để xác lập một sự kiện pháp lý nào, hành vi pháp lý nào thì hành vi pháp lý đó cũng là 1 văn bản, một tài liệu về chứng cứ của vụ án. Thứ ba: Đối với văn bản có công chứng, chứng thực là chứng cứ của vụ án, nếu việc công chứng, chứng thực được thực hiện theo đúng thủ tục do pháp luật quy định.

Thứ ba : Về giao nộp chứng cứ: Xuất phát từ mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp với tranh tụng, trong đó có yêu cầu đảm bảo giải quyết vụ án đúng sự thật khách quan, đúng bản chất. Do vậy, đặt ra việc giao nộp chứng cứ phải đầy đủ, chặt chẽ. Điều 96 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ giao nộp chứng cứ cho Tòa án, quy trình giao nộp chứng cứ phải lập biên bản. Thời hạn giao nộp chứng cứ cũng được BLTTDS 2015 quy định chặt chẽ hơn: phải giao nộp chứng cứ ở trong giai đoạn chuẩn bị xét xử. Trách nhiệm của thẩm phán không phải chứng cứ đương sự cung cấp đến đâu giải quyết đến đấy như quy định của BLTTDS 2004. Điều 96 BLTTDS 2015 quy định đương sự có nghĩa vụ giao nộp tài liệu chứng cứ, còn thẩm phán có trách nhiệm xem xét, nếu thấy tài liệu chứng cứ mà đương sự giao nộp chưa đủ thì thẩm phán phải có trách nhiệm yêu cầu đương sự cung cấp tài liệu, chứng cứ. Nếu đã yêu cầu mà đương sự không cung cấp tài liệu chứng cứ thì thuộc trách nhiệm của đương sự. Sau khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử, đương sự muốn cung cấp tài liệu chứng cứ này thì phải nói rõ lý do vì sao trước đây không cung cấp được. Tòa chỉ chấp nhận khi nào có lý do chính đáng, để tránh trường hợp nhằm kéo dài vụ án, gây khó khăn cho việc giải quyết. Còn đối với những chứng cứ nào mà tòa án chưa yêu cầu đương sự cung cấp thì BLTTDS 2015 quy định đương sự có quyền giao nộp tại phiên tòa cũng như trong các giai đoạn tố tụng khác.         

Một điểm mới nữa đảm bảo các chứng cứ được công khai để thực hiện việc tranh tụng đó là trong trong trường hợp đương sự giao nộp tài liệu chứng cứ, thì đương sự phải giao bản sao cho các đương sự khác. Liên quan đến quy định này, tại Điều 208, 210 BLTTDS 2015 quy định trong giai đoạn chuẩn bị xét xử, Tòa án phải mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải. Một trong các nội dung của phiên họp để kiểm tra việc các đương sự có gửi tài liệu, chứng cứ cho nhau hay không. Tránh trường hợp tuy luật có quy định nghĩa vụ nhưng đương sự lại không thực hiện thì tại phiên họp đương sự được tiếp cận các tài liệu chứng cứ này.

Thứ tư: Về thu thập chứng cứ. Trước đây BLTTDS 2004 chưa quy định rõ cơ quan, tổ chức, cá nhân thu thập tài liệu chứng cứ bằng các biện pháp nào. Hoạt động thu thập tài liệu, chứng cứ có thể được tiến hành trước khi khởi kiện để đảm bảo chuẩn bị cho việc khởi kiện. Để xác lập quyền này làm cơ sở có điều kiện thực hiện tranh tụng, đồng thời xuất phát từ mô hình tố tụng xét hỏi kết hợp với tranh tụng, cho nên vai trò của người tiến hành tố tụng không chỉ giới hạn ở việc chỉ giải quyết trong phạm vi chứng cứ do đương sự cung cấp. Trách nhiệm của người tiến hành tố tụng đặc biệt là của thẩm phán, trong quá trình giải quyết vụ án phải thu thập đầy đủ các tài liệu chứng cứ cần thiết cho việc giải quyết vụ án được khách quan toàn diện, thông qua các biện pháp như: lấy lời khai đương sự, lấy lời khai người làm chứng, đối chất, thẩm định tại chỗ, giám định, định giá tài sản ... Bộ luật TTDS 2015 cũng quy định rất cụ thể, trường hợp nào lấy lời khai, trường hợp nào đối chất ... ví dụ thẩm phán chỉ tiến hành lấy lời khai khi nào đương sự đã trình bày mà có điểm chưa rõ. Quy định nghĩa vụ của thẩm phán trong 3 ngày làm việc kể từ khi thu thập tài liệu, chứng cứ, phải thông báo về tài liệu, chứng cứ đó cho đương sự. Điều 97 BLTTDS 2015 đã thể hiện được 2 yêu cầu: yêu cầu thứ nhất trong tranh tụng là đương sự có quyền thu thập chứng cứ để cung cấp cho Tòa án; yêu cầu thứ hai là xác định trách nhiệm vai trò của Tòa án, của thẩm phán trong việc thu thập tài liệu chứng cứ theo luật định.

Về việc thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát: Theo quy định của BLTTDS 2004, Viện kiểm sát thu thập tài liệu, chứng cứ để đảm bảo thực hiện thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Như vậy, ngoài trường hợp trên, Viện kiểm sát không có quyền thu thập tài liệu chứng cứ. Các biện pháp thu thập tài liệu, chứng cứ của Viện kiểm sát theo quy định tại BLTTDS 2015 mở rộng hơn so với BLTTDS 2004, không chỉ giới hạn ở biện pháp “Yêu cầu đương sự, cá nhân, cơ quan, tổ chức cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng” như quy định của BLTTDS 2004 mà Viện kiểm sát sẽ được áp dụng đầy đủ các biện pháp để thu thập tài liệu, chứng cứ.

Trên đây là một số quan điểm của người viết về vấn đề chứng cứ, chứng minh trong tố tụng dân sự và những điểm mới về chứng minh, chứng cứ trong BLTTDS 2015 so với BLTTDS 2004. Rất mong nhận được sự trao đổi của bạn đọc.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .