Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VIỆT NAM VỀ HÀNH VI NHẬN HỐI LỘ VÀ ĐƯA HỐI LỘ

14:30 CH
Thứ Năm 20/07/2023
 1002

Hành vi nhận hối lộ của một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn đã tạo thành ảnh hưởng xấu đến uy tín của cả bộ máy nhà nước. Hành vi này cần phải có chế tài xử lý thích hợp. Dưới đây là quy định pháp luật Việt Nam về xử lý hành vi đưa, nhận hối lộ.

Căn cứ pháp lý:

  • Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017;

  • Luật phòng chống tham nhũng năm 2018.

1. Hành vi đưa, nhận hối lộ là gì?

1.1. Hành vi nhận hối lộ

Quy định tại Điều 354 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017:

“Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ.”

Hành vi nhận hối lộ có thể được thực hiện trực tiếp hoặc qua trung gian. 

+ Nhận hối lộ trực tiếp là trường hợp người có chức vụ, quyền hạn trực tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ không qua người khác (ví dụ như nhận tiền hối lộ từ tay người đưa hối lộ), thực hiện thông qua các loại hình dịch vụ, (ví dụ như dịch vụ chuyển tiền, hàng hoá của ngân hàng hoặc bưu điện). Nhận hối lộ trực tiếp còn có thể là trường hợp tuy chưa nhận của hối lộ song người có chức vụ, quyền hạn đã trực tiếp thỏa thuận với người đưa hối lộ thông qua gặp mặt hoặc trao đổi qua điện thoại, thư điện tử… 

+ Trường hợp nhận hối lộ qua trung gian thì người có chức vụ, quyền hạn gián tiếp nhận của hối lộ từ người đưa hối lộ thông qua người khác (thông qua người môi giới hối lộ). Qua trung gian không nhất thiết là chỉ qua người thứ ba mà có thể qua nhiều người, nhiều khâu nhưng cuối cùng thì tiền, tài sản hoặc lợi ích khác của người đưa hối lộ cũng đến với người nhận hối lộ. Trường hợp người nhận thỏa thuận việc hối lộ với người đưa và nhận của hối lộ qua người môi giới hối lộ thì cũng được coi là gián tiếp nhận hối lộ.

1.2. Hành vi đưa hối lộ

Quy định tại 364 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 hành vi đưa hối lộ:

“Người nào trực tiếp hay qua trung gian đã đưa hoặc sẽ đưa cho người có chức vụ, quyền hạn hoặc người khác hoặc tổ chức khác bất kỳ lợi ích nào sau đây để người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ”.

1.3. Người có chức vụ, quyền hạn

Khoản 2 Điều 3 Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định:

Người có chức vụ, quyền hạn là người do bổ nhiệm, do bầu cử, do tuyển dụng, do hợp đồng hoặc do một hình thức khác, có hưởng lương hoặc không hưởng lương, được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ nhất định và có quyền hạn nhất định trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó, bao gồm:

- Cán bộ, công chức, viên chức;

- Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, công nhân công an trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân;

- Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

- Người giữ chức danh, chức vụ quản lý trong doanh nghiệp, tổ chức;

- Những người khác được giao thực hiện nhiệm vụ, công vụ và có quyền hạn trong khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ đó.

2. Xử lý vi phạm hành vi đưa, nhận hối lộ

2.1. Tội nhận hối lộ

- Phạt tù 02-07 năm khi nhận lợi ích sau đây:

+ Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng - dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích

+ Lợi ích phi vật chất

Tùy theo mức độ, tính chất cũng như giá trị thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù cao nhất lên đến 20 năm tù, tù chung chân hoặc tử hình.

Ngoài ra, bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01- 05 năm, phạt tiền, tịch thu tài sản.

Quy định tại ĐIều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015, Hình phạt tử hình sẽ không áp dụng hoặc không thi hành đối với những đối tượng sau:

- Người dưới 18 tuổi khi phạm tội;

- Phụ nữ có thai, đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi; 

- Người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc xét xử và người bị kết án tử hình về tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

2.2. Tội đưa hối lộ 

- Phạt tiền từ 20-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm oặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi đưa cho người nhận hối lộ lợi ích sau đây:

+ Tiền, tài sản, lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

+ Lợi ích phi vật chất.

Tùy theo mức độ, tính chất cũng như giá trị thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tù lên đến 20 năm tù.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Lưu ý:

Người bị ép buộc đưa hối lộ mà chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì được coi là không có tội và được trả lại toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Người đưa hối lộ tuy không bị ép buộc nhưng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự và được trả lại một phần hoặc toàn bộ của đã dùng để đưa hối lộ.

Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc đối với nội dung “Quy định pháp luật Việt Nam về hành vi nhận hối lộ và đưa hối lộ”. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất.

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .