Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

HÀNH VI XÂM PHẠM BÍ MẬT THƯ TÍN CỦA NGƯỜI KHÁC BỊ XỬ LÝ NHƯ THẾ NÀO?

13:25 CH
Thứ Sáu 13/09/2024
 68

Hiện nay, việc trao đổi thông tin được qua điện thoại di động, thư tín điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Chính vì vậy, thư tín, điện thoại, điện tín nói chung đóng vai trò là những “kênh” quan trọng, chứa đựng nhiều thông tin về bí mật đời tư, bí mật gia đình, bí mật kinh doanh của mỗi cá nhân, đây là quyền không thể bị người khác tự tiện xâm phạm. Việc xâm phạm bí mật thư tín là một trong các hành vi xâm phạm quyền riêng tư của cá nhân. Vậy hành vi nào bị coi là xâm phạm bí mật thư tín và mức xử phạt là bao nhiêu? Bài viết dưới đây, Luật Sao Sáng sẽ giúp bạn đọc hiểu rõ hơn các quy định của pháp luật về vấn đề này.

1. Xâm phạm bí mật thư tín gồm những hành vi nào?

Bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng khác là một trong những quyền của cá nhân mà pháp luật bảo vệ.

Khoản 2 Điều 21 Hiến pháp Việt Nam năm 2013 khẳng định: “Không ai được bóc mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác.”

Ngày nay, thư tín, điện tín, điện thoại… được thể hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như:

- Bằng thư viết tay, thư giấy...

- Được lưu trữ trong băng, đĩa bằng các hình ảnh, lời nói…

- Là thư, email... được soạn thảo trên máy tính, gửi cho người nhận thông qua mạng internet.

- Là tin nhắn trên điện thoại bằng chữ viết hoặc hộp thư thoại, hộp tin nhắn...

Trong đó, các hành vi xâm phạm bí mật thư tín phổ biến mà trong đời sống mỗi chúng ta sẽ thường xuyên bắt gặp là:

- Lén lút trộm cắp thư tín, điện báo… do người khác quản lý và xem, sử dụng thông tin trong đó mà không được người sở hữu hoặc người quản lý đồng ý

- Cầm hộ, nhận thư hộ người khác nhưng lại bóc ra xem

- Nghe trộm cuộc nói chuyện của người khác thông qua điện thoại

- Cha mẹ đọc tin nhắn của con, kiểm soát việc sử dụng điện thoại và cấm không cho con được nhắn tin, gọi điện cho bạn bè, thầy cô hoặc bắt xóa, kiểm tra các tin nhắn giữa con với bạn bè

Như vậy, có thể thấy, bất cứ hành vi xem, sử dụng, bóc mở… thư tín, điện thoại, điện tín nào không được sự cho phép của người sở hữu hoặc người được ủy quyền quản lý thư tín, điện thoại, điện tín… đều có thể coi là hành vi xâm phạm bí mật thư tín của người khác.

2. Hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của người khác bị xử lý ra sao?

2.1. Xử phạt hành chính

Cá nhân khi xâm phạm bí mật đời tư trong đó có thư tín, điện tín, điện thoại... của người khác có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng với các hành vi:

- Tiết lộ, phát tán bí mật đời tư của thành viên gia đình nhằm xúc phạm danh dự, nhân phẩm theo điểm a khoản 2 Điều 54 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

- Thu thập, sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý hoặc sau khi xâm phạm bí mật thư tín của người khác thì tiết lộ các thông tin này nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm e hoặc điểm m khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.

2.2. Chịu trách nhiệm hình sự

Hành vi xâm phạm bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của người khác có thể bị truy cứu hình sự về Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác theo Điều 159 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 như sau:

“Điều 159. Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác

1. Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

a) Chiếm đoạt thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông dưới bất kỳ hình thức nào;

b) Cố ý làm hư hỏng, thất lạc hoặc cố ý lấy các thông tin, nội dung của thư tín, điện báo, telex, fax hoặc văn bản khác của người khác được truyền đưa bằng mạng bưu chính, viễn thông;

c) Nghe, ghi âm cuộc đàm thoại trái pháp luật;

d) Khám xét, thu giữ thư tín, điện tín trái pháp luật;

đ) Hành vi khác xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín, telex, fax hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Phạm tội 02 lần trở lên;

d) Tiết lộ các thông tin đã chiếm đoạt, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm của người khác;

đ) Làm nạn nhân tự sát.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.”

Như vậy, người phạm tội này có thể bị phạt cảnh cáo, phạt tiền hoặc phạt tù tùy vào tính chất, mức độ của hành vi phạm tội.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp ý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .