Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Làm thế nào khi chồng không chịu ký đơn ly hôn?

18:08 CH
Thứ Ba 15/06/2021
 2446

Khi đăng ký kết hôn, pháp luật yêu cầu cả hai vợ chồng đều phải tự nguyện, cùng thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Vậy nếu ly hôn thì sao? Một trong hai bên không chịu ký thì có thực hiện được không?

Câu hỏi: Chào Luật sư em là Vũ Thị H 35 tuổi. Em với chồng em là Phan Văn T 37 tuổi đã kết hôn và chung sống với nhau được 10 năm, nhưng thời gian gần đây em thường xuyên bị chồng em đánh đập, nhục mạ em mỗi khi say xỉn. Em không thể chịu được cảnh này nữa nên có viết đơn xin ly hôn nhưng chồng em nhất quyết không chịu ký. Luật sư cho em hỏi có nhất thiết phải cần cả vợ và chồng yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn hay không? Và em phải làm gì khi chồng em không chịu ký đơn ly hôn? Em cảm ơn luật sư rất nhiều ạ.

Trả lời: Chào bạn H, cảm ơn bạn đã gửi thư về cho hộp thư điện tử của Luật Sao Sáng, về thắc mắc của bạn chúng tôi xin phép được giái đáp từng thắc của bạn như sau.

Có nhất thiết phải cần cả vợ và chồng yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn hay không?

Theo Điều 51 luật Hôn nhân và Gia đình 2014 về quyền yêu cầu giải quyết ly hôn quy định như sau:

"1. Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

2. Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.

3. Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi".

Ly hôn theo yêu cầu của một bên (ly hôn đơn phương): Trường hợp này xảy ra khi một trong hai bên vợ hoặc chồng yêu cầu ly hôn và được Tòa án giải quyết cho ly hôn nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:

  • Có căn cứ về việc bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích hôn nhân không đạt được;
  • Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu ly hôn;
  • Có căn cứ về việc có hành vi bạo lực gia đình ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của người còn lại.

Như vậy việc chồng bạn gần đây thường xuyên có hành vi bạo lực và nhục mạ gây tổn hại đến sức khỏe và tinh thần của bạn thì theo căn cứ trên bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho bạn mà không cần chồng bạn cùng yêu cầu. Bên cạnh đó bạn nên chuẩn bị thêm giấy giám định sức khỏe của bệnh viện hoặc các bằng chứng khác có liên quan đến hành vi bạo hành của chồng bạn.

Phải làm gì khi chồng không chịu kí đơn ly hôn?

Khi chồng bạn không chịu ký đơn ly hôn thì bạn có thể yêu cầu ly hôn đơn phương. Theo đó, thủ tục để yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn đơn phương gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ

- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính);

- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực);

- Giấy khai sinh của các con (nếu có con chung, bản sao có chứng thực);

- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực);

- Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản chung (nếu có tài sản chung, bản sao có chứng thực).

Thực tế cho thấy, khi vợ hoặc chồng không chịu ký đơn ly hôn thì người này sẽ gây khó khăn trong quá trình chuẩn bị hồ sơ như không đưa sổ hộ khẩu, đăng ký kết hôn, giấy khai sinh…

Trong những trường hợp đó, có thể xử lý như sau:

- Thiếu hộ khẩu: Liên hệ công an cấp xã, phường nơi người yêu cầu cư trú để xin xác nhận đang ở tại địa phương;

- Thiếu giấy đăng ký kết hôn: Liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao từ sổ gốc. Nếu còn giữ bản sao chứng thực thì có thể nộp thay thế nhưng phải nêu rõ lý do vì sao không thể nộp bản chính trong đơn ly hôn;

- Thiếu Chứng minh nhân dân: Có thể thực hiện theo hướng dẫn của Tòa án để nộp giấy tờ tùy thân khác thay thế;

- Thiếu giấy khai sinh của con: Liên hệ với cơ quan hộ tịch nơi đã đăng ký kết hôn để xin cấp bản sao…

Bước 2: Nộp hồ sơ

Người có yêu cầu chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ nêu trên cùng với đơn xin ly hôn đơn phương (theo mẫu) nộp tại Tòa án nhân dân cấp huyện, nơi cư trú của người còn lại (theo quy định tại Điều 35, Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Về cách thức nộp, người này có thể gửi đơn ly hôn qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Tòa án.

Bước 3: Giải quyết yêu cầu ly hôn

Sau khi nhận được đơn ly hôn, trong 05 ngày làm việc, Tòa án sẽ xem xét và quyết định thụ lý. Nếu hồ sơ hợp lệ, Tòa án gửi thông báo đóng tiền tạm ứng án phí.

Sau khi người yêu cầu đóng tiền tạm ứng án phí, trước khi đưa vụ án ra xét xử, Tòa án sẽ tiến hành hòa giải trừ trường hợp vụ án không tiến hành hòa giải.

Bước 4: Ra bản án ly hôn

Nếu hòa giải không thành, Tòa án lập biên bản hòa giải không thành và ra quyết định đưa vụ án ra xét xử.

Nếu xét thấy đủ điều kiện để giải quyết ly hôn thì Tòa án ra bản án ly hôn, quan hệ hôn nhân của hai vợ chồng sẽ chấm dứt tại thời điểm bản án này có hiệu lực pháp luật.

Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ hotline 0936.653.636 để được hỗ trợ.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .