NGƯỜI NƯỚC NGOÀI THỪA KẾ DI SẢN LÀ BẤT ĐỘNG SẢN TẠI VIỆT NAM
Quyền thừa kế của người nước ngoài tại Việt Nam là quyền được pháp luật cho phép, tuy nhiên người nước ngoài cần phải đáp ứng một số điều kiện về mặt pháp lý để được hưởng phần di sản đó. Việc ghi nhận quyền này thông qua các quy định theo pháp luật dân sự nói chung và pháp luật trong lĩnh vực đất đai.
1. Người nước ngoài có được nhận thừa kế là nhà đất tại Việt Nam không?
Theo khoản 3 Điều 44 Luật đất đai 2024 quy định:
“Trường hợp tất cả người nhận thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất đều là người nước ngoài hoặc người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại khoản 1 Điều này thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định sau đây:
Trong trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì bên chuyển nhượng trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là người nhận thừa kế;
Trong trường hợp tặng cho quyền sử dụng đất thì người được tặng cho phải là đối tượng được quy định tại điểm e khoản 1 Điều 37 của Luật này và phù hợp với quy định của pháp luật về nhà ở, trong đó người nhận thừa kế được đứng tên là bên tặng cho trong hợp đồng hoặc văn bản cam kết tặng cho;
Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện theo ủy quyền bằng văn bản nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại tổ chức đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.”
Với quy định trên có thể khẳng định một lần nữa, người nước ngoài không được trực tiếp sở hữu bất động sản tại Việt Nam mà phải thông qua thủ tục chuyển nhượng để nhận phần giá trị của bất động sản hoặc tặng cho. Đây là một vấn đề rất quan trọng trong quyền thừa kế của người nước ngoài cần phải được nắm rõ.
Khi người nước ngoài được hưởng di sản tại Việt Nam cũng sẽ phát sinh một số hạn chế nhất định, đặc biệt là vấn đề liên quan đến bất động sản. Khác với động sản thì bất động sản tại Việt Nam không chỉ mang ý nghĩa về mặt giá trị mà còn mang ý nghĩa về mặt kinh tế và chủ quyền. Do đó, một người nước ngoài không thể được hưởng di sản là một bất động sản cụ thể tại Việt Nam, tức là không được sở hữu trực tiếp mà theo pháp luật quy định chỉ được hưởng phần giá trị được quy đổi ra bằng tiền. Như vậy, người nước ngoài được hưởng thừa kế sẽ không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.
Do đó, về thừa kế theo pháp luật, pháp luật Việt Nam cũng không cấm người nước ngoài được thừa kế theo pháp luật. Tuy nhiên, người nước ngoài phải có chứng cứ chứng minh rằng mối quan hệ huyết thống, thân thích giữa mình và người đã chết thì mới được xem xét. Điều này khác với công dân Việt Nam khi mặc nhiên tự động sẽ được xác nhận huyết thống. Với việc thừa kế theo pháp luật chắc hẳn sẽ là trường hợp khó khăn hơn so với thừa kế theo di chúc trong xác nhận mối quan hệ gia đình và hàng thừa kế cho người nước ngoài trong một số trường hợp nhất định.
2. Quy định về thừa kế theo pháp luật
Tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:
- Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:
+ Hàng thừa kế thứ nhất gồm:
Vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm:
Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm:
Cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết;
Cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; cháu ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
- Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.
- Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
3. Điều kiện để người nước ngoài được nhận thừa kế di chúc
Căn cứ Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về di chúc hợp pháp như sau:
- Di chúc hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:
+ Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép;
+ Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.
- Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.
- Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.
- Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015.
- Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.
Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng.