Công ty luật TNHH Sao Sáng

luatsaosang@gmail.com 0936653636

TỐ CÁO MÀ KHÔNG CÓ BẰNG CHỨNG CỤ THỂ THÌ CÓ DẤU HIỆU CỦA TỘI VU KHỐNG HAY KHÔNG?

9:42 SA
Thứ Năm 28/12/2023
 409

Người tố cáo không cung cấp chứng cứ mà chỉ đưa bản tường trình sự việc của mình tố cáo thôi vậy có coi là chứng cứ để làm xác minh không? Tố cáo thiếu chứng cứ có phạm tội vu khống không? Sau đây hãy cùng Luật Sao Sáng cùng nhau giải đáp những thắc mắc này nhé.

 

I. Tố cáo là gì?

Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức".

Như vậy, xét về bản chất việc thực hiện quyền tố cáo thể hiện mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân mà trong đó bên đi tố cáo báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.

Bản chất của tố cáo được xem xét dưới các khía cạnh sau đây:

Một là: chủ thể thực hiện quyền tố cáo chỉ là công dân. Khác với khiếu nại, là cả công dân, cơ quan, tổ chức đều có quyền khiếu nại. Quy định này nhằm cá thể hoá trách nhiệm của người tố cáo, nếu có hành vi cố ý tố cáo sai sự thật thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Hai là: đối tượng tố cáo là các hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức. Luật tố cáo quy định có hai loại hành vi vi phạm pháp luật bị tố cáo gồm: (1) hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; (2) hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực.

Ba là: cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố cáo là các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Về nguyên tắc, người tố cáo có thể tố cáo hành vi vi phạm pháp luật đến cơ quan nhà nước. Trong trường hợp người tố cáo bằng đơn mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhận được đơn thì cơ quan đó có trách nhiệm chuyển đơn tố cáo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết. Trường hợp người tố cáo đến tố cáo trực tiếp mà tố cáo đó không thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan tiếp nhận thì người tiếp nhận có trách nhiệm hướng dẫn người tố cáo đến tố cáo với cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Bốn là: Trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo bao gồm: (1) tiếp nhận, xử lý thông tin tố cáo; (2) xác minh nội dung tố cáo; (3) kết luận nội dung tố cáo; (4) xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và (5) công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo.

Năm là: Bản chất của kết quả giải quyết tố cáo, nếu người bị tố cáo vi phạm pháp luật thì áp dụng các biện pháp xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật; nếu hành vi vi phạm của người bị tố cáo có dấu hiệu tội phạm thì chuyển vụ việc cho cơ quan điều tra hoặc Viện kiểm sát của thẩm quyền để giải quyết tố cáo; trường hợp người bị tố cáo không vi phạm thì phải thông báo bằng văn bản cho người bị tố cáo, cơ quan quản lý người tố cáo, khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp của người bị tố cáo bị xâ phạm, đồng thời xử lý hoặc kiến nghị xử lý người cố ý tố cáo sai sự thật.

II. Vu khống là gì?

Vu khống người khác là các hành vi bịa đặt hoặc loan truyền những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền.

Hành vi vu khống có thể thể hiện dưới các hình thức sau đây:

– Bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác: Người phạm tội có hành vi đưa ra những thông tin không đúng sự thật và có nội dung xúc phạm nhân phẩm, danh dự, uy tín người khác như đưa ra thông tin người khác có hành vi thiếu đạo đức, có hành vi vi phạm pháp luật mặc dù người đó không có hành vi này. Hình thức đưa ra những thông tin nói trên có thể dưới những dạng khác nhau như truyền miệng, qua các phương tiện thông tin đại chúng, viết đơn, thư tố giác,...Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết những thông tin mình đưa ra là không đúng sự thật nhưng đã thực hiện nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác.

– Loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác: Lỗi của người phạm tội là cố ý. Người phạm tội biết thông tin mà mình loan truyền là sai sự thật nhưng đã loan truyền nhằm mục đích xúc phạm danh dự hoặc nhằm gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người khác. Nếu người phạm tội nhầm tưởng thông tin mình loan truyền là đúng sự thật thì hành vi không cấu thành tội này.

– Bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan nhà nước: Người phạm tội có hành vi tố cáo người khác có hành vi phạm tội trước cơ quan nhà nước như trước các cơ quan công an, hải quan, viện kiểm sát…. Mặc dù thực tế người này không có hành vi đó. Lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý. Người phạm tội biết rõ người mình tố giác không có hành vi phạm tội nhưng vẫn tố giác họ.

Hậu quả xảy ra là nạn nhân bị mất uy tín, danh dự hoặc bị thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ. Tội vu khống được coi là hoàn thành từ khi người phạm tội thực hiện hành vi loan truyền những điều bịa đặt cho người khác biết hoặc tố cáo với cơ quan nhà nước về việc người khác phạm tội.

III. Tố cáo mà không có bằng chứng cụ thể thì có dấu hiệu của tội vu khống không?

Theo khoản 10 Điều 8 Luật Tố cáo năm 2018 nghiêm cấm cá nhân có hành vi: “Cố ý tố cáo sai sự thật; cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật; sử dụng họ tên của người khác để tố cáo”.

Người tố cáo cũng phải tuân thủ các nghĩa vụ tại khoản 2 Điều 9 Luật Tố cáo năm 2018, bao gồm:

- Cung cấp thông tin cá nhân;

- Trình bày trung thực về nội dung tố cáo; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung tố cáo mà mình có được;

- Chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung tố cáo;

- Hợp tác với người giải quyết tố cáo khi có yêu cầu;

- Bồi thường thiệt hại do hành vi cố ý tố cáo sai sự thật của mình gây ra.

Do đó, tố cáo không có bằng chứng là người tố cáo không thực hiện đúng nghĩa vụ cung cấp thông tin và nội dung tố cáo được cơ quan chức năng cho là sai sự thật, thì hành vi tố cáo này có thể bị coi là bịa đặt, vu khống. Theo khoản 1 Điều 10 Luật Tố cáo năm 2018 thì người bị tố cáo có quyền yêu cầu cơ quan công an xử phạt hành chính, truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc khởi kiện ra tòa tùy theo tính chất, mức độ vi phạm (Điều 63 Luật Tố cáo 2018) để bảo vệ quyền lợi của mình.

Trên đây là toàn bộ tư vấn của chúng tôi, hy vọng rằng, những ý kiến tư vấn này, sẽ giúp làm sáng tỏ các vấn đề mà Quý vị đang quan tâm. Để có thể làm rõ hơn và chi tiết từng vấn đề nêu trên cũng như các vấn đề pháp lý mà Quý vị đang cần tham khảo thêm ý kiến chuyên môn. Xin vui lòng liên hệ ngay cho chúng tôi theo địa chỉ email: luatsaosang@gmail.com hoặc qua Tổng đài tư vấn: 0936.65.3636 - 0972.17.27.57 để nhận được sự tư vấn, giải đáp và hỗ trợ từ Luật Sao Sáng. Trân trọng cảm ơn !

 

 

 

 

 

Bài viết cùng chuyên mục

Bản đồ

Luật sư sẽ liên hệ lại với bạn ngay lập tức khi nhận được lịch

Danh mục

Tin mới

. .