Quyền kiến nghị khởi tố theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015
Trong BLTTHS 2015 bổ sung chủ thể người bị tố giác, kiến nghị khởi tố nhưng không định nghĩa rõ ràng về hai chủ thể này. Theo lý luận về pháp luật tố tụng hình sự chúng ta có thể hiểu cách đơn giản, người bị tố giác, kiến nghị khởi tố là cá nhân, tổ chức bị tố cáo về một hành vi có dấu hiệu tội phạm; bị cơ quan có thẩm quyền kiến nghị khởi tố bằng văn bản.
1. Ai có quyền kiến nghị khởi tố?
Căn cứ theo Điều 143 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và Điều 144 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 có nêu như sau:
"Điều 143. Căn cứ khởi tố vụ án hình sự
Chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ:
1. Tố giác của cá nhân;
2. Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân;
3. Tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng;
4. Kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước;
5. Cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm;
6. Người phạm tội tự thú.
Điều 144. Tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền.
2. Tin báo về tội phạm là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền hoặc thông tin về tội phạm trên phương tiện thông tin đại chúng.
3. Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
4. Tố giác, tin báo về tội phạm có thể bằng lời hoặc bằng văn bản.
5. Người nào cố ý tố giác, báo tin về tội phạm sai sự thật thì tuỳ tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật".
Như vậy chỉ có cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị khởi tố bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm.
2. Cơ quan, tổ chức nào có quyền tiếp nhận kiến nghị khởi tố theo quy định?
Căn cứ theo Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định:
"Trách nhiệm tiếp nhận và thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố
1. Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.
2. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố gồm:
a) Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
b) Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.
3. Thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố:
a) Cơ quan điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo thẩm quyền điều tra của mình;
b) Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo thẩm quyền điều tra của mình;
c) Viện kiểm sát giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát đã yêu cầu bằng văn bản nhưng không được khắc phục".
...
Theo đó thì cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tiếp nhận kiến nghị khởi tố gồm có: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát.
3. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiến nghị khởi tố
Vụ án hình sự được bắt đầu từ khi có Quyết định khởi tố vụ án, đây là văn bản pháp lý đánh dấu quá trình tố tụng vụ án hình sự. Trên cơ sở vụ án đã được khởi tố, người bào chữa có thể tham gia vào vụ án từ khi có Quyết định khởi tố bị can, chỉ ngoại trừ một số trường hợp đó là người bị bắt, người bị tạm giữ thì lúc này người bào chữa sẽ được tham gia tố tụng khi người bị bắt có mặt tại trụ sở Cơ quan điều tra.Thủ tục đăng ký người bào chữa cũng được BLTTHS quy định rất rõ ràng tại Điều 78, cụ thể: đối với người bào chữa là Luật sư tùy vào thời điểm tham gia vụ án hình sự khi muốn đăng ký bào chữa xuất trình các loại giấy tờ “Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chững thực và giấy yêu cầu luật sư của người bị buộc tội hoặc của người đại diện, người thân thích của người bị buộc tội” và trong thời hạn 24 giờ kể từ khi nhận đủ giấy tờ việc đăng ký bào chữa của Luật sư sẽ được xữ lý. Tuy nhiên người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, kiến nghị khởi tố không được pháp luật quy định một cách cụ thể.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, kiến nghị khởi tố chỉ được BLTTHS 2015 quy định tại duy nhất Điều 83 BLTTHS 2015 như sau: “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố là người được người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp”, trong đó xác định có ba đối tượng được thực hiện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố bao gồm: a) Luật sư; b) Bào chữa viên nhân dân; c) Người đại diện; d) Trợ giúp viên pháp lý. Và có các quyền sau:
a) Đưa ra chứng cứ, tài liệu, đồ vật, yêu cầu;
b) Kiểm tra, đánh giá và trình bày ý kiến về chứng cứ, tài liệu, đồ vật liên quan và yêu cầu người có thẩm quyền tiến hành tố tụng kiểm tra, đánh giá;
c) Có mặt khi lấy lời khai người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố và nếu được Điều tra viên hoặc Kiểm sát viên đồng ý thì được hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố. Sau mỗi lần lấy lời khai của người có thẩm quyền kết thúc thì người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố có quyền hỏi người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
d) Có mặt khi đối chất, nhận dạng, nhận biết giọng nói người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
đ) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng.
4. Thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị kiến nghị khởi tố
Căn cứ theo Điều 9 Thông tư 46/2019/TT-BCA thì thủ tục đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố như sau:
- Khi đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố phải xuất trình các giấy tờ:
a) Luật sư xuất trình Thẻ luật sư kèm theo bản sao có chứng thực và giấy nhờ Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố;
b) Bào chữa viên nhân dân xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và văn bản cử bào chữa viên nhân dân của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận;
c) Người đại diện của bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố xuất trình Chứng minh nhân dân hoặc thẻ Căn cước công dân kèm theo bản sao có chứng thực và giấy tờ có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền về mối quan hệ của họ với bị hại, đương sự, người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
- Trực ban hình sự của Cơ quan điều tra hoặc trực ban hình sự của từng đơn vị điều tra (trong trường hợp không tổ chức trực ban hình sự chung), trực ban các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Khi nhận được hồ sơ đăng ký, đối với Cơ quan điều tra tổ chức trực ban hình sự chung thì cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận vào sổ trực ban hình sự, chuyển ngay cho đơn vị thụ lý vụ việc, vụ án để đóng dấu văn bản đến và giao ngay cho Điều tra viên được phân công giải quyết vụ án, vụ việc. Đối với đơn vị điều tra tổ chức trực ban hình sự riêng, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, cán bộ trực ban hình sự có trách nhiệm đóng dấu văn bản đến, ghi rõ giờ, ngày, tháng, năm nhận và chuyển ngay cho Điều tra viên, Cán bộ điều tra được phân công giải quyết vụ án, vụ việc.
Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ bảo đảm đầy đủ các giấy tờ nêu trên thì trong thời hạn không quá 24 giờ kể từ khi tiếp nhận, Điều tra viên, Cán bộ điều tra có trách nhiệm trình Thủ trưởng, Phó Thủ trưởng Cơ quan điều tra (khi được Thủ trưởng phân công hoặc ủy quyền), Cấp trưởng, Cấp phó cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra ký Thông báo về việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và vào sổ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. Trường hợp hồ sơ đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chưa bảo đảm đầy đủ các giấy tờ thì Điều tra viên, Cán bộ điều tra thông báo cho người đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp biết để bổ sung hồ sơ.
Trường hợp có căn cứ từ chối việc đăng ký bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố, cơ quan đang thụ lý vụ án, vụ việc có trách nhiệm thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối cho người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, người bị kiến nghị khởi tố.
Trên đây là nội dung Công ty Luật TNHH Sao Sáng gửi đến quý bạn đọc tìm hiểu về quyền kiến nghị khởi tố theo Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Nếu có vấn đề còn thắc mắc cần được hỗ trợ giải đáp vui lòng liên hệ với chúng tôi qua Email: luatsaosang@gmail.com hoặc hotline: 0936.65.36.36 – 0972.17.27.57 để được tư vấn và hỗ trợ nhanh nhất