Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con khi nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn

8:43 SA
Thứ Tư 17/07/2024
 98

Cấp dưỡng hay chu cấp cho con khi vợ chồng ly hôn hoặc cha mẹ của đứa trẻ không còn sống chung với nhau nữa là một vấn đề mà nhiều người đang gặp phải, vì khi đường ai nấy đi, thì không phải cặp đôi nào cũng đồng thuận, văn minh trong việc thỏa thuận nghĩa vụ nuôi con.

Thực tế ngày nay, có rất nhiều cặp đôi chung sống với nhau như vợ chồng và có con, nhưng không đăng ký kết hôn. Nếu sau đó, họ không ở với nhau nữa, thì vấn đề cấp dưỡng được thực hiện như thế nào? Nếu không đăng ký kết hôn thì có phát sinh nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái không? Pháp luật có quy định mức cấp dưỡng tối thiểu là bao nhiêu không?

Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, nếu có con chung, thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con cái hay không?

Theo quy định tại Khoản 24 Điều 3 Luật Hôn nhân gia đình 2014

            “Cấp dưỡng là việc một người có nghĩa vụ đóng góp tiền hoặc tài sản khác để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người không sống chung với mình mà có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng trong trường hợp người đó là người chưa thành niên, người đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình hoặc người gặp khó khăn, túng thiếu theo quy định của Luật này.”

Với quy định trên, ta thấy, dù cha mẹ không đăng ký kết hôn nhưng quyền, nghĩa vụ đối với con vẫn không khác với khi đăng ký kết hôn. Bởi vậy, nếu không trực tiếp nuôi con, cha hoặc mẹ cũng phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con..

Theo đó, Luật quy định, người cha hoặc người mẹ không trực tiếp nuôi con, thì có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Như vậy, nếu con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mà không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình, thì người cha hoặc người mẹ – người mà không trực tiếp nuôi con – phải thực hiện việc cấp dưỡng mà không phụ thuộc vào việc cha mẹ của người con đó có đăng ký kết hôn hay không.

Pháp luật có quy định về mức cấp dưỡng và thời gian cấp dưỡng không?

Về mức cấp dưỡng, căn cứ theo Khoản 1 Điều 116 Luật Hôn nhân gia đình 2014 về mức cấp dưỡng:

            “Mức cấp dưỡng do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhậpkhả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết”

Do đó, pháp luật không quy định cụ thể số tiền hay giá trị tài sản để cấp dưỡng là bao nhiêu, mà quy định mức cấp dưỡng sẽ do các bên tự thoả thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người cha hoặc người mẹ và nhu cầu thiết yếu của người con; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.

Về thời gian cấp dưỡng, Điều 117 Luật hôn nhân gia đình 2014 quy định như sau:

            “Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.

            Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”

Theo đó, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần cho đến khi con thành niên, tức đủ 18 tuổi. Trường hợp con đã thành niên nhưng không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì sẽ cấp dưỡng cho con đến khi con có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình. Do đó, nếu con bị hạn chế về thể chất hoặc tâm thần, như bị liệt cột sống, mù hai mắt, liệt hai chi, bị tâm thần nặng bị suy giảm khả năng lao động vĩnh viễn từ 81% trở lên …, thì cha hoặc mẹ, người mà không trực tiếp nuôi có nghĩa vụ cấp dưỡng dù con trên 18 tuổi.

Không đăng ký kết hôn, làm sao để yêu cầu cấp dưỡng cho con?

Bởi kết hôn không chỉ xác lập quan hệ hôn nhân mà còn là căn cứ để phát sinh quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con cái. Một trong số đó là nghĩa vụ cấp dưỡng. Do đó, chỉ khi được xác nhận là có quan hệ huyết thống, hôn nhân, nuôi dưỡng thì mới xảy ra nghĩa vụ cấp dưỡng.

Điều đó có nghĩa là nếu hai người chỉ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì khi một trong hai bên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, người còn lại sẽ rất khó để yêu cầu cấp dưỡng cho con.

            Lúc này, thủ tục phải làm trước hết là xác nhận cha, mẹ và con giữa người muốn yêu cầu cấp dưỡng và người được cấp dưỡng. Thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con được quy định tại Điều 25 Luật Hộ tịch 2014 như sau:

            “1. Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt

            2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy việc nhận cha, mẹ, con là đúng và không có tranh chấp, công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người đăng ký nhận cha, mẹ, con ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu.

            Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 05 ngày làm việc.”

Theo đó, người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con cần chuẩn bị các loại giấy tờ sau:

            - Tờ khai đăng ký nhận cha mẹ con (theo mẫu)

            - Chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con (Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP): Văn bản xác định AND của cơ quan y tế, cơ quan giám định trong nước hoặc nước ngoài, thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con…

Sau thời gian 03 ngày làm việc nếu nhận đủ giấy tờ, không có tranh chấp, nhận thấy đúng là cha mẹ và con thì người yêu cầu sẽ được cấp trích lục xác nhận cha, mẹ và con.

            Sau khi được công nhận là cha, mẹ con thì hoàn toàn có quyền yêu cầu cấp dưỡng cho con. Nếu người này trốn tránh nghĩa vụ thì có thể khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền để buộc người này phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Nếu người cha hoặc người mẹ không tự nguyện cấp dưỡng kể cả khi đã có phán quyết của Tòa thì người trực tiếp nuôi con phải làm thế nào?

Nếu Tòa án đã tuyên buộc người cha hoặc người mẹ phải cấp dưỡng cho con, nhưng người có nghĩa vụ đó không tự nguyện thực hiện, thì người trực tiếp nuôi con nên nộp đơn yêu cầu thi hành án tại Chi cục thi hành án cấp Huyện nơi Tòa án đã xét xử việc cấp dưỡng.

Khi nhận được đơn yêu cầu thi hành án, nếu người có nghĩa vụ cấp dưỡng đủ điều kiện thi hành án mà không tự nguyện thi hành, thì cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định cưỡng chế thi hành án đối với người không trực tiếp nuôi con, bằng cách trừ vào tiền lương, tiền công của họ hoặc khấu trừ tiền trong tài khoản ngân hàng của họ,…

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .