Bạo lực học đường: Khái niệm và cách thức xử lý
Thời gian vừa qua, trên mạng xã hội liên tiếp xuất hiện các clip học sinh các trường THCS, THPT ở một số tỉnh, thành như Vinh, Long An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh,…đánh nhau ở ngay trong lớp học hoặc bên ngoài khuôn viên nhà trường, trong các clip này, không chỉ hai học sinh đánh nhau để giải quyết mâu thuẫn, trong khi đó rất nhiều bạn bè đứng xung quanh nhưng không có hành động gì để can ngăn, thậm chí còn cổ vũ, đáng lưu ý hiện tượng bạo lực hiện nay không chỉ diễn ra trong nam sinh mà còn lan sang cả nữ sinh và ngày càng gia tăng. Những vụ việc trên là hồi chuông cảnh báo về sự bất lực của nhà trường, gia đình và xã hội. Khi xem những clip này nhiều người không khỏi xót xa, phẫn nộ trước tình trạng bạo lực học đường đang ngày một nghiêm trọng, nó không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng về tinh thần của học sinh, tạo tâm lý bất an cho học sinh, phụ huynh và cả xã hội. Khó ai biết, mỗi ngày đi học, con em mình có bị xâm hại thân thể, tinh thần hay không; bất cứ lúc nào, ở đâu, học sinh cũng có thể đánh nhau. Vậy hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về bạo lực học đường và cách thức xử lý của cơ quan chức năng về vấn đề này qua bài viết sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017)
- Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- Nghị định 80/2017/NĐ-CP
2. Quy định của pháp luật
Theo khoản 5 Điều 2 Nghị định 80/2017/NĐ-CP:
“5. Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập.”
Bộ luật Hình sự hiện hành không có quy định về tội danh bạo lực học đường mà tùy thuộc vào mặt khách quan của tội phạm và hậu quả để lại để xác định tội danh, hình phạt.
3. Hình thức xử phạt
Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định về hình thức xử phạt đối với tội làm nhục người khác, cụ thể như sau:
“Điều 155. Tội làm nhục người khác
…
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 46% trở lên;
b) Làm nạn nhân tự sát.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”
Bạo lực học đường có thể diễn ra giữa các đối tượng khác nhau như học sinh với học sinh, thầy cô với học sinh,… Trường hợp bạo lực học đường diễn ra giữa các học sinh với nhau lại chiếm đa số, trong đó gồm cả những học sinh chưa thành niên (dưới 18 tuổi).
Khi đó, căn cứ Điều 12 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017) có các trường hợp sau:
- Người từ đủ 16 tuổi trở lên: Chịu trách nhiệm về mọi tội phạm
- Người từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi: Phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
Như vậy, đối chiếu với các quy định nêu trên có thể kết luận như sau:
- Học sinh từ đủ 16 tuổi trở lên phạm tội: Phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định.
- Học sinh từ đủ 14 đến dưới 16 tuổi phạm tội: Phải chịu trách nhiệm hình sự do hành vi làm nhục người khác khiến nạn nhân tự tử được xác định là tội phạm nghiêm trọng (điểm b khoản 1 Điều 9 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017).
Trong đó, mức phạt tù có thời hạn áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội được nêu rõ tại Điều 101 Bộ luật Hình sự:
- Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 mức phạt tù điều luật quy định;
- Đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi: Mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 1/2 mức phạt tù điều luật quy định.
Còn với học sinh dưới 14 tuổi phạm tội trong trường hợp này sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự với bất kỳ tội phạm nào, mà xử phạt như sau:
- Theo Điều 5 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 đã quy định, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý.
- Cũng theo quy định tại Điều 22 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 thì cá nhân có hành vi bạo lực học đường có thể bị phạt cảnh cáo nếu hành vi đó chưa gây ra những hậu quả nghiêm trọng, có tình tiết giảm nhẹ hoặc đối với mọi hành vi vi phạm hành chính do người chưa thành niên từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thực hiện.
Để đảm bảo an ninh, an toàn trường học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thiết lập, công khai đường dây nóng để tiếp nhận và kịp thời xử lý các thông tin liên quan đến an ninh, an toàn trường học và bạo lực học đường. Nhà trường cũng cần chú trọng trong việc giảng dạy một số môn học như kỹ năng sống, giáo dục công dân, trang bị nhận thức đúng đắn cho học sinh về hành động đẹp, tăng cường tinh thần trách nhiệm cũng như ý thức đấu tranh đẩy lùi bạo lực học đường.
Ngoài ra, bộ phận chính quyền địa phương, tổ chức đoàn thể hay lực lượng công an cũng cần đảm bảo sự lãnh đạo thống nhất, nêu cao ý thức cũng như tinh thần trách nhiệm, phát huy tối ưu vai trò của mình trong hoạt động phòng ngừa bạo lực học đường.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về đề tài Quy định của pháp luật và hình thức xử phạt về đòi nợ thuê. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.