Pháp luật Việt Nam có công nhận “hợp đồng hôn nhân” hay không?
Khách hàng hỏi:
Thưa Luật sư. Tôi là Nguyễn Duy T (35 tuổi) và bạn gái là Trần Ngọc M (33 tuổi) có dự định kết hôn vào năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi đều trải qua hôn nhân và đã đổ vỡ. Hiện tại, chúng tôi đến với nhau khi mỗi người đã có con riêng và tài sản riêng. Không ai biết trước được tương lai như thế nào do đó để cô ấy an tâm hơn cũng như chúng tôi được rõ ràng về phần con chung, riêng, tài sản để tránh những hiểu nhầm, mâu thuẫn tranh chấp về sau.
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, chúng tôi có thể ký kết Hợp đồng hôn nhân hay không? Hợp đồng Hôn nhân cần có những nội dung gì?
Luật sư trả lời:
Ở các nước phương Tây từ lâu các cặp đôi yêu nhau được quyền lập hợp đồng hôn nhân (hôn ước). Trong khi đó, hợp đồng tiền hôn nhân còn khá mới mẻ tại Việt Nam vì pháp luật hiện hành vẫn chưa có quy định cụ thể. Trong thời đại ngày nay thì nó đang được nhiều người quan tâm, đặc biệt là giới trẻ.
Hợp đồng là sự thoả thuận của các bên về việc xác lập, thay đổi, chấm dứt quyền nghĩa vụ dân sự theo quy định tại Điều 385 Bộ luật Dân sự 2015. Hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng theo quy định tại Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Như vậy, có thể hiểu hợp đồng hôn nhân chính là sự thoả thuận giữa hai người. Trong đó, chế độ hôn nhân gồm toàn bộ những quy định về kết hôn, ly hôn, quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng, cha mẹ và con, giữa các thành viên khác trong gia đình,…
Mặc dù, pháp luật Việt Nam hiện hành không có quy định rõ ràng về hợp đồng hôn nhân nhưng cho phép các cặp đôi khi cưới nhau được thoả thuận với nhau và được lập thành văn bản có công chứng những vấn để liên quan đến tài sản, con cái, quyền và nghĩa vụ giữa hai vợ chồng.
Về trường hợp của Quý khách hàng, Luật sư đưa ra phương án tư vấn như sau:
Theo tôi, bất cứ ai, không chỉ là các bạn trẻ hay trung niên cũng nên có nhận thức về việc lập hợp đồng hôn nhân để tránh những rắc rối pháp lý về sau. Khi bạn đã tích luỹ được kha khá tài sản, chưa có nhiều tài sản hay thậm chí còn có những khoản nợ cũng nên lập hợp đồng hôn nhân vì có thể khoản nợ đó làm gánh nặng cho đối phương, làm rạn nứt tình cảm vợ chồng trong tương lai.
Những ồn ào xoay quanh vụ ly hôn giữa ông chủ cà phê Trung Nguyên là minh chứng thể hiện vấn đề phức tạp, rắc rối của các cuộc hôn nhân khi chọn cách bước ra Toà để phân chia tài sản. Sự quan tâm đổ dồn từ con số tài sản phân chia hàng trăm nghìn tỷ. Có lẽ nhiều người đều có chung cảm giác tiếc nuối khi hai người cùng gắn bó bên nhau từ thuờ hai bàn tay trắng, đến lúc thành công lại ra Toà dùng lời lẽ nặng nề tranh giành tài sản. Vì vậy, phải chăng quyết định tiến đến hôn nhân, chúng ta nên có một bản hợp đồng hôn nhân để tránh dẫn đến tranh chấp khi ly hôn.
Việc xác lập hợp đồng hôn nhân dựa trên các điều kiện của Luật hôn nhân và gia đình 2014 đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền sẽ được pháp luật tôn trọng và bảo vệ. Trong trường hợp kết hôn nhằm mục đích che dấu các mục đích khác như xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam,… là hành vi vi phạm pháp luật sẽ bị ngăn chặn và xử lý nghiêm khắc.
“Trong trường hợp hai bên kết hôn lựa chọn chế độ tài sản theo thỏa thuận thì thỏa thuận này phải được lập trước khi kết hôn, bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận được xác lập kể từ ngày đăng ký kết hôn.”
Theo đó, vợ chồng có thể thoả thuận về quyền sở hữu, quyền định đoạt đối với tài sản của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân. Xét về bản chất, đây cũng là một dạng thức của “Hợp đồng hôn nhân” nhưng chỉ không quy định về vấn đề tài sản của vợ chồng, không quy định, ràng buộc về vấn đề tình cảm và con cái như ở một số quốc gia khác.
Các nội dung cơ bản nên đưa vào Hợp đồng hôn nhân là gì?
Theo như thông tin anh Nguyễn Duy T cung cấp, trước khi hai bên đến với nhau đã có con riêng và tài sản riêng. Do đó, theo Luật sư cần hết sức cẩn thận về việc thoả thuận ý chí của mỗi bên trong từng điều khoản. Đảm bảo thoả thuận đầy đủ các điều khoản dưới đây:
(i) Phân định tài sản riêng và tài sản chung: Nếu một bên đã có công việc kinh doanh ổn định trước hôn nhân, họ có thể không muốn khối tài sản đó bị gộp vào tài sản chung để chia khi ly hôn. Hợp đồng tiền hôn nhân có thể giúp bảo vệ tài sản riêng của hai bên.
(ii) Điều khoản trách nhiệm trả nợ độc lập: Nếu không có hợp đồng tiền hôn nhân, chủ nợ có thể kiện đòi tài sản chung của cả gia đình, dù chỉ có người vợ hoặc chồng là con nợ. Hợp đồng tiền hôn nhân giúp giới hạn phạm vi nghĩa vụ trả nợ của các bên, bảo vệ tài sản chung của gia đình.
(iii) Chu cấp cho con riêng: Người nào có con riêng từ trước có thể dùng hợp đồng tiền hôn nhân để đảm bảo người con riêng được hưởng thừa kế tài sản.
(iv) Phân chia tài sản trong trường hợp ly hôn: Hợp đồng hôn nhân giúp việc phân chia tài sản dễ dàng và minh bạch hơn.
(v) Phân định trách nhiệm tài chính của các bên: Hai bên có thể thỏa thuận về trách nhiệm trả sinh hoạt phí hàng tháng, quyền sử dụng tài khoản ngân hàng chung nếu có, tài khoản tiết kiệm, phân chia tài sản cho người còn sống (ví dụ như bảo hiểm nhân thọ) trong trường hợp một bên qua đời.
(Đội ngũ Luật sư Công ty Luật TNHH Sao Sáng tham gia phiên toà)
Việc hai bên lập Hợp đồng hôn nhân có hay không ảnh hưởng đến tình cảm, đến mối quan hệ thì còn phụ thuộc vào ý chí, tính tự nguyện và nhận thức của một bên. Nếu như một trong hai bên bị ép buộc hay không thật sự thoải mái thì có thể dẫn đến việc thiếu sự hoà hợp cuộc sống sau này. Cho nên, chỉ nên ký kết hợp đồng này nếu cả hai thật sự sẵn sang, tự nguyện chấp nhận bắt đầu một quan hệ hôn nhân có sự ràng buộc trách nhiệm pháp lý, mục đích đều cùng hướng đến một gia đình hạnh phúc.
Công ty luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi, cung cấp thông tin hữu ích liên quan đến tất cả lĩnh vực để tư vấn cho Quý khách hàng những phương án tối ưu và hiệu quả. Trân trọng cảm ơn!