Tranh chấp lao động cá nhân là gì?
Trong quá trình xác lập, thực hiện và chấm dứt quan hệ lao động giữa các chủ thể có thể xảy ra các xung đột, mâu thuẫn, bất đồng do khi tham gia quan hệ lao động các bên đều mong muốn đạt được quyền và lợi ích cao nhất. Do mong muốn của các bên đối lập nhau nên khó có thể thống nhất được về quyền, nghĩa vụ của các bên với nhau và sẽ trở thành bất đồng, mâu thuẫn và phát sinh tranh chấp nếu các bên không dung hòa được quyền và lợi ích của nhau.
Tranh chấp lao động (TCLĐ) là tranh chấp về quyền và nghĩa vụ, lợi ích phát sinh giữa các bên trong quá trình xác lập, thực hiện hoặc chấm dứt quan hệ lao động; tranh chấp giữa các tổ chức đại diện người lao động với nhau; tranh chấp phát sinh từ quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động.
Những năm gần đây số lượng các vụ việc lao động mà ngành Tòa án giải quyết tuy không nhiều như vụ việc dân sự, hình sự, kinh doanh thương mại nhưng cũng tương đối lớn và đều là các tranh chấp lao động cá nhân.
Khái niệm tranh chấp lao động cá nhân
Tranh chấp lao động cá nhân là tranh chấp giữa người lao động với người sử dụng lao động; giữa người lao động với doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; giữa người lao động thuê lại với người sử dụng lao động thuê lại.
TCLĐ cá nhân là tranh chấp lao động xảy ra giữa cá nhân NLĐ với NSDLĐ, thường mang tính chất đơn lẻ không có sự liên kết giữa những NLĐ và thường phát sinh trong quá trình xác lập, thực hiện, thay đổi, chấm dứt hợp đồng lao động hoặc trong việc thực hiện chế độ tiền lương, thời giờ làm việc, điều kiện làm việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, …mà người sử dụng lao động áp dụng cho cá nhân NLĐ.
TCLĐ cá nhân là loại tranh chấp phổ biến, dễ xảy ra và chiếm đa số trong các tranh chấp lao động hiện nay. Với bối cảnh khi mà các TCLĐ phát triển cả về số lượng, quy mô và hình thức thì các TCLĐ cá nhân cũng theo đó mà tăng nhanh. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như trật tự xã hội. Bởi thế, nếu có một cơ chế giải quyết TCLĐ cá nhân thích hợp thì không chỉ bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của các bên trong tranh chấp mà còn góp phần củng cố, bảo vệ các quan hệ sản xuất, thúc đẩy xã hội phát triển.
Chủ thể của tranh chấp lao động cá nhân
Chủ thể trong TCLĐ cá nhân chủ yếu là cá nhân người lao động và người sử dụng lao động. Tuy nhiên trong một số trường hợp chủ thể của tranh chấp là một nhóm người lao động và người sử dụng lao động. Biểu hiện số lượng NLĐ tham gia không phải là đúng tuyệt đối trong việc xác định tranh chấp lao động cá nhân hay tập thể vì có những tranh chấp chỉ có sự tham gia của một NLĐ nhưng đó là người đại diện cho tập thể NLĐ thì đó là tranh chấp lao động tập thể, tương tự có những tranh chấp có một nhóm NLĐ tham gia nhưng đó vẫn xác định là TCLĐ cá nhân vì không có sự liên kết với nhau, mỗi người tham gia vì mục đích của riêng mình, có yêu cầu giải quyết riêng và chỉ quan tâm đến quyền, lợi ích của bản thân mình.
Ngoài chủ thể là NLĐ và NSDLĐ, trong tranh chấp lao động cá nhân một số chủ thể không phải là chủ thể của quan hệ lao động cũng được thừa nhận là chủ thể của tranh chấp lao động đó là doanh nghiệp, tổ chức đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động; người lao động thuê lại với NSDLĐ thuê lại.
Nội dung, mục đích và tính chất của tranh chấp lao động cá nhân
TCLĐ cá nhân có nội dung chỉ liên quan đến cá nhân chủ thể phát sinh tranh chấp, mục đích cũng chỉ vì mục đích quyền, lợi ích của cá nhân NLĐ.
TCLĐ cá nhân phát sinh từ những mâu thuẫn, bất đồng trong quan hệ lao động và thường là phát sinh trong việc áp dụng các quy phạm pháp luật vào từng quan hệ lao động cụ thể nghĩa là tranh chấp các vấn đề mà pháp luật quy định hoặc các bên đã thoả thuận trong hợp đồng lao động. Vì vậy, nội dung TCLĐ cá nhân luôn liên quan đến hợp đồng lao động bởi mục đích của NLĐ trong tranh chấp thường vì lợi ích cá nhân và thường phát sinh trong các trường hợp có sự vi phạm về hợp đồng lao động.
Nội dung của tranh chấp lao động phải được hiểu theo nghĩa rộng tức là quyền, nghĩa vụ và lợi ích không chỉ trong quan hệ lao động đã được xác định mà còn bao gồm cả quan hệ có liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động như đào tạo, quan hệ đại diện, bồi thường thiệt hại, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp,…
TLCĐ cá nhân thông thường không có tính tổ chức, quy mô phức tạp như TCLĐ tập thể mà thường mang tính cá nhân, đơn lẻ do vậy TCLĐ cá nhân thường ít có ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và tình hình kinh tế - chính trị - xã hội. Tuy nhiên, nhiều TCLĐ cá nhân có thể chuyển hoá thành TCLĐ tập thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các quan hệ kinh tế - xã hội.
Trong TCLĐ cá nhân, tổ chức đại diện NLĐ tham gia với tư cách đại diện quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động theo sự uỷ quyền của NLĐ để đề nghị NSDLĐ xem xét những yêu cầu của NLĐ mà không tham gia với tư cách là một bên chủ thể trong quan hệ tranh chấp.