Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ HÀNH VI KHÔNG CỨU GIÚP NGƯỜI ĐANG TRONG TÌNH TRẠNG GẶP NGUY HIỂM ĐẾN TÍNH MẠNG

16:22 CH
Thứ Hai 06/02/2023
 480

Thời gian gần đây, các phương tiện truyền thông đã đăng tải nhiều bài viết về việc “Khởi tố nữ tài xế ô tô không cứu giúp người bị tai nạn giao thông” ở trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh về tội “không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng”. Bài viết đã nhận được nhiều sự quan tâm, thắc mắc của bạn đọc. Trong một số trường hợp, việc giúp đỡ người khác không chỉ là vấn đề đạo đức xã hội mà còn là trách nhiệm pháp lý, nếu bỏ trốn nhằm trốn tránh nghĩa vụ cứu giúp nạn nhân thì đây là hành vi vi phạm pháp luật. Công ty Luật TNHH Sao Sáng xin gửi tới bạn đọc về quy định Điều 132 của Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội “Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm”:

1. Quy định của pháp luật

Theo điều 132 Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 quy định về “Tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng” như sau:

1. Người nào thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm;

b) Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp.

3. Phạm tội dẫn đến hậu quả 02 người trở lên chết, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm.

4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm

2. Các yếu tố cấu thành tội phạm

Về khái niệm: Không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là hành vi của người mà khi biết được người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm có thể bị chết mặc dù có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc tình trạng đó làm cho nạn nhân bị chết.

Tội không cứu giúp người đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có những dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản như sau:

2.1. Chủ thể

Bất cứ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực TNHS. Ngoài ra, chủ thể phải là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp người khác đang trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

​​​​​​​​​​​​​​2.2. Khách thể

Tội không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đã gián tiếp xâm phạm đến tính mạng của người khác. Do đó khách thể trực tiếp của tội phạm này là quyền được sống, được tôn trọng và bảo vệ tính mạng. Trong trường hợp này, người phạm tội đã không tuân thủ xử sự cứu giúp người khi họ đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng.

​​​​​​​​​​​​​​2.3. Mặt chủ quan

Tội phạm thực hiện dưới hình thức lỗi vô ý hoặc cố ý gián tiếp

​​​​​​​2.4. Mặt khách quan

Người phạm tội có điều kiện cứu giúp. Điều kiện của người cứu giúp được đánh giá qua nhiều cơ sở khác nhau như năng lực chủ quan, điều kiện khách quan cụ thể.

Tội phạm được thực hiện bằng không hành động. Không cứu giúp là trường hợp người phạm tội thấy người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, có điều kiện cứu giúp nhưng đã bỏ mặc, lờ đi nên nạn nhân bị chết. Ví dụ, người biết bơi, người lái đò khi thấy người sắp chết đuối kêu cứu nhưng bỏ mặc. Người lái xe ô tô, xe máy khi thấy một người bị thương nặng ở bên đường nhưng không đưa họ đi cấp cứu…Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng là người đang gặp rủi ro hoặc gặp tai nạn, đang bị đe dọa trực tiếp đến sự sống, nếu không kịp thời cứu chữa thì sẽ bị chết. Tình trạng nguy hiểm đến tính mạng có thể do khách quan đưa lại, do chính nạn nhân gây ra hoặc do người khác vô ý gây ra.

Hậu quả chết người là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm, đồng thời xem xét điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, mối quan hệ nhân quả giữa hành vi không cứu giúp và hậu quả chết người.

3. Trách nhiệm hình sự

Điều 132 BLHS năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định khung hình phạt như sau:

- Khung 1. Quy định hình phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

- Khung 2. Quy định hình phạt tù từ 01 năm đến 05 năm áp dụng đối với các trường hợp:

+ Người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm. Vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm đến tính mạng người khác là do sơ suất, cẩu thả mà không thấy trước khả năng gây ra tình trạng nguy hiểm đó. Ví dụ A đi xe máy và chạm với B trên bờ sông đã làm B rơi xuống sông và A đã bỏ đi không cứu giúp…

+ Người không cứu giúp là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp như: bác sĩ, cảnh sát phòng cháy chữa cháy, người lái đò,…Đây là tình tiết tăng nặng TNHS.

- Khung 3. Quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm trường hợp dẫn đến hậu quả 02 người chết trở lên.

- Hình phạt bổ sung: người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đó là chức vụ, nghề nghiệp, công việc liên quan trực tiếp đến trường hợp phạm tội như: lái xe, quản lý bến đò, nghề lái đò, bác sĩ, cảnh sát giao thông,…

Tóm lại, hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng gặp nguy hiểm đến tính mạng, có thể bị phạt phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm; bị phạt tù từ 03 tháng đến 07 năm căn cứ theo mức độ hành vi, hậu quả. Ngoài ra, người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc quy định pháp luật về hành vi không cứu giúp người đang trong tình trạng gặp nguy hiểm đến tính mạng. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .