QUYỀN THỪA KẾ CỦA CON RIÊNG KHI KHÔNG CÓ TRONG SỔ HỘ KHẨU
Để được hưởng di sản thừa kế, người thừa kế phải đáp ứng nhiều quy định nêu tại Bộ luật Dân sự. Vậy có tên trong hộ khẩu có phải một trong các điều kiện không? Và con riêng không có trong hộ khẩu có được hưởng di sản không?
1. Phải có tên trong sổ hộ khẩu mới được hưởng thừa kế?
Hiện có hai hình thức nhận di sản thừa kế là hưởng di sản theo di chúc hoặc theo pháp luật. Và các cá nhân đều bình đẳng về quyền hưởng di sản so với người khác.
Người được hưởng di sản thừa kế được Điều 613 Bộ luật Dân sự định nghĩa như sau:
“Người thừa kế là cá nhân phải là người còn sống vào thời điểm mở thừa kế hoặc sinh ra và còn sống sau thời điểm mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản chết. Trường hợp người thừa kế theo di chúc không là cá nhân thì phải tồn tại vào thời điểm mở thừa kế”.
Theo đó, để được hưởng thừa kế thì cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
- Phải còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản thừa kế chết) hoặc sinh ra và còn sống sau khi mở thừa kế nhưng đã thành thai trước khi người để lại di sản thừa kế chết.
- Hưởng thừa kế theo di chúc:
- Di chúc hợp pháp.
- Được người để lại di chúc chỉ định là người hưởng thừa kế trong di chúc (có tên hưởng di sản trong di chúc).
- Không từ chối nhận di sản.
- Hưởng di sản theo pháp luật:
- Không có di chúc hoặc có nhưng di chúc không hợp pháp…
- Thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản thừa kế. Trong đó, hàng thừa kế gồm 03 hàng và người ở hàng sau chỉ được hưởng thừa kế khi người ở hàng thừa kế trước đó đều chết hết, không có quyền hưởng, bị truất quyền hoặc từ chối nhận di sản thừa kế (căn cứ Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015).
Có thể thấy, theo các quy định này, việc hưởng di sản thừa kế của một người không phụ thuộc vào việc người đó có cùng sổ hộ khẩu hay không mà căn cứ vào các điều kiện hưởng thừa kế theo di chúc hoặc theo quy định của pháp luật nêu ở trên.
2. Con riêng có được hưởng thừa kế không?
Để xét con riêng có được hưởng thừa kế không thì căn cứ vào hai hình thức nhận di sản (theo di chúc và theo pháp luật).
- Theo di chúc: Nếu trong di chúc của người chết có để tài sản của người đó cho con riêng thì người này hoàn toàn có quyền được hưởng thừa kế bởi di chúc được định đoạt theo ý chí của người để lại di sản thừa kế trừ trường hợp người con riêng từ chối nhận di sản thừa kế.
- Theo pháp luật: Do thừa kế theo pháp luật căn cứ vào các hàng thừa kế. Trong đó, tại hàng thừa kế thứ nhất có đề cập đến những người thừa kế: Vợ, chồng, cha mẹ đẻ, cha mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.
Do đó, tại hàng thừa kế thứ nhất chỉ nêu con đẻ mà không nói rõ là con trong giá thú hay con ngoài giá thú (con riêng). Do đó, nếu chứng minh được có quan hệ cha mẹ con với người để lại di sản thừa kế thì con riêng hoàn toàn được quyền hưởng di sản thừa kế theo pháp luật.
Như vậy, theo các phân tích ở trên, việc hưởng thừa kế chỉ phụ thuộc vào di chúc hoặc theo quy định của pháp luật mà không liên quan đến việc có tên trong hộ khẩu hay không. Đồng thời, nếu có tên trong di chúc hoặc nếu chứng minh được là con đẻ của người để lại di sản thừa kế thì con riêng vẫn được hưởng thừa kế.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về việc con riêng không có trong sổ hộ khẩu có được quyền thừa kế hay không. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 09366536 36 – 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.