ƯU ĐÃI ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP CHẾ XUẤT (EPE)
Doanh nghiệp chế xuất (EPE) là một loại hình doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa để xuất khẩu, do đó doanh nghiệp chế xuất có hình thức hoạt động và ưu đãi thuế suất khác so với doanh nghiệp thông thường (non-EPE). Vậy các ưu đãi đầu tư đối với doanh nghiệp chế xuất theo quy định pháp luật như thế nào? Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.
1. Doanh nghiệp chế xuất là gì?
EPE (Enterprise Processing Export) là viết tắt của doanh nghiệp chế xuất. Theo quy định tại Nghị định số 35/2022/NĐ-CP về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế, doanh nghiệp chế xuất là doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng hóa để xuất khẩu và cung cấp các dịch vụ phục vụ hoạt động sản xuất xuất khẩu. Các doanh nghiệp chế xuất được thành lập và hoạt động trong khu chế xuất hoặc khu công nghiệp có chức năng khu chế xuất.
Ngoài ra, doanh nghiệp chế xuất phải đăng ký ngành nghề kinh doanh xuất khẩu và cam kết sản xuất phục vụ thị trường nước ngoài.
2. Phạm vi đầu tư và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chế xuất?
Doanh nghiệp chế xuất chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu hàng hóa. Doanh nghiệp chế xuất cũng có thể bán hàng hóa vào thị trường nội địa, tuy nhiên cần lưu ý, hàng hóa nhập khẩu từ doanh nghiệp chế xuất, khu chế xuất vào thị trường trong nước thuộc đối tượng chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.
Theo Nghị định 31/2021/NĐ-CP và Luật Đầu tư 2020, doanh nghiệp chế xuất muốn mở rộng hoặc thay đổi ngành nghề kinh doanh phải đăng ký sửa đổi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Các điều chỉnh này phải tuân thủ đúng quy trình, đồng thời đáp ứng các điều kiện pháp lý liên quan, đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp chế xuất vẫn phù hợp với chính sách của khu công nghiệp hoặc khu chế xuất.
Theo quy định của pháp luật hiện hành, doanh nghiệp chế xuất phải nộp các báo cáo về tình hình sản xuất – kinh doanh, lao động, và tài chính hàng quý và hàng năm.
Ngoài báo cáo định kỳ, doanh nghiệp chế xuất còn phải tuân thủ các yêu cầu kiểm tra định kỳ và đột xuất về môi trường, an toàn lao động, thuế và hải quan. Nếu vi phạm, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính hoặc tạm dừng hoạt động theo quy định tại Nghị định số 128/2020/NĐ-CP, bổ sung bởi Nghị định 102/2021/NĐ-CP.
3. Ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp chế xuất
3.1. Miễn thuế nhập khẩu nguyên vật liệu và linh kiện
Căn cứ quy định tại Luật Thuế xuất nhập khẩu 2016 và Nghị định 18/2021/NĐ-CP, doanh nghiệp chế xuất được miễn thuế nhập khẩu đối với nguyên vật liệu, linh kiện và bán thành phẩm nhập khẩu để phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
3.2. Ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Theo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008 và Thông tư 151/2014/TT-BTC, doanh nghiệp chế xuất được áp dụng thuế suất TNDN ưu đãi nếu đáp ứng đủ điều kiện. Một số doanh nghiệp chế xuất có thể hưởng thuế suất thuế TNDN thấp hơn mức thông thường hoặc được miễn, giảm thuế trong một khoảng thời gian nhất định (miễn thuế trong 02 năm đầu hoạt động và giảm 50% trong 04 năm tiếp theo). Chế độ cụ thể sẽ tùy thuộc vào ngành nghề, quy mô đầu tư và địa điểm đầu tư.
3.3. Ưu đãi hải quan và thủ tục thông quan
Doanh nghiệp chế xuất được phép áp dụng quy trình hải quan riêng biệt, bao gồm thủ tục thông quan nhanh chóng và đơn giản hóa giấy tờ, được hưởng ưu đãi trong việc sử dụng khu vực hải quan riêng biệt và không cần phải mở tờ khai nhập khẩu khi mua bán nguyên vật liệu giữa các doanh nghiệp chế xuất với nhau.
3.4. Miễn, giảm tiền thuê đất và các ưu đãi về hạ tầng
Doanh nghiệp chế xuất trong khu công nghiệp hoặc khu chế xuất có thể được miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong suốt thời gian đầu tư tùy thuộc vào địa bàn đầu tư. Các doanh nghiệp chế xuất ở khu vực đặc biệt khó khăn có thể được miễn tiền thuê đất lên đến 15 năm hoặc thậm chí trong suốt thời gian hoạt động, tùy thuộc vào địa điểm và quy mô đầu tư.
Doanh nghiệp chế xuất trong các khu chế xuất và khu công nghiệp còn được hưởng lợi từ cơ sở hạ tầng hiện đại, như đường giao thông, điện, nước và viễn thông, do nhà nước hoặc các chủ đầu tư khu công nghiệp xây dựng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!