Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

PHÂN QUYỀN GIẢI QUYẾT CÁC TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

13:55 CH
Thứ Hai 21/08/2023
 311

Giải quyết tranh chấp đất đai là nội dung quan trọng trong quản lý Nhà nước về đất đai. Để thực hiện tốt việc giải quyết tranh chấp đất đai, đòi hỏi người quản lý phải nắm vững những quy định của pháp luật về trình tự thủ tục. Vậy thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được pháp luật quy định như thế nào? Mời quý vị đón xem bài viết sau đây!

CĂN CỨ PHÁP LÝ

Bộ luật tố tụng dân sự 2015

 Luật đất đai 2013

1. Các quy định của pháp luật đất đai hiện hành về phân quyền giải quyết các tranh chấp đất đai

 - Tranh chấp đất đai là sự bất đồng, mâu thuẫn hay xung đột về lợi ích, về quyền và nghĩa vụ giữa các chủ thể khi tham gia vào quan hệ pháp luật đất đai.

Theo Điều 203 Luật đất đai 2013 quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai:

Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

1. Tranh chấp đất đai mà đương sự có Giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất thì do Tòa án nhân dân giải quyết;

2. Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này thì đương sự chỉ được lựa chọn một trong hai hình thức giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định sau đây:

a) Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự;

3. Trường hợp đương sự lựa chọn giải quyết tranh chấp tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thì việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện như sau:

 a) Trường hợp tranh chấp giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

b) Trường hợp tranh chấp mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết; nếu không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính;

4. Người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai tại khoản 3 Điều này phải ra quyết định giải quyết tranh chấp. Quyết định giải quyết tranh chấp có hiệu lực thi hành phải được các bên tranh chấp nghiêm chỉnh chấp hành. Trường hợp các bên không chấp hành sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Như vậy, theo khoản 1 điều này, tranh chấp đất mai đương sự có giấy chứng nhận hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 và tranh chấp về tài sản gắn kiền với đất thì thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân. Căn cứ vào pháp luật hiện hành, thì Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai bằng con đường hòa giải cho các bên tranh chấp. Khi các bên tranh chấp không tự hòa giải hoặc hòa giải không thành thì viết đơn yêu cầu và gửi tới UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) để tổ chức hòa giải. Đây là thủ tục bắt buộc, nếu muốn khởi kiện tại tòa án hoặc yêu cầu UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết thì phải trải qua bước hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp.

Theo Điều 203 Luật đất đai 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ chịu trách nhiệm xử lý tranh chấp đất đai trong trường hợp: Hộ gia đình, cá nhân,cộng đồng dân cư tranh chấp mà không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. Quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc tranh chấp nêu trên là hợp lý. Bởi lẽ, những vụ việc tranh chấp đất đai giữa những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thường nhỏ lẻ, mang tính chất cục bộ, phù hợp với thẩm quyền giao đất, cấp đất và phạm vi quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, khi các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và không có các loại giấy tờ khác làm căn cứ xác định về nguồn gốc đất, về việc sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất thì việc quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan này tiếp cận với các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc đất đai, và sự tham vấn từ các cơ quan chuyên môn liên quan như Phòng tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai… thuận tiện hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai.

- Đối với Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai mà một bên tranh chấp là tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết trong 2 trường hợp sau:

     + Trường hợp 1: Không có giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013. 

     + Trường hợp 2: Chủ tịch UBND cấp huyện giải quyết nhưng các bên không đồng ý mà còn đơn khiếu nại. 

     Có thể thấy, Ủy ban nhân dân các cấp thực hiện các quy định của pháp luật về xây dựng quy dụng dất đai, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, thu hồi đất, quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất... nên đây là những cơ quan thống kê, thu thập đưoc số liệu, tài liệu, chứng cứ chứng minh nguồn gốc sử dụng đất, chủ thể sử dụng đất... một cách nhanh chóng, thuận tiện phục vu cho quá trình giải quyết tranh chấp đất đai.

- Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai như sau:    

     + Trường hợp 1: Các bên tranh chấp mà có: Giấy chứng nhận hoặc ó một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100; và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất. 

     + Trường hợp 2: Các bên tranh chấp không có: Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100.    

     + Trường hợp 3: Các bên không đồng ý với quyết định giải quyết của chủ tịch UBND cấp huyện hoặc cấp tỉnh mà có đơn khởi kiện theo thủ tục tố tụng hành chính. Đối với việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án nhân dân thì không phân biệt các bên tranh chấp là giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hay là tổ chức…Đều có thể khởi kiện tại tòa án theo thủ tục tố tụng dân sự. 

     Toà án là hình thức giải quyết tranh chấp phổ biển nhất. Đây là hình thức giải quyết tranh chấp thông qua cơ quan quyền lực công có chức năng xét xử. Bằng việc đưa ra phán quyết dưới hình thức là một bản án, quyết định, Toà án nhân danh quyền lực Nhà nước giải quyết tranh chấp. Phán quyết của Tòa án có hiệu lực bắt buộc thi hành đối với các bên. Để đảm bảo sự công bằng, khách quan và công minh, pháp luật quy định cho Tòa án một cơ cầu chế hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.  

    Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành đang thuộc về cơ quan hành chính quản lý về đất đai (Ủy ban nhân dân các cấp) và cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân các cấp). Việc quy định phân cấp, phân quyền về giải quyết tranh chấp đất đai cho hai cơ quan này không chỉ nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp đất đai như hiện nay, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, và tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn hơn khi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai. 

2.  Ý nghĩa của hòa giải tranh chấp đất đai trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 - Hòa giải tranh chấp đất đai là để chấm dứ́t việc xích mích, mâu thuẫn, tranh chấp trong sử dụng đất giữa các bên bằng sự thương lượ̣ng hoặc qua sự trung gian củ̉a một cơ quan có thẩm quyền.

 - Theo khoản 1 Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở. Theo đó, hòa giải tự nguyện được thực hiện theo hai hình thức, cụ thể: Các bên tranh chấp tự hòa giải với nhau hoặc hòa giải tại cơ sở thông qua hòa giải viên.   

     + Thứ nhất, hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở góp phần giải quyết kịp thời, từ gốc mâu thuẫn, xích mích, các tranh chấp trong gia đình, cộng đồng dân cư.Từ đó khôi phục, duy trì, củng cố tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, phòng ngừa, hạn chế vi phạm pháp luật, tội phạm, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.Việc để các bên trong quan hệ đó tự đưa ra các phương án thống nhất hoặc theo sự định hướng của chính quyền địa phương sẽ làm giảm bớt mức độ gay gắt của mâu thuẫn.    

    + Thứ hai, việc giải quyết tranh chấp thông qua hòa giải, quan hệ tốt đẹp giữa các bên được duy trì, góp phần giảm bớt khiếu nại, tố cáo, khiếu kiện của nhân dân, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của nhân dân cũng như của Nhà nước, giảm tải áp lực cho cơ quan Tòa án.     

    + Thứ ba, hòa giải tranh chấp đất đai ở cơ sở góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong quản lý xã hội.Đặc trưng cơ bản của hòa giải là bảo đảm quyền tự định đoạt của các bên trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn. Vì vậy, hòa giải là một phương thức để thực hiện dân chủ.   

    + Thứ tư, thông qua hòa giải, đặc biệt là hòa giải ở cơ sở, vai trò tự quản của người dân được tăng cường. Điều đó có ý nghĩa rất quan trọng góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

 - Trong hoạt động giải quyết tranh chấp đất đai nói riêng , hòa giải có tầm quan trọng đặc biệt. Nếu hòa giải thành, có nghĩa là tranh chấp sẽ kết thúc, không những hạn chế được sự phiền hà, tốn kém cho các bên đương sự mà còn giảm bớt được công việc đối với Tòa án, phù hợp với đạo lý tương thân, tương ái của dân tộc , giữ được tình làng, nghĩa xóm, đảm bảo đoàn kết trong nội bộ nhân dân. Hòa giải không chỉ mang lại ý nghĩa cho Tòa án, cho bản thân đương sự mà còn có ý nghĩa đối với trật tự xã hội .

 - Ý nghĩa đối với Tòa án: Nếu tranh chấp đất đai được hòa giải thành công sẽ giúp Tòa án giảm bớt được nhiều thời gian , công sức cho việc giải quyết vụ án . Đặc biệt nếu hòa giải thành trong thời gian chuẩn xử thì Tòa án sẽ không phải mở phiên tòa sơ thẩm và không phải tiến hành các thủ tục xét xử tiếp theo ; nếu hòa giải không thành có thể Tòa án sẽ phải thực hiện như xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm. Mặt khác, nếu làm tốt công tác hòa giải thì không chỉ số lượng xét xử của Tòa án cấp sơ thẩm giảm xuống mà số lượng án ở Tòa án cấp phúc thẩm cũng giảm một cách rõ rệt, hiệu quả xét xử được nâng cao Điều này sẽ không chỉ có ý nghĩa về kinh tế mà còn có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tăng cường uy tín của cơ quan xét xử nói riêng cũng như cơ quan nhà nước nói chung. Ngoài ra , trong trường hợp hòa giải tranh chấp đất đai không thành thì Tòa án cũng có điều kiện nắm vững nội dung tranh chấp, tâm tự nguyện vọng của đương sự để xác định đường xét xử đúng đắn trong quá trình giải quyết vụ án.

 - Ý nghĩa đối với xã hội: Thông qua hòa giải, nhiều tranh chấp đất đai đã được giải quyết mà không cần mở phiên tòa xét xử. Nếu hòa giải không thành thì cũng giúp các bên đương sự hiểu rõ hơn quyền, nghĩa vụ của mình, làm giảm bớt hoặc kiềm chế mâu thuẫn. Như vậy, hòa giải tranh chấp đất đai góp phần vào việc giữ gìn an ninh, trật tự, công bằng xã hội, làm cho quan hệ xã hội phát triển không bằng mệnh lệnh mà bằng giáo dục thuyết phục và sự cảm thông của các thành viên trong xã hội. Mặt khác, hòa giải làm cho sự hiểu biết chính sách pháp luật về đất đai của các đương sự nói riêng và của người dân nói chung được nâng cao. Qua đó, góp phần tăng cường ý thức pháp luật trong nhân dân   

     Thực hiện tốt công tác hòa giải tranh chấp đất đai sẽ góp phần hạn chế mâu thuẫn trong nội bộ quần chúng nhân dân, tăng cường sự đoàn kết gắn bó cũng như tạo sự khắng khít về tình làng, nghĩa xóm, tình thân họ hàng, anh em, gia đình và góp phần đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Vì vậy, để tạo thuận lợi cho công tác hòa giải hòa giải tranh chấp đất đai và việc giải quyết của cơ quan chức năng, các quy định của pháp luật về đất đai, trong đó có công tác hòa giải tranh chấp đất đai cũng cần được hoàn thiện hơn.

Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Trên từng vấn đề cụ thể, nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 – 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .