Hành vi sản xuất trái phép chất ma túy được quy định thế nào? Tội sản xuất trái phép chất ma túy đi tù bao lâu?
Các chất ma túy là các chất hóa học nguồn tự nhiên hoặc nhân tạo khi xâm nhập cơ thể con người sẽ có tác dụng làm thay đổi tâm trạng, ý thức và trí tuệ, làm con người bị lệ thuộc vào chúng, và cuối cùng gây nên những tổn thương cho từng cá nhân và cộng đồng.
Nắm được điều đó Nhà nước ta luôn thống nhất quản lý chất ma tuý theo một chế độ nghiêm ngặt. Bởi lẽ nếu không thống nhất và độc quyền quản lý các chất đó sẽ dẫn đến nguy cơ đe doạ nghiêm trọng an toàn, trật tự công cộng, sức khoẻ và sự phát triển lành mạnh của nòi giống, gây tác hại về nhiều mặt đối với đời sống xã hội. Do vậy, mọi hành vi vi phạm các quy định về chế độ độc quyền quản lý chất ma tuý đều bị coi là tội phạm và bị xử lý nghiêm khắc.
Căn cứ pháp lý
- Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017
- Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 1999)
1. Như thế nào được xem là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy?
Căn cứ tiểu mục 2.1 Mục II Thông tư liên tịch 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP (Hướng dẫn Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định như sau:
Tội sản xuất trái phép chất ma túy (Điều 193)
2.1. “Sản xuất trái phép chất ma túy” là làm ra chất ma túy (chế biến, điều chế…) bằng thủ công hoặc có áp dụng khoa học công nghệ từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất và các hóa chất hoặc làm ra chất ma túy này từ chất ma túy khác mà không được phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc không đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
Đối với các hành vi nhằm tạo thuận lợi cho việc sử dụng chất ma túy đã có sẵn như pha chế thuốc phiện thành dung dịch để tiêm chích, nghiền hêrôin từ bánh thành bột để hít… thì không coi là hành vi sản xuất trái phép chất ma túy."
Theo đó, hành vi sản xuất trái phép chất ma túy là hành vi làm ra chất ma túy bằng bất kỳ phương pháp gì, có thể là bằng thủ công hoặc bằng việc áp dụng khoa học công nghệ, có thể là chiết xuất ra chất ma túy từ cây có chứa chất ma túy, từ các tiền chất tạo ra chất ma túy hoặc điều chế ra chất ma túy mới từ chất ma túy khác, từ các tiền chất tạo ra chất ma túy. Việc sản xuất chất ma túy trái pháp luật, nghĩa là ko được sự cho phép của cơ quan có thẩm quyền hoặc ko đúng với nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép.
2. Sản xuất trái phép bao nhiêu gam chất ma túy thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự?
Căn cứ Điều 248 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định:
“Điều 248. Tội sản xuất trái phép chất ma túy
1. Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm.”
Theo đó, cấu thành của tội sản xuất trái phép chất ma túy không yêu cầu định lượng chất ma túy.
Người nào sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà không phụ thuộc vào yếu tố định lượng.
3. Tội sản xuất trái phép chất ma túy đi tù bao lâu?
Căn cứ Điều 248 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) quy định các khung hình phạt như sau:
3.1. Khung 1: phạt tù từ 02 năm đến 07 năm
- Đối với hành vi sản xuất trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào
3.2. Khung 2: phạt tù từ 07 năm đến 15 năm
- Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
+ Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 500 gam đến dưới 01 kilôgam;
+ Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 05 gam đến dưới 30 gam;
+ Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 20 gam đến dưới 100 gam;
+ Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 100 mililít đến dưới 200 mililít;
+ Tái phạm nguy hiểm;
+ Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm đ đến điểm h khoản này.
3.3. Khung 3: phạt tù từ 15 năm đến 20 năm
- Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Có tính chất chuyên nghiệp;
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng từ 01 kilôgam đến dưới 05 kilôgam;
+ Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng từ 30 gam đến dưới 100 gam;
+ Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng từ 100 gam đến dưới 300 gam;
+ Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích từ 200 mililít đến dưới 750 mililít;
+ Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm b đến điểm đ khoản này.
3.4. Khung 4: phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình
- Khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Nhựa thuốc phiện, nhựa cần sa hoặc cao côca có khối lượng 05 kilôgam trở lên;
+ Heroine, Cocaine, Methamphetamine, Amphetamine, MDMA hoặc XLR-11 có khối lượng 100 gam trở lên;
+ Các chất ma túy khác ở thể rắn có khối lượng 300 gam trở lên;
+ Các chất ma túy khác ở thể lỏng có thể tích 750 mililít trở lên;
+ Có 02 chất ma túy trở lên mà tổng khối lượng hoặc thể tích của các chất đó tương đương với khối lượng hoặc thể tích chất ma túy quy định tại một trong các điểm từ điểm a đến điểm d khoản này.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Như vậy tội sản xuất trái phép chất ma túy tùy vào từng trường hợp mà khung hình phạt cao nhất có thể lên đến 20 năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
Thêm vào đó, người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy phải là người đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có độ tuổi từ đủ 16 trở lên. Trong trường hợp phạm tội quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4 của Điều 248 Bộ luật hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017) thì người phạm tội có độ tuổi từ đủ 14 tuổi trở lên.
Người phạm tội sản xuất trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, dù đã nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi sản xuất các chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi sản xuất tội phạm chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.