Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

Nhận diện dấu hiệu tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

15:57 CH
Thứ Sáu 04/10/2024
 312

Nhận diện rõ dấu hiệu của hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” hoặc “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” ở tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, là yêu cầu quan trọng trong giải quyết các vụ án liên quan đến tội danh này.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các tội thuộc nhóm tội về xâm phạm quyền sở hữu tài sản. Tội phạm này có đặc trưng là thông qua hợp đồng vay, mượn, thuê tài sản hoặc nhận tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hoặc đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

Thực tiễn trong công tác điều tra, truy tố, xét xử tại một số cơ quan tố tụng, một số địa phương còn tình trạng chưa nhận diện dấu hiệu của hành vi dùng thủ đoạn gian dối” hoặc “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả” trong một số trường hợp cụ thể; thực tế là trong rất nhiều vụ án, việc nhận diện những dấu hiệu của những hành vi đã nêu đòi hỏi phải qua điều tra, làm rõ mới xác định được dấu hiệu tội phạm. Do đó việc đưa ra một số trường hợp cụ thể về phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản để nghiên cứu và nhận diện là rất cần thiết để góp phần cho công tác điều tra, truy tố, xét xử đảm bảo đúng người, đúng tội, không gây oan sai cho người không phạm tội.

1. Nhận diện hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”

1.1. Quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 175 BLHS 2015, quy định về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản cụ thể như sau:

Người nào thực hiện một trong các hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

 a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

1.2. Nhận diện hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”

Hiện nay, khi nộp đơn tố giác tội phạm đối với tội này thì rất ít các trường hợp đương sự cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho hành vi phạm tội của người bị tố giác. Tuy nhiên, do “thói quen” nên một số ít cơ quan tố tụng khi nhận đơn tố giác tội phạm đối với tội này thuộc hai trường hợp đã nêu trên thường sẽ ra thông báo trả lại đơn và chỉ dẫn đương sự khởi kiện vụ án dân sự do không có dấu hiệu tội phạm. Việc trả lại đơn và vội vàng cho rằng không có dấu hiệu tội phạm như vậy là không phù hợp và cần phải được chấn chỉnh kịp thời.

Mới đây, VKSNDTC đã có Công văn số 4962/VKSTC-V14 ngày 15/11/2023 về việc giải đáp khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của các đơn vị, Viện kiểm sát các cấp qua sơ kết, giao ban công tác 9 tháng đầu năm 2023 đã nêu:

“Trường hợp một người nhờ người khác bán hộ tài sản và xác định thời hạn phải trả lại tiền, người bán hộ tài sản sau khi bán được, hưởng hoa hồng theo thỏa thuận và không trả lại tiền mặc dù đã quá hạn thanh toán, người này nêu lý do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) thì có áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 để xử lý hay không?

Trả lời: Điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015 quy định: “Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”.

Vì vậy, trong trường hợp nêu trên, để thỏa mãn hành vi khách quan của tội phạm theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015, thì phải đáp ứng cả 02 điều kiện: (1) đến thời hạn trả lại tiền; (2) vào thời hạn trả lại tiền đó, người phạm tội có điều kiện, khả năng trả lại tài sản nhưng cố tình không trả. Do đó, đối với trường hợp nêu trên, mặc dù đối tượng nêu lý do không có tiền để trả lại do số tiền bán được tài sản đã ăn tiêu hết (đi chơi, ăn nhậu, hát karaoke...) nhưng cơ quan có thẩm quyền vẫn phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả thì mới có căn cứ áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175 BLHS năm 2015”.

Như vậy, mô hình chung, để xem xét hành vi của người nào đó có phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt thuộc hành vi này hay không thì bắt buộc các cơ quan tố tụng cần phải điều tra, làm rõ về việc đối tượng có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả hay không để làm căn cứ áp dụng pháp luật.

2. Nhận diện hành vi “dùng thủ đoạn gian dối”

2.1. Quy định về quyền sở hữu tài sản

Điều 158 BLDS năm 2015 quy định: “Quyền sở hữu bao gồm quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của luật”.

Điều 105 BLDS năm 2015 quy định:

“1. Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.

2. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong những tội thuộc nhóm tội xâm phạm về quyền sở hữu tài sản. Do đó, khi điều tra, truy tố, xét xử về tội này, những người tiến hành tố tụng hoặc cơ quan tiến hành tố tụng cần xem bản chất và nội dung thỏa thuận của các bên trong hợp đồng cụ thể.

2.2. Nhận diện hành vi “dùng thủ đoạn gian dối”

Qua thực tiễn xét xử đối với các tội này có thể khẳng định rằng, người nào thông qua hợp đồng để nhận tài sản nhưng không có đầy đủ các quyền của chủ sở hữu tài sản nhưng lại thực hiện hành vi như một chủ sở hữu tài sản đích thực để chiếm đoạt tài sản đều được coi là hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” và đều bị xử lý về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Bản án số 70/2023/HS-ST ngày 31/8/2023 của TAND thị xã H, tỉnh T; Bản án số 09/2023/HS-ST ngày 06/11/2023 của TAND huyện Đ, tỉnh Đ hay nhiều bản án khác được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Tòa án đều có tình tiết, sự kiện pháp lý là: lợi dụng lòng tin của B nên A thuê xe hoặc mượn xe (trị giá trên 4 triệu đồng) của B, sau đó A đem xe đi cầm cố hoặc bán cho C để lấy tiền, chiếm đoạt tài sản của B.

Rõ ràng, căn cứ vào hợp đồng thuê hoặc hợp đồng mượn tài sản được quy định tại Điều 472 hoặc 494 của BLDS năm 2015 thì A chỉ có quyền sử dụng, chiếm hữu tài sản, không có quyền định đoạt, tức là A không có quyền của một chủ sở hữu đích thực nhưng A đem tài sản đi cầm cố hoặc bán tài sản cho người khác để chiếm đoạt tài sản và không trả tài sản cho người đã cho thuê hoặc mượn là A đã có hành vi “dùng thủ đoạn gian dối” để chiếm đoạt tài sản, nên hành vi của A đã đủ yếu tố cấu thành tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Riêng đối với một số hợp đồng như vay tài sản, mua bán tài sản, hợp đồng góp hụi thì bên nhận được tài sản đã có quyền sở hữu tài sản theo quy định của pháp luật nên việc họ sử dụng tài sản đó một cách hợp pháp mà không có dấu hiệu khác của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản thì hành vi đó không được xem là tội phạm.

Tương tự như trường hợp phổ biến như đã nêu trên, trường hợp, D đưa tiền cho E 3 tỷ đồng, hai bên thỏa thuận D đưa tiền E gửi ngân hàng giúp (hợp đồng gửi giữ tài sản theo Điều 554 BLDS 2015), tiền lãi sẽ chia đôi, đến khi D cần trả tiền mua đất thì E phải rút tiền từ ngân hàng về đưa cho D. Tuy nhiên, đến hạn E lại cho rằng đã lấy tiền đó đi đầu tư để kiếm lời nhưng bị thua lỗ nên không trả được cho D. Như vậy, theo căn cứ theo hợp đồng gửi giữ tài sản giữa hai bên thì E không phải là chủ sở hữu tài sản đích thực đối với số tiền đó, E chỉ nhận giữ hộ tiền và gửi giúp vào tài khoản ngân hàng do mình đứng tên nhưng tự ý lấy số tiền đó đi đầu tư (thực hiện quyền của chủ sở hữu tài sản) thì chúng ta có thể áp dụng tương tự pháp luật như trường hợp thuê, mượn xe như đã nêu trên để xử lý hình sự đối với hành vi của E về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

3. Đề xuất, kiến nghị

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một tội có yếu tố cấu thành tội phạm đặc biệt là hành vi “đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả”. Do đó, đòi hỏi các cơ quan tố tụng bắt buộc phải tiến hành hoạt động điều tra, làm rõ để chứng minh từng hành vi cụ thể tương ứng trong 4 hành vi của tội này. Từ đó, cơ quan tố tụng mới có kết quả xử lý đơn tố giác tội phạm của đương sự bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Khi xử lý hình sự về tội này, các cơ quan tố tụng cần xem xét thấu đáo bản chất, nội dung thỏa thuận đối với từng loại hợp đồng cụ thể của các đương sự để nhận diện dấu hiệu phạm tội một cách chính xác trong từng trường hợp cụ thể./.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .