Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Mua nhầm đồ bị trộm cắp có bị xử lý hình sự không?

10:19 SA
Thứ Năm 24/06/2021
 10309

Ngày nay, việc mua lại xe máy đã qua sử dụng không còn quá xa lạ gì với người dân, bởi vì bỏ ra một số tiền quá lớn để mua một chiếc xe mới sẽ là một vấn đề khá là khó khăn đối với nhiều người. Chính vì vậy, có không ít người vẫn lựa chọn cách mua lại một chiếc xe máy cũ để tiện việc đi lại và tiết kiệm được nhiều chi phí hơn. Tuy nhiên, nếu một ngày nào đó bạn phát hiện tài sản mình mua là đồ trộm cắp thì bạn có bị truy cứu trách nhiệm hình sự hay không? Mình cần phải làm gì để bảo vệ quyền lợi của bản thân?

1/ Có bị xử lý hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do trộm cắp mà có

Theo quy định tại khoản 1 Điều 323 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 (BLHS 2015) quy định:

Điều 323. Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có

1. Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Bên cạnh đó, theo hướng dẫn khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Thông tư liên tịch số: 09/2011/TTLT-BCA-BQP-BTP-NHNNVN-VKSNDTC-TANDTC giải thích từ ngữ “tài sản do người khác phạm tội mà có” và “biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” như sau:

  • Tài sản do người khác phạm tội mà có” là tài sản do người phạm tội có được trực tiếp từ việc thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: tài sản chiếm đoạt được, tham ô, nhận hối lộ…) hoặc do người phạm tội có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ việc họ thực hiện hành vi phạm tội (ví dụ: xe máy có được từ việc dùng tiền tham ô để mua).

  • Biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có” là có căn cứ chứng minh biết được tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội hoặc có được từ việc mua bán, đổi chác bằng tài sản có được trực tiếp từ người thực hiện hành vi phạm tội.

Theo đó, hành vi khách quan của tội phạm này là hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản mà biết rõ là do người khác phạm tội mà có. Trong đó, tài sản do người khác phạm tội mà có được hiểu là tài sản đang được một người chiếm hữu không hợp pháp và tài sản đó là đối tượng của tội phạm mà họ thực hiện trước đó như tội phạm thuộc nhóm tội chiếm đoạt tài sản (trong tình huống trên là tội trộm cắp tài sản theo quy định tại Điều 173 BLHS 2015) hoặc tội phạm khác.

Mặt khác, hành vi phạm tội tiêu thụ tài sản chỉ cấu thành Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có khi không có sự hứa hẹn trước. Nếu có sự hứa hẹn trước sẽ tiêu thụ, thu mua tài sản trộm cắp thì hành vi của người tiêu thụ là hành vi của một đồng phạm với tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức cho người đã thực hiện hành vi trộm cắp tài sản.

Nếu như người có hành vi chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản nhưng không hề biết tài sản mình mua là do trộm cắp mà có thì trường hợp này chỉ là một giao dịch dân sự thông thường, hành vi của người mua không phải là hành vi phạm tội, do vậy không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2/ Người mua có thể làm gì để bảo vệ quyền lợi của mình

Hoạt động mua bán xe được xem là một giao dịch dân sự theo quy định tại Điều 116 Bộ luật dân sự 2015 (BLDS 2015). Mặt khác theo quy định tại Điều 117 và 122 BLDS 2015 thì để một giao dịch dân sự có hiệu lực cần đáp ứng đủ 04 điều kiện cơ bản sau:

- Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;

- Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;

- Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

- Đáp ứng điều kiện về hình thức của giao dịch khi luật có quy định.

Một giao dịch dân sự vi phạm bất kỳ điều kiện nào kể trên thì sẽ bị vô hiệu và khi bị vô hiệu thì các bên phải khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận. Trường hợp không thể hoàn trả bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả theo quy định tại khoản 2 Điều 131 BLDS 2015.

Vì thế, trong trường hợp phát hiện chiếc xe máy là tang vật của một vụ trộm cắp thì nội dung của giao dịch này bị coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của pháp luật. Người mua không thể tiếp tục sử dụng phương tiện và cần khai báo kịp thời, nghiêm chỉnh cho cơ quan có thẩm quyền.

Người mua có quyền yêu cầu người bán trả lại cho nhau những gì đã nhận. Nếu bên bán không trả lại thì người mua có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu giải quyết theo quy định pháp luật.

Tóm lại, để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mình, tránh rơi vào tình cảnh tiền mất tật mang như trường hợp này thì trước khi mua xe mọi người cần phải tìm hiểu thật kỹ về nguồn gốc của chiếc xe, xe có giấy tờ hợp pháp không, có trong tình trạng đang bị cầm cố, thế chấp hay tranh chấp gì không… Và đừng quên đi thay đổi đăng ký xe, sang tên chủ mới tại cơ quan có thẩm quyền để xác nhận quyền sở hữu hợp pháp của mình cũng như có cơ sở giải quyết các vấn đề phát sinh sau này.

Công ty Luật TNHH Sao Sáng với đội ngũ luật sư, chuyên viên hỗ trợ pháp lý có nhiều năm kinh nghiệm, chúng tôi luôn sẵn sàng giải đáp những thắc mắc các câu hỏi liên quan đến mọi lĩnh vực, để tư vấn cho Quý khách hàng có những phương hướng tối ưu và hiệu quả.

Trân trọng Kính chào!

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .