Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Cơ chế hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, phường, thị trấn khi có tranh chấp đất đai xảy ra

0:03 SA
Thứ Hai 05/07/2021
 1204

Vấn đề tranh chấp đất đai là luôn xảy ra phổ biến trong xã hội. Rất khó để có thể hạn chế tranh chấp, khi xảy ra tranh chấp rồi thì làm thế nào để giải quyết các tranh chấp? Đó là vấn đề được nhiều cấp chính quyền quan tâm. Hòa giải là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết tranh chấp đất đai. Tuy nhiên điều đáng nói là pháp luật về hòa giải đối với tranh chấp đất đai hiện nay chưa có sự thống nhất, chưa có quy định cụ thể.Từ đó gây khó khăn cho việc giải quyết tranh chấp đất đai trên thực tế.

1. Hoà giải tranh chấp đất đai là gì?

Đầu tiên cần phải hiểu tranh chấp đất đai là gì?

Trong bất kỳ xã hội nào, đất đai luôn có vai trò và vị trí quan trọng đối với con người, góp phần quyết định sự phát triển phồn vinh của mỗi quốc gia. Cùng với sự phát triển của sản xuất và đời sống nhu cầu sử dụng đất của con người ngày càng phong phú và đa dạng hơn. Xuất phát từ lợi ích của các giai tầng trong xã hội, dựa trên sự đòi hỏi của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, nhà nước sử dụng pháp luật để điều chỉnh các quan hệ đất đai nhằm tạo lập một môi trường pháp lý lành mạnh cho hoạt động khai thác và sử dụng hợp lý có hiệu quả. Đồng thời tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc để giải quyết những tranh chấp đất đai nảy sinh.

Tranh chấp đất đai biểu hiện ở các dạng khác nhau như tranh chấp đất đường đi, ngõ xóm, ranh giới đất ở, đất vườn; đất sản xuất thuộc quyền sử dụng của hộ gia đình và mâu thuẫn bất đồng của các chủ thể đó không thể tự mình điều hòa được thì tranh chấp nảy sinh và cần phải đến sự can thiệp của nhà nước, của cộng đồng xã hội.

Như vậy tranh chấp đất đai theo khoản 24 Điều 3 luật đất đai năm 2013 định nghĩa như sau: “Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai”.

Thứ hai, về hoà giải tranh chấp đất đai.

Theo từ điển Luật học, “Hoà giải là tự chấm dứt việc xích mích, tranh chấp giữa các bên bằng sự thương lượng với nhau hoặc qua sự trung gian của một người khác. Hoà giải thành thì giữ gìn được sự đoàn kết giữa các bên, tránh được việc kiện tụng kéo dài, tốn kém và những trường hợp chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà biến thành việc hình sự”.

“Hoà giải tranh chấp đất đai” là một thuật ngữ được sử dụng khá phổ biến trong các văn bản pháp Luật Đất đai tuy nhiên lại chưa được giải thích cụ thể trong Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Căn cứ vào quan niệm chung về hoà giải, các đặc điểm về tranh chấp đất đai ở Việt Nam cũng như những quy định cụ thể về hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai của pháp luật hiện hành, hòa giải tranh chấp đất đai có thể định nghĩa như sau:

“Hòa giải tranh chấp đất đai là biện pháp pháp lý giải quyết các tranh chấp đất đai liên quan đến quyền sử dụng đất, theo đó bên thứ ba độc lập giữ vai trò trung gian giữa các bên, giúp các bên có tranh chấp tìm kiếm những giải pháp thích hợp cho việc giải quyết các tranh chấp về quyền, lợi ích liên quan đến quyền sử dụng đất và thương lượng với nhau về quyền lợi của mình”.

2. Quy định của pháp luật về hoà giải tranh chấp đất đai tại UBND cấp xã, phường, thị trấn

Điều 202. Hòa giải tranh chấp đất đai

“1. Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở.

2. Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương mình; trong quá trình tổ chức thực hiện phải phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân cấp xã được thực hiện trong thời hạn không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.

4. Việc hòa giải phải được lập thành biên bản có chữ ký của các bên và có xác nhận hòa giải thành hoặc hòa giải không thành của Ủy ban nhân dân cấp xã. Biên bản hòa giải được gửi đến các bên tranh chấp, lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp.

5. Đối với trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới, người sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải đến Phòng Tài nguyên và Môi trường đối với trường hợp tranh chấp đất đai giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau; gửi đến Sở Tài nguyên và Môi trường đối với các trường hợp khác.

Phòng Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định công nhận việc thay đổi ranh giới thửa đất và cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.”

Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn có thể được coi là một trong những điều kiện để Tòa án có thẩm quyền xem xét thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai.

Giá trị pháp lý của việc hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã phường thị trấn biểu hiện ở chỗ cơ quan nhà nước có thẩm quyền có sự công nhận đối với kết quả của Hòa giải tranh chấp. Trong đó đặc điểm đặc biệt là đối với trường hợp hòa giải thành mà có đại mà có thay đổi hiện trạng với ranh giới chủ sử dụng đất. Theo đó ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn Gửi biên bản hòa giải đến phòng Tài nguyên môi trường; Sở tài nguyên môi trường để các cơ quan này Trình ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định việc công nhận thay đổi ranh giới đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện ở cấp xã không phải là việc giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan có thẩm quyền. Ở đây cấp xã, phường, thị trấn không phải là một cấp giải quyết tranh chấp đất đai mà chỉ đóng vai trò trung gian hòa giải, giúp đỡ hướng dẫn các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận xử lý giải quyết ổn thỏa tranh chấp.

Khi tham gia vào quá trình hòa giải tranh chấp đất đai các đương sự có quyền thương lượng thỏa thuận với nhau để giải quyết những bất đồng về quyền, lợi của mình trên cơ sở tự do tự nguyện ý chí thỏa thuận. Mọi sự tác động từ bên ngoài trái ý muốn với các đương sự đều bị coi là trái pháp luật và không được công nhận. Hòa giải tại Ủy ban nhân dân xã phường không được cưỡng ép, bắt buộc các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết những mâu thuẫn tranh chấp đất đai của họ.

Ngoài ra, nhà nước khuyến khích các bên tự hoà giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở, và hầu hết các tranh chấp đất đai đều được hòa giải ở Uỷ ban nhân dân xã, vì việc hòa giải ở cấp cơ sở, hay ở Uỷ ban nhân dân xã nếu thành công thì sẽ có những thuận lợi đó là đỡ ảnh hưởng đến mối quan hệ 2 bên, tiết kiệm thời gian, tiền bạc nên nhà nước luôn khuyến khích. Nên hầu hết các tranh chấp đều phải thông qua hòa giải ở Ủy ban nhân dân xã trước khi khởi kiện ra tòa án.

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .