Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Thủ tục giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

10:02 SA
Thứ Ba 08/06/2021
 878

Tranh chấp lao động xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới người lao động , người sử dụng lao động mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, sự vận động và phát triển của đất nước, do vậy cần có cơ chế giải quyết tranh chấp lao động phù hợp với thực tiễn để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích của đất nước.

Tranh chấp lao động (TCLĐ) xảy ra không chỉ ảnh hưởng tới người lao động (NLĐ), người sử dụng lao động (NSDLĐ) mà còn ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế - xã hội, sự vận động và phát triển của đất nước, do vậy cần có cơ chế giải quyết tranh chấp lao động phù hợp với thực tiễn để đảm bảo hài hòa lợi ích của các bên và lợi ích của đất nước.

Bản chất của việc giải quyết TCLĐ cá nhân là tháo gỡ, xoá bỏ những mâu thuẫn, bất đồng giữa NLĐ và NSDLĐ và nhằm duy trì mối quan hệ đã được thiết lập giữa hai chủ thể và làm cho mối quan hệ đó được tồn tại trong sự phát triển chung. Giải quyết TCLĐ cá nhân còn đảm bảo cho sự bình ổn tương đối của quan hệ lao động sau tranh chấp được giải quyết. Nếu không giải quyết kịp thời, TCLĐ cá nhân có thể gây phản ứng tiêu cực đối với sản xuất, kinh doanh.

Khái niệm giải quyết TCLĐ

Giải quyết TCLĐ là những phương thức hay biện pháp hay những hành động nhằm giải quyết tranh chấp đã xảy ra. Theo nghĩa hẹp, giải quyết TCLĐ là việc các cá nhân, tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành những thủ tục theo luật định nhằm giải quyết những tranh chấp phát sinh giữa cá nhân, tập thể người lao động với người sử dụng lao động về việc thực hiện quyền nghĩa vụ và lợi ích của hai bên trong quan hệ lao động nhằm khôi phục các quyền và lợi ích hợp pháp của các bên đã bị xâm hại, xoá bỏ những mâu thuẫn, bất đồng giữa người lao động và người sử dụng lao động và duy trì và củng cố quan hệ lao động, đảm bảo sự ổn định trong sản xuất. Giải quyết TCLĐ theo nghĩa rộng hơn là những hoạt động được tiến hành nhằm dàn xếp những bất ổn trong quan hệ lao động, với mục đích để các bên có thể tiếp tục thực hiện quan hệ lao động một cách hài hòa. Sự dàn xếp này có thể do các bên tự thương lượng, thỏa thuận hay có sự tham gia của một chủ thể trung gian hòa giải, đưa ra phán quyết về các nội dung tranh chấp.

 Nguyên tắc giải quyết TCLĐ cá nhân

TCLĐ cá nhân là một trong những loại TCLĐ vì vậy khi giải quyết TCLĐ cá nhân phải tuân theo những nguyên tắc chung nhất định. Đó là những tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt quá trình giải quyết tranh chấp buộc các chủ thể tham gia vào quá trình giải quyết tranh chấp đều phải tôn trọng và tuân thủ thực hiện. Những nguyên tắc phải tuân thủ khi giải quyết TCLĐ cá nhân bao gồm:

1.Tôn trọng quyền tự định đoạt thông qua thương lượng của các bên trong suốt quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

2. Coi trọng giải quyết tranh chấp lao động thông qua hòa giải, trọng tài trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích của hai bên tranh chấp, tôn trọng lợi ích chung của xã hội, không trái pháp luật.

3. Công khai, minh bạch, khách quan, kịp thời, nhanh chóng và đúng pháp luật.

4. Bảo đảm sự tham gia của đại diện các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động.

5. Việc giải quyết tranh chấp lao động do cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động tiến hành sau khi có yêu cầu của bên tranh chấp hoặc theo đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền và được các bên tranh chấp đồng ý.

Thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân

Khi TCLĐ cá nhân xảy ra, việc xác định chính xác chủ thể có thẩm quyền giải quyết có ý nghĩa hết sức quan trọng bởi điều đó không chỉ giúp các bên trong tranh chấp giải quyết tranh chấp một cách nhanh chóng, đúng thời hạn và đúng theo quy định của pháp luật mà còn thể hiện sự phân cấp thẩm quyền trong giải quyết TCLĐ trong bộ máy nhà nước rõ ràng, hợp lý tránh chồng chéo trong thẩm quyền giải quyết.

