Quy trình tố giác, báo tin về tội phạm
Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng. Tố giác, báo tin về tội phạm vừa là quyền, vừa là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân nhằm góp phần giữ gìn an ninh trật tự xã hội, phòng ngừa vi phạm pháp luật và đấu tranh phòng, chống tội phạm, được thực hiện theo trình tự thủ tục luật định.
1. Căn cứ pháp lý
- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;
- Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
- Thông tư 28/2020/TT-BCA ngày 26/3/2020 về trình tự, thủ tục tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
2. Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm
Quyền và nghĩa vụ của người tố giác, báo tin về tội phạm được quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự, cụ thể:
- Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giữ bí mật việc tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố, bảo vệ tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp khác của họ, người thân thích của họ khi bị đe dọa
- Được thông báo kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
- Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
- Người tố giác tội phạm được yêu cầu biện pháp bảo vệ: Khi có căn cứ xác định tính mạng, sức khỏe, tài sản, danh dự, nhân phẩm của mình bị xâm hại hoặc bị đe dọa xâm hại do việc cung cấp chứng cứ, tài liệu, thông tin liên quan đến tội phạm thì người tố giác tội phạm có quyền đề nghị được bảo vệ bởi cơ quan có thẩm quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ. Khi xét thấy có căn cứ, tính xác thực của đề nghị, yêu cầu bảo vệ thì cơ quan, người có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ sẽ ra quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ. Trường hợp xét thấy không cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ thì phải giải thích rõ lý do cho người đã yêu cầu, đề nghị biết.
- Có mặt theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền giải quyết nguồn tin về tội phạm, trình bày trung thực về những tình tiết mà mình biết về sự việc.
3. Quy trình tố giác, báo tin về tội phạm
Bước 1: Xác định cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm
Việc xác định cơ quan Công an các cấp có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố được quy định tại Điều 9 và Điều 268 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Thẩm quyền tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của cơ quan Công an tương ứng với thẩm quyền xét xử của Tòa án. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện; Cơ quan An ninh điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Cơ quan An ninh điều tra, cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an có chức năng giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.
Bước 2: Tiến hành tố giác, báo tin về tội phạm
Cơ quan, tổ chức, cá nhân tố giác, báo tin về tội phạm và kiến nghị khởi tố có thể bằng các hình thức sau:
- Trực tiếp đến trình báo hoặc tố giác, báo tin qua điện thoại tới cơ quan có thẩm quyền.
- Bằng văn bản (gửi trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính (bưu điện) tới cơ quan có thẩm quyền.
Khi tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố tới cơ quan có thẩm quyền, cá nhân, cơ quan, tổ chức tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố cần cung cấp đầy đủ các thông tin, tài liệu và trình bày rõ những hiểu biết của mình liên quan đến tội phạm mà mình tố giác, báo tin.
Cơ quan điều tra của công an nhân dân phải tổ chức trực ban hình sự 24/24 giờ để tiếp nhận đầy đủ mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, người phạm tội tự thú, đầu thú, người bị bắt trong trường hợp đang có quyết định truy nã, các trường hợp phạm tội quả tang; tiếp nhận hồ sơ giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, hồ sơ vụ án hình sự do các cơ quan, đơn vị khác chuyển đến; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bào chữa cho người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt trong trường hợp phạm tội quả tang hoặc theo quyết định truy nã, người bị tạm giữ, bị can; tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Bước 3: Theo dõi kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố
Khi hết thời hạn 03 ngày kể từ ngày tố giác, báo tin về tội phạm, kiến nghị khởi tố mà chưa nhận được thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Khi hết thời gian giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 147 Bộ luật Tố tụng hình sự mà chưa nhận được văn bản thông báo kết quả giải quyết thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền đề nghị cơ quan tiếp nhận thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.
Trên đây là nội dung Luật Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc về quy trình tố giác báo tin tội phạm như thế nào. Nếu có vấn đề nào còn thắc mắc hoặc cần được hỗ trợ vui lòng liên hệ với chúng tôi qua email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936 65 36 36 - 0972172757 để được tư vấn, hỗ trợ nhanh nhất.