Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Hình phạt là gì ? Các hình phạt đối với người phạm tội theo quy định hiện hành ? Hình phạt quản chế có thể được tuyên kèm với tất cả các loại hình phạt chính không ?

15:12 CH
Thứ Tư 16/10/2024
 12

Hình phạt là gì ? Các hình phạt đối với người phạm tội theo quy định hiện hành ? Hình phạt quản chế có thể được tuyên kèm với tất cả các loại hình phạt chính không ? Hãy cùng Luật Sao Sáng tìm hiểu trong bài viết này.

1. Hình phạt là gì ?

Căn cứ theo Điều 30 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về khái niệm hình phạt thì hình phạt được định nghĩa như sau:

Điều 30. Khái niệm hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.”

Như vậy, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người, pháp nhân thương mại phạm tội mà còn giáo dục họ ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống, ngăn ngừa họ phạm tội mới; giáo dục người, pháp nhân thương mại khác tôn trọng pháp luật, phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.

2. Các hình phạt đối với người phạm tội theo quy định hiện hành

Căn cứ theo Khoản 1,2 Điều 32 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 về các hình phạt đối với người phạm tội như sau:

Điều 32. Các hình phạt đối với người phạm tội

1. Hình phạt chính bao gồm:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền;

c) Cải tạo không giam giữ;

d) Trục xuất;

đ) Tù có thời hạn;

e) Tù chung thân;

g) Tử hình.

2. Hình phạt bổ sung bao gồm:

a) Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định;

b) Cấm cư trú;

c) Quản chế;

d) Tước một số quyền công dân;

đ) Tịch thu tài sản;

e) Phạt tiền, khi không áp dụng là hình phạt chính;

g) Trục xuất, khi không áp dụng là hình phạt chính.”

Như vậy, hình phạt được chia làm 2 loại: Hình phạt chính và hình phạt bổ sung.

Hình phạt chính gồm 7 hình phạt : Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân và tử hình.

Hình phạt bổ sung gồm 7 hình phạt: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; Cấm cư trú; Quản chế; Tước một số quyền công dân; Tịch thu tài sản; Phạt tiền (khi không áp dụng là hình phạt chính); Trục xuất (khi không áp dụng là hình phạt chính).

3. Hình phạt quản chế có thể được tuyên kèm với tất cả các loại hình phạt chính không ?

Căn cứ theo quy định tại Điều 43 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017  về quản chế như sau:

Điều 43. Quản chế

Quản chế là buộc người bị kết án phạt tù phải cư trú, làm ăn sinh sống và cải tạo ở một địa phương nhất định dưới sự kiểm soát, giáo dục của chính quyền và nhân dân địa phương. Trong thời gian quản chế, người bị kết án không được tự ý ra khỏi nơi cư trú, bị tước một số quyền công dân theo quy định tại Điều 44 của Bộ luật này và bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định.

Quản chế được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Thời hạn quản chế là từ 01 năm đến 05 năm, kể từ ngày chấp hành xong hình phạt tù.”

Theo đó, hình phạt chính bao gồm nhiều hình phạt khác nhau theo khoản 1 Điều 32 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Mà hình phạt quản chế chỉ được áp dụng với những người bị kết án phạt tù cũng như chỉ được áp dụng đối với người phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, người tái phạm nguy hiểm hoặc trong những trường hợp khác do Bộ luật này quy định.

Như vậy, không phải trường hợp nào hình phạt quản chế cũng có thể được tuyên kèm với các loại hình phạt chính theo quy định của pháp luật.

4. Người chấp hành án phạt quản chế có được sinh sống cùng gia đình không ?

Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 114 Luật thi hành án dân sự 2019 về quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế như sau:

Điều 114. Quyền và nghĩa vụ của người chấp hành án phạt quản chế

1. Người chấp hành án có các quyền sau đây:

a) Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế;

b) Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra;

c) Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế;

d) Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại theo quy định tại Điều 117 của Luật này.”

Theo quy định trên thì người chấp hành án phạt quản chế có các quyền sau đây:

- Sinh sống cùng gia đình tại nơi quản chế;

- Lựa chọn việc làm thích hợp, trừ những ngành, nghề hoặc công việc mà người chấp hành án không được làm theo quy định của pháp luật; được hưởng thành quả lao động do mình làm ra;

- Tự do đi lại trong phạm vi xã, phường, thị trấn nơi quản chế;

- Được xét miễn chấp hành thời hạn quản chế còn lại theo quy định tại Điều 117 của Luật này.

Như vậy, người chấp hành án phạt quản chế có quyền sống với gia đình tại nơi quản chế. Nếu gia đình ở ngoài nơi quản chế thì người chấp hành án phạt quản chế sẽ không được quyền sống với gia đình.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .