TRANH CHẤP TÀI SẢN THỪA KẾ, BÀI HỌC ĐẮT GIÁ CHO TÌNH THÂN
Trong những năm gầy đây, những vụ việc đau lòng, chấn động dư luận liên tiếp diễn ra. Từ vụ trọng án anh trai chém cả nhà em ruột khiến 5 người thương vong tại Đan Phượng hay vụ đâm chết anh trai vì sợ giành nhà đất bố mẹ để lại tại TP. Hồ Chí Minh hoặc gần đây nhất là vụ 3 người con gái mang xăng đốt nhà mẹ đẻ ở Hưng Yên và không ít những vụ việc tranh chấp quyền thừa kế khác để lại hậu quả vô cùng ám ảnh. Vậy để tránh những trường hợp tranh chấp thừa kế dẫn đến vụ việc đau lòng như trên, bài viết này sẽ làm rõ hơn về quyền thừa kế và cách để lập di chúc hợp pháp.
1. Quyền thừa kế được quy định như nào trong bộ luật dân sự 2015?
Căn cứ điều 609 Bộ luật Dân sự 2015 thì Quyền thừa kế là quyền để lại tài sản của mình cho người khác sau khi chết, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Quyền để lại tài sản bao gồm: quyền lập di chúc để định đoạt tài sản của mình, để lại tài sản cho người thừa kế theo pháp luật. Quyền hưởng di sản bao gồm: quyền hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Chỉ có cá nhân mới có đầy đủ các quyền để lại di sản, hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Các cơ quan, tổ chức chỉ có quyền hưởng di sản theo di chúc.
Thừa kế theo di chúc là việc chuyển dịch tài sản thừa kế của người đã chết cho người còn sống theo sự định đoạt của người đó khi còn sống. Thừa kế theo di chúc được quy định tại chương XXII của Bộ luật Dân sự năm 2015.
Thừa kế theo pháp luật là việc dịch chuyển tài sản thừa kế của người đã chết cho người sống theo quy định của pháp luật nếu người chết không để lại di chúc hoặc để lại di chúc nhưng di chúc không hợp pháp. Thừa kế theo pháp luật được quy định tại chương XXIII của Bộ luật Dân sự năm 2015.
2. Quyền thừa kế quyền sử dụng đất là gì?
Điểm d, khoản 1 Điều 169 Luật Đất đai 2013 quy định “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư được nhận chuyển nhượng Quyền sử dụng đất thông qua nhận thừa kế Quyền sử dụng đất”. Như vậy, quyền thừa kế quyền sử dụng đất là quyền của cá nhân, thành viên hộ gia đình được để thừa kế quyền sử dụng đất của mình cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.
3. Trường hợp không được hưởng thừa kế
Theo Điều 621 Bộ luật Dân sự 2015, những người sau đây không được quyền hưởng di sản, cũng như quyền thừa kế nhà đất, bao gồm:
Trường hợp 1: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ hoặc về hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, xâm phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người đó.
Trường hợp 2: Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản.
Trường hợp 3: Người bị kết án về hành vi cố ý xâm phạm tính mạng người thừa kế khác nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền hưởng.
Trường hợp 4: Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, huỷ di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
Tuy nhiên, những người này vẫn được hưởng di sản, nếu người để lại di sản đã biết hành vi của những người đó, nhưng vẫn cho họ hưởng di sản theo di chúc.
Trường hợp 5: Con đã thành niên có khả năng lao động và toàn bộ di sản được thừa kế theo di chúc hợp pháp nhưng không cho người con đó hưởng thừa kế
4. Tư vấn lập di chúc hợp pháp theo quy định của pháp luật.
Khi lập di chúc cần lưu ý các quy định của pháp luật để có một bản di chúc hợp pháp và có hiệu lực pháp lý. Thủ tục lập di chúc cần lưu ý các vấn đề dưới đây:
Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 630 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:
- Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ hoặc cưỡng ép;
- Nội dung di chúc không trái pháp luật, đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của pháp luật.
Khi lập di chúc, có thể lựa chọn một trong các hình thức sau:
- Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng.
- Di chúc bằng văn bản có người làm chứng (Người làm chứng cho việc lập di chúc có thể bất kỳ người nào, trừ những người sau đây: Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc; Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc; Người chưa đủ mười tám tuổi, người không có năng lực hành vi dân sự);
- Di chúc bằng văn bản có công chứng;
- Di chúc bằng văn bản có chứng thực.
Trong di chúc, cần thể hiện rõ các nội dung nêu tại Điều 631 Bộ luật Dân sự, cụ thể như sau:
- Ngày, tháng, năm lập di chúc;
- Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;
- Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản hoặc xác định rõ các điều kiện để cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;
- Di sản để lại và nơi có di sản;
- Việc chỉ định người thực hiện nghĩa vụ và nội dung của nghĩa vụ (nếu có).
Lưu ý: Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu; nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được đánh số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.
Đối với di chúc bằng miệng cần lưu ý các điều kiện có hiệu lực của di chúc như sau:
- Căn cứ pháp luật: theo quy định tại Điều 627, Điều 629 và khoản 5 Điều 630 Bộ Luật Dân Sự 2015.
- Điều kiện có hiệu lực: theo quy định tại Điều 629 Bộ Luật Dân Sự 2015 khi tính mạng một người bị cái chết đe dọa và không thể lập di chúc bằng văn bản thì có thể lập di chúc miệng.
Theo khoản 5 Điều 630, việc di chúc miệng này do người lập di chúc thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng hoặc chứng thực.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về tranh chấp tài sản thừa kế và cách lập di chúc hợp pháp. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936653636 - 0965289963 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.