Các tội phạm nào được xem là tội phạm tham nhũng?
Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi con người, trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, địa phương mình. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định chỉ có những người với “bàn tay sạch”, “tấm lòng sạch” mới có đủ dũng khí để dọn sạch tàn dư của những thói hư tật xấu đã len lỏi vào một bộ phận cán bộ của chúng ta. Vậy, bài viết dưới đây của chúng tôi sẽ giúp bạn hiểu rõ các vấn đề, hành vi liên quan đến tội tham nhũng.
1. Khái niệm tham nhũng
Tham nhũng là hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn hưởng lợi ích vật chất trái pháp luật, gây thiệt hại cho tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân, xâm phạm hoạt động đúng đắn của các cơ quan, tổ chức. Trong luật hình sự Việt Nam, nhiều hành vi tham nhũng cụ thể như hành vi tham ô, nhận hối lộ... đã được quy định tương đối sớm.
2. Các tội phạm nào được xem là tội phạm tham nhũng?
Căn cứ quy định Mục 1 Chương 23 Bộ luật Hình sự 2015 có quy định về các tội phạm tham nhũng như sau:
Dưới đây là các tội phạm được xem là tội phạm tham nhũng:
- Tội tham ô tài sản (Điều 353 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội nhận hối lộ (Điều 354 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 355 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 357 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm s khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 358 Bộ luật Hình sự 2015 được bổ sung bởi điểm r khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017);
- Tội giả mạo trong công tác (Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015 bị thay thế một số từ bởi điểm t khoản 2 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017).
3. Tội phạm tham nhũng chấp hành xong án có được đương nhiên xóa án tích không?
Căn cứ quy định Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về đương nhiên được xóa án tích như sau:
"1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
...."
Như vậy, trường hợp tội phạm tham nhũng được đương nhiên xoá án tích khi đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định về thời gian thử thách.
4. Tội phạm tham nhũng có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nào?
Căn cứ quy định Điều 51 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi bởi khoản 6 Điều 1 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
“1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
a) Người phạm tội đã ngăn chặn hoặc làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
b) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả;
c) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
d) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
đ) Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội;
e) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
g) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
h) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
i) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
k) Phạm tội vì bị người khác đe dọa hoặc cưỡng bức;
l) Phạm tội trong trường hợp bị hạn chế khả năng nhận thức mà không phải do lỗi của mình gây ra;
m) Phạm tội do lạc hậu;
n) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
o) Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
p) Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
q) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
r) Người phạm tội tự thú;
s) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
t) Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có trách nhiệm trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án;
u) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
v) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
x) Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
...”
Như vậy, tội phạm tham nhũng sẽ được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như trên.
5. Thu hồi tài sản tham nhũng
Một vấn đề trong đấu tranh chống tham nhũng được nhiều người quan tâm đó là việc thu hồi tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt.
Vấn đề này, phương tiện thông tin đại chúng chỉ đưa tin số người tham nhũng bị trừng trị trong từng vụ án và số tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt. Còn việc tài sản bị chiếm đoạt có thu lại được hay không và thu lại được bao nhiêu thì người dân không được biết. Tìm hiểu vấn đề này, cho đến nay chưa có quy định nào của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định việc báo cáo hàng năm về kết quả thu hồi tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt.
Để góp phần vào công cuộc đấu tranh chống tham nhũng, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đưa vào kế hoạch công tác hàng năm những đề như sau:
-Tiếp tục tuyên truyền pháp luật về tội tham nhũng.
-Các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế báo cáo về tình hình chống tham nhũng.
-Các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự ở địa phương và trung ương có báo cáo kết quả giải quyết các vụ án về tham nhũng có số liệu về số vụ đã giải quyết, số tài sản bị người tham nhũng chiếm đoạt, số tài sản bị chiếm đoạt đã thu hồi, số tài sản còn phải thu hồi.
-Các cơ quan thi hành án dân sự ở địa phương ở trung ương có báo cáo kết quả thi hành án dân sự đối với người phạm tội tham nhũng. Có số liệu về số tài sản tham nhũng đã thi hành được số tài sản tham nhũng còn phải thi hành.
Trên đây là tư vấn của chúng tôi. Chúng tôi hy vọng rằng, ý kiến tư vấn của chúng tôi sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà bạn đang quan tâm. Nếu bạn cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn của chúng tôi, xin hãy liên hệ trực tiếp với chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua hotline: 0936.65.36.36 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!