Cầm nhầm tiền của người khác không trả thì phạm tội gì?
Hội đồng P tổ chức trao trả tiền đền bù cho một số hộ dân trong thôn K bị lấy đất ruộng để làm đường. Khi Hội đồng P gọi tên Nguyễn Văn T là người được nhận tiền đền bù đến để nhận tiền thì Nguyễn Văn T chưa có mặt. Trong khi đó Hoàng Đình T đang có mặt ở đó chơi và tưởng là gọi mình nên đã đến chỗ Hội đồng P thì ngay lúc đó Hội đồng P đã đưa cho Hoàng Đình T 50 triệu đồng. Sau khi trao trả tiền thì Hội đồng P mới phát hiện là đã trao trả nhầm tiền đền bù cho Hoàng Đình T nên Hội đồng P đã đến nhà Hoàng Đình T đề nghị T trả lại số tiền 50 triệu đồng nhưng Hoàng Đình T kiên quyết không trả. Vậy T có phạm tội không? Nếu có thì đó là tội gì?
Công ty Luật TNHH Sao Sáng trả lời liên quan đến câu hỏi của quý khách hàng như sau:
Việc cầm nhầm số tiền của người khác nhưng khi được yêu cầu trả lại thì không trả của Hoàng Đình T có thể được coi là hành vi “Chiếm giữ tài sản trái phép” - Chiếm giữ tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp của tài sản hoặc không giao nộp cho cơ quan có thẩm quyền khi tài sản bị giao nhầm hoặc do mình tìm được.
Trường hợp người có hành vi không trả lại tiền do được giao nhầm theo yêu cầu của chủ sở hữu thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản, căn cứ Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015, được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật Sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“Điều 176. Tội chiếm giữ trái phép tài sản
1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.”
Chúng tôi xin phân tích cấu thành tội “chiếm giữ trái phép tài sản” để quý khách hàng có thể hiểu rõ hơn về tội phạm này như sau:
1. Khách thể: Hành vi này xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác.
Anh Hoàng Đình T xâm phạm đến quyền quản lý hợp pháp số tiền 50 triệu đồng của Hội đồng P.
2. Chủ thể: Người thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản phải là người có năng lực trách nhiệm hình sự, đủ độ tuổi và nhận thức để chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
3. Mặt khách quan:
- Về hành vi:
+ Người phạm tội có được tài sản là do bị bị giao nhầm hoặc do người phạm tội tìm được, bắt được.
+ Người phạm tội có hành vi cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã có yêu cầu hoặc thông báo của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hợp pháp hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Anh Hoàng Đình T đã nhận số tiền 50 triệu đồng do Hội đồng P giao nhầm, khi phát hiền được vụ việc Hội đồng P đã yêu cầu anh Hoàng Đình T trao trả lại số tiền trên nhưng anh T nhất quyết không trả.
- Về mặt hậu quả: Tài sản bị giao nhầm, tìm được, nhặt được có giá từ 10.000.000 đồng đã bị người phạm tội chiếm giữ trái phép, hoặc dưới 10.000.000 đồng với tài sản là tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
Số tiền 50 triệu đồng bị anh Hoàng Đình T chiếm giữ trái phép của Hội đồng P không thể lấy lại được.
4. Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện hành vi chiếm giữ tài sản với lỗi cố ý, tức là họ ý thức được hành vi của mình là trái phép nhưng vẫn cố ý thực hiện nhằm mục đích chiếm đoạt hoặc sử dụng tài sản không đúng với ý muốn của chủ sở hữu.
Anh Hoàng Đình T đã cố ý không trả lại số tiền 50 triệu đồng cho Hội đồng P dù biết đây không phải tiền của mình, nhưng anh không trao trả lại số tiền trên với mong muốn chiếm giữ làm tài sản riêng của bản thân.
Kết luận: Như vậy, trong tình huống trên thì Hoàng Đình T không có hành vi lừa dối nào mà lại được Hội đồng P giao nhầm 50 triệu đồng. Nhưng khi Hội đồng P yêu cầu Hoàng Đình T trao trả lại 50 triệu đồng đã được giao nhầm đó thì T kiên quyết không trả. Hành vi đó của P là hành vi chiếm giữ trái phép tài sản. Do vậy, Hoàng Đình T có thể sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!