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết TCLĐ cá nhân bao gồm: Hoà giải viên lao động (HGVLĐ); Hội đồng trọng tài lao động (HĐTTLĐ) và Toà án nhân dân.

Trình tự, thủ tục giải quyết TCLĐ cá nhân

Tranh chấp lao động cá nhân phải được giải quyết thông qua thủ tục hòa giải của HGVLĐ trước khi yêu cầu HĐTTLĐ hoặc Tòa án giải quyết. Bởi lẽ, hòa giải được xem là một trong những phương án tối ưu trong quá trình giải quyết tranh chấp nói chung và giải quyết TCLĐ nói riêng, thông qua hòa giải các bên có thể tháo gỡ những mâu thuẫn một cách nhanh chóng mà không ảnh hưởng tới mối quan hệ hai bên và không tốn nhiều chi phí. Trừ một số trường hợp tranh chấp không phải thông qua thủ tục hòa giải là những tranh chấp có tính chất phức tạp và mức độ nghiêm trọng cao bao gồm:

  • Về xử lý kỷ luật lao động theo hình thức sa thải hoặc về trường hợp bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động;
  • Giữa người giúp việc gia đình với người sử dụng lao động;
  • Về bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, về bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế, về bảo hiểm thất nghiệp theo quy định của pháp luật về việc làm, về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;
  • Về bồi thường thiệt hại giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.

Các bên tranh chấp phải gửi đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đến HGVLĐ hoặc cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Uỷ ban nhân dân là cơ quan đầu mối tiếp nhận yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động và có trách nhiệm phân loại, hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các bên trong giải quyết tranh chấp. Quá trình hòa giải phải tuân thủ theo trình tự và quy định của pháp luật.

Các trường hợp không bắt buộc phải thông qua hòa giải hoặc hòa giải không thành hoặc hết thời hạn quy định mà HGVLĐ không tiến hành hòa giải hoặc hoà giải thành nhưng một trong các bên không thực hiện các thoả thuận trong biên bản hoà giải thành thì các bên tranh chấp có quyền lựa chọn một trong hai phương thức giải quyết tranh chấp đó là yêu cầu HĐTTLĐ hoặc Tòa án giải quyết. Nếu các bên yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết thì HĐTTLĐ chỉ được giải quyết tranh chấp trên cơ sở sự “đồng thuận” của các bên.

Khi các bên yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết tranh chấp thì không được đồng thời yêu cầu Tòa án giải quyết để tránh sự chồng chéo trong giải quyết tranh chấp của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Trừ trường hợp hết thời hạn quy định mà Ban trọng tài không được thành lập hoặc không đưa ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc một trong các bên không thi hành quyết định giải quyết tranh chấp của Ban trọng tài lao động thì các bên có quyền yêu cầu tòa án giải quyết.

Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân

Thời hiệu là thời hạn do luật quy định mà khi kết thúc thời hạn đó thì phát sinh hậu quả pháp lý đối với chủ thể theo điều kiện do luật quy định. Thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động là thời hạn mà các chủ thể được quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các mình, hết thời hạn đó các chủ thể mất quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Theo quy định của Bộ luật lao động 2019, thời hiệu yêu cầu HGVLĐ thực hiện hoà giải TCLĐ cá nhân là 06 tháng; thời hiệu yêu cầu HĐTTLĐ giải quyết TCLĐ cá nhân là 09 tháng và thời hiệu yêu cầu Toà án giải quyết TCLĐ cá nhân là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi vi phạm mà bên tranh chấp cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị vi phạm.

Trường hợp người yêu cầu chứng minh được vì sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do khác theo quy định của pháp luật mà không thể yêu cầu đúng thời hạn quy định thì thời gian có sự kiện bất khả kháng, trở ngại khách quan hoặc lý do đó không tính vào thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp lao động cá nhân.

Liên quan đến vấn đề trên, khách hàng cần giải đáp, xin liên hệ hotline công ty Luật Sao Sáng – 09366653636 để được hỗ trợ.
Trân trọng!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .