Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

BỎ TRỐN SAU KHI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN CÓ PHẢI TÌNH TIẾT TĂNG NẶNG TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ KHÔNG?

15:52 CH
Thứ Năm 12/10/2023
 891

Tình hình tội phạm diễn biến ngày càng phức tạp, nạn nhân trong các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng về số lượng cũng như phải chịu đựng những hậu quả nặng nề do người phạm tội gây ra. Vậy người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bỏ trốn thì bị xử lý như thế nào? Bỏ trốn sau khi phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có phải một tình tiết tăng nặng tội phạm hay không? Bài viết sau đây của Luật Sao sáng sẽ giải đáp cho quý độc giả những câu hỏi này!

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (BLHS);
  •  Nghị quyết 41/2017/QH14.

I. Quy định trách nhiệm hình sự đối với hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản

    Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được quy định là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác bằng thủ đoạn gian dối. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu sau:

(i) Tài sản chiếm đoạt trị giá 02 triệu đồng trở lên;

(ii) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt;

(iii) Đã bị kết án về tội chiếm đoạt hoặc tội được quy định tại Điều 290 BLHS và chưa được xóa án tích;

(iv) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

(v) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

    Điều 174 BLHS quy định Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có 04 khung hình phạt chính và 01 khung hình phạt bổ sung, cụ thể:

    Khung hình phạt cơ bản có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

    Khung hình phạt tăng nặng thứ nhất có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

  • (Phạm tội) có tổ chức;
  • (Phạm tội) có tính chất chuyên nghiệp;
  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;
  • (Phạm tội trong trường hợp) tái phạm nguy hiểm;
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dung danh nghĩa cơ quan, tổ chức: Đây là trường hợp sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình như phương tiện để lừa dối hoặc núp danh cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi lừa dối với những thủ đoạn cụ thể khác nhau.
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt.

    Khung hình phạt tăng nặng thứ hai có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;
  • Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.

    Khung hình phạt tăng nặng thứ ba có mức phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân được quy định cho trường hợp phạm tội có một trong các tình tiết định khung hình phạt tăng nặng sau:

  • Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 500 triệu đồng trở lên;
  • Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.

    Khung hình phạt bổ sung được quy định (có thể được áp dụng) là: Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

II. Bỏ trốn sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là gì?

    Người đã thực hiện hành vi phạm tội (đủ yếu tố cấu thành hành vi phạm tội) mà bỏ trốn thì hành vi bỏ trốn này là trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật, hành vi bỏ trốn không phải là dấu hiệu của tội phạm mà chỉ gây khó khăn cho việc điều tra, xử lý vụ án hình sự.

    Trường hợp này khác với việc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản, bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm của tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Tức, nếu chưa bị coi là “bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản” thì chưa cấu thành tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.

    Như vậy, bỏ trốn sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội đã thực hiện xong hành vi phạm tội của mình rồi mới bỏ trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật.

III. Bỏ trốn sau khi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có phải tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự không?

    Điều 52 BLHS quy định về các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như sau:

1. Chỉ các tình tiết sau đây mới là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội;

d) Phạm tội có tính chất côn đồ;

đ) Phạm tội vì động cơ đê hèn;

e) Cố tình thực hiện tội phạm đến cùng;

g) Phạm tội 02 lần trở lên;

h) Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm;

i) Phạm tội đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ có thai hoặc người đủ 70 tuổi trở lên;

k) Phạm tội đối với người ở trong tình trạng không thể tự vệ được, người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng, người bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc người lệ thuộc mình về mặt vật chất, tinh thần, công tác hoặc các mặt khác;

l) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh hoặc những khó khăn đặc biệt khác của xã hội để phạm tội;

m) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hoặc tàn ác để phạm tội;

n) Dùng thủ đoạn hoặc phương tiện có khả năng gây nguy hại cho nhiều người để phạm tội;

o) Xúi giục người dưới 18 tuổi phạm tội;

p) Có hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm.

2. Các tình tiết đã được Bộ luật này quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng.”

    Vậy, không có quy định về việc người phạm tội bỏ trốn hoặc trốn truy nã là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự. Duy nhất có điểm p khoản 1 Điều 52 quy định: “hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm”, nhưng không nhắc đến “bỏ trốn nhằm trốn tránh pháp luật”. Cho đến nay chưa có văn bản hướng dẫn nào của các cơ quan tiến hành tố tụng giải thích hoặc hướng dẫn “hành động xảo quyệt hoặc hung hãn nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm” là những hành động nào, có bao gồm hành vi bỏ trốn để cản trở điều tra, trốn tránh trách nhiệm hình sự hay không?

    Về lý luận, theo một số ý kiến bình luận khoa học của các chuyên gia thì, người phạm tội có hành động xảo quyệt nhằm trốn tránh hoặc che giấu tội phạm là người có thể không bỏ trốn nhưng có hành vi cản trở hoạt động của cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng. Ví dụ: Sau khi giết người, thủ phạm mang xác nạn nhân để trên đường ray cho tàu cán qua với ý định ngụy tạo hiện trường tai nạn chết người. Còn trường hợp biết hành vi phạm tội của mình có khả năng bị phát hiện hoặc đã bị phát hiện mà bỏ trốn để gây khó khăn cho cơ quan tố tụng thì chưa có hướng dẫn đó có phải một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự hay không. Tuy nhiên nếu không coi việc bỏ trốn là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì vô hình chung pháp luật lại chưa phản ánh được thực tế đấu tranh phòng, chống tội phạm.

    Khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội ban hành ngày 20/6/2017 có quy định: “Giao Tòa án nhân dân tối cao thông qua tổng kết việc áp dụng pháp luật, giám đốc việc xét xử bảo đảm áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các quy định về “gây hậu quả nghiêm trọng”, “gây hậu quả rất nghiêm trọng”, “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”, “số lượng lớn”, “số lượng rất lớn”, “số lượng đặc biệt lớn”, “giá trị lớn”, “giá trị rất lớn”, “giá trị đặc biệt lớn”; khi cần thiết, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật trong xét xử các điều, khoản, điểm khác trong Bộ luật Hình sự năm 2015”. Do đó, Tòa án nhân dân Tối cao nên hướng dẫn trường hợp sau khi phạm tội mà bỏ trốn thì phải được coi là “dùng thủ đoạn xảo quyệt nhằm trốn tránh pháp luật”. Có vậy mới đáp ứng được yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và phù hợp với tình hình thực tiễn xã hội hiện nay.

    Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